Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tôm Thẻ Hút Hàng

Tôm Thẻ Hút Hàng
Ngày đăng: 07/12/2013

Tôm thẻ đang có giá cao ngất ngưởng. Ở Sóc Trăng kết thúc vụ nuôi, nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng (tôm thẻ) thành công vẫn tiếp tục thả nuôi tiếp. Hơn nữa dự báo thị trường hút hàng tới Tết.

Thả tôm đón Tết

Từ cuối tháng 11 đến nay, ở vùng nuôi tôm ven biển các tỉnh ĐBSCL, thị trường tôm nguyên liệu như đang dậy sóng. Tại Sóc Trăng, nơi có vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh mạnh nhất khu vực bán đảo Cà Mau, tôm thẻ loại 100 con/kg đang có giá trên 120.000 đ/kg; loại 50 con/kg giá 190.000 đ/kg. Lý do giá tăng do gần cuối vụ và lượng tôm thu hoạch giảm. Tôm thẻ tuy nặng vốn, chi phí cao, nhưng thời vụ nuôi ngắn trong 3 tháng tạm thời có ưu thế lấn lướt.

Trong số những hộ nuôi tôm trúng giá gỡ lại được phần lỗ hai năm trước, có hộ “thừa thắng xông lên” không cần thay nước ao nuôi, tiếp tục thả tôm nối vụ. Đi qua các xã theo bờ sông Mỹ Thanh, từ các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề về tới thị xã Vĩnh Châu, nơi nào có điều kiện cấp nước tốt, có điện… vẫn thấy còn một số ao nuôi có cánh quạt quay tung nước trắng xóa.

Anh Hoàng, nhà cách không xa chợ Cổ Cò, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nói: “Năm nay tôi chuyển trên 3 ha từ tôm sú sang nuôi tôm thẻ. Qua 2 vụ đầu nuôi trúng, tổng thu bán được khoảng 500 triệu đồng. Qua tiếp vụ vừa rồi thì thất, nhưng mức lỗ nhẹ, chỉ vài chục triệu đồng. Tôi dự tính hết vụ nghỉ, nhưng thấy bà con xung quanh đang chuẩn bị giống thả nuôi tiếp tục, tôi cũng làm theo”.

Hiện nay nuôi tôm trúng, lãi cao đang cuốn hút một số nông dân ở huyện Cù Lao Dung mở vùng nuôi mới. Ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: Dự kiến vùng nuôi mới có khoảng 140 ha. Nhưng huyện khuyến cáo nông dân nên mở ở những khu vực có điều kiện thuận lợi về nguồn nước và điện. Hiện nay, huyện có 7 cụm nuôi tôm, nhưng chưa có điện 3 pha, thậm chí có khu vực chưa có điện. Trên 4 tuyến kênh chính dẫn nước vào vùng nuôi bị bồi lắng.

Còn vùng trồng mía phía ngoài đê ven bờ sông Hậu, thuộc huyện Long Phú, một số hộ đã bỏ mía đào ao thả tôm “đón gió” Tết. Ông Lê Văn Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Phú cho hay: Phần đất 100/300 ha ven sông Hậu có điều kiện thủy lợi lấy nước từ sông Hậu được qui hoạch nuôi thủy sản. Hàng năm, từ tháng 1 mặn ngoài cửa sông vào tới khu vực này. Nông dân có thể lựa chọn đối tượng thủy sản “ngọt - mặn - lợ” phù hợp cho vùng nuôi của mình. Suy cho cùng nông dân cũng muốn chuyển đổi để gia tăng thu nhập.

Nuôi tôm cần điều kiện…

Hơn 2 năm qua, theo dõi quá trình chuyển giao kỹ thuật cho các mô hình lúa - tôm sú, lúa - tôm càng xanh và trồng hoa màu bán dịp Tết, ông Trần Quốc Quang - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) nhận xét: Đến nay, mô hình tôm lúa trong huyện đã có 10.000/11.000 ha. Lúa sản xuất phần nhiều là gạo thơm ngon đặc sản, thu hoạch sớm bán làm quà Tết.

