Tôm Thẻ Chân Trắng Vào Mùa

Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.
Từ đầu năm đến nay tình hình nuôi tôm thịt ở huyện Tuy Phong gặp nhiều khó khăn. Tuy đã bước vào vụ chính nhưng diện tích thả nuôi mới không đáng kể (125,8ha). Nếu sau tết, người dân nuôi tôm lo lắng thậm chí có người mất hết vốn vì tôm chết hàng loạt và tôm chết liên tục nhiều đợt, thì đây là thời điểm họ thu lãi để bù lỗ cho vụ đầu năm. Mấy năm gần đây, cứ đến thời điểm giao mùa từ tháng 12 đến tháng 2, tôm thẻ chân trắng lại có dấu hiệu chết hàng loạt.
Sau khi thả post một thời gian ngắn, tôm bỗng chậm lớn, có dấu hiệu nổi đầu và chết dần. Theo các kỹ sư nuôi trồng thủy sản quản lý khu vực tỉnh Bình Thuận, thì tôm thẻ gặp phải hội chứng tôm chết sớm hoặc hội chứng hoại tử gan tụy cấp; có thể tôm không thích nghi với thời điểm thời tiết chuyển mùa. Do đó, những ai nuôi tôm luân canh sẽ gặp thiệt hại lớn ở thời điểm này.
Sau một thời gian “đánh vật” với bệnh trên tôm thẻ chân trắng, thì đây là thời điểm người nuôi tôm có thể thở phào nhẹ nhõm để chuẩn bị cho vụ mùa. Chuẩn bị thu hoạch 4 sào tôm thẻ chân trắng, anh Nguyễn Văn Lai (xã Vĩnh Hảo) không giấu được niềm vui: “Đợt này gia đình tôi nuôi đạt lắm, kích cỡ tôm lớn, giá tôm đang nhích dần hi vọng sẽ có lãi nhiều.
Với giá tôm hiện nay khoảng 100 nghìn đồng/kg (loại 100 con), trừ chi phí có thể thu lãi vài chục triệu đồng”. Hòa cùng với niềm vui ấy, hộ anh Minh Trí (xã Vĩnh Tân) với hơn 1ha nuôi tôm đã thu về hàng trăm triệu đồng.
Sau nhiều năm “sống chung” với con tôm thẻ, người nuôi tôm ở Tuy Phong không còn nôn nóng thu lãi nuôi thâm canh liên tục 3 vụ/năm. Thay vào đó, họ biết nương theo thời tiết, thả nuôi theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để tránh thất bại. Ông Nguyễn Văn Long (xã Chí Công) cho biết: “Sau 2 năm thất bại liên tiếp vào vụ đầu năm do thời tiết chuyển mùa nắng nóng kéo dài. Năm nay tôi không nuôi trái vụ, chỉ nuôi 2 vụ/năm, lời ít nhưng nắm phần chắc trong tay. Đây là thời điểm tôm phát triển khá tốt, ít bệnh nên hầu như hộ nào nuôi cũng đạt”.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, các hộ nuôi không nên thả nuôi trước tháng 3, vì đây là thời điểm giao mùa