Tuy nhiên, giá tôm đang nắm lợi thế. Mỹ Xuyên có 1.000 ha nuôi tôm thẻ bán cho các Cty XK và một số hộ nuôi tôm càng xanh bán thị trường nội địa, nhà hàng, khách sạn vào dịp cuối năm.

Song, nuôi tôm không phải muốn là... trúng, cần phải có điều kiện. Do vậy, qua kinh nghiệm Cty Fimex VN (Sóc Trăng), khi nhận thấy nguồn cung ứng tôm nguyên liệu chưa chủ động về số lượng và chất lượng đạt tiêu chuẩn XK, DN này đã đầu tư vùng nuôi tôm 100 ha. Sau một năm thử nghiệm ổn định, năm 2013, Fimex VN nuôi thành công, sản lượng đạt 700 tấn tôm/năm, năng suất 15 tấn/ha/năm.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giam đốc Fimex VN, đúc kết: “Nông hộ nuôi tôm có điều kiện tài chính, nguồn cấp nước tốt, cải tạo ao hoàn chỉnh, giống tốt và chủ động xử lý kịp thời trước các yếu tố môi trường để giảm rủi ro, thì giai đoạn hiện nay vẫn có thể thả nuôi tôm được. Hiện thời Fimex đang thả nuôi. Tuy nhiên, lưu ý, tôm thẻ hoạt động mạnh hơn tôm sú nên cần cấp đủ lượng ôxy. Ở những nơi có điều kiện điện 3 pha mới đáp ứng được yêu cầu".

Theo các doanh nhân trong ngành chế biến thủy sản ở ĐBSCL, thị trường tôm XK đang hút hàng. Do đó, vùng nuôi tôm nếu kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ đón lấy cơ hội, giá tốt từ nay đến Tết.


Có thể bạn quan tâm

Có phải ớt hiểm thất mùa do giống đểu? Có phải ớt hiểm thất mùa do giống đểu?

Những ngày qua, hàng trăm nông dân ở xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành (Tây Ninh) rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi mà khoảng 60 ha ớt hiểm được trồng trong vụ ớt năm nay cho hoa nhiều hơn trái!

05/05/2015
Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật

Xuất phát từ nhu cầu trồng trọt bằng giống cây sạch bệnh, chất lượng cao nên việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật cung cấp cho nông dân đang trở thành xu hướng phát triển ở nhiều tỉnh, thành. Tại Bình Thuận, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng KHCN Bình Thuận (Sở Khoa học - Công nghệ) hiện là đơn vị đi đầu và làm chủ công nghệ nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật.

05/05/2015
Quảng Ngãi xuất khẩu hàng trăm tấn ớt tươi mỗi ngày Quảng Ngãi xuất khẩu hàng trăm tấn ớt tươi mỗi ngày

Những ngày này đang bước vào thời điểm chính của vụ thu hoạch ớt, nên lượng ớt thu mua hàng ngày tại các đại lý rất lớn. Ông Trương Chiến, ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, T.p Quảng Ngãi - một trong những điểm thu mua ớt lớn nhất nhì trong tỉnh cho biết: Vào đầu vụ thu hoạch là từ tháng 3, lượng ớt mua của người dân chỉ từ 20 - 30 tấn/ngày. Riêng hơn 2 tuần nay lên đến 60 tấn/ngày.

05/05/2015
Đua trồng khoai lang, nông dân lỗ nặng Đua trồng khoai lang, nông dân lỗ nặng

Hàng trăm hộ nông dân huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đang lỗ nặng vì đua nhau chuyển đổi lúa, bắp sang trồng khoai lang tím Nhật Bản.

05/05/2015
Bình Hòa (Bình Định) được mùa ớt Bình Hòa (Bình Định) được mùa ớt

Vào thời điểm này, nông dân xã Bình Hòa - huyện Tây Sơn - tỉnh Bình Định đang thu hoạch ớt rộ; bà con rất vui vì ớt được mùa, được giá. Nông dân Nguyễn Văn Liễu - ở thôn Vĩnh Lộc, đang thu hoạch ớt trên diện tích hơn 3 sào của gia đình- phấn khởi cho biết: “Năm năm về trước, nông dân Vĩnh Lộc chuyên về cây đậu phụng và cây bắp lai, gần đây chuyển sang đầu tư thâm canh cây ớt.

05/05/2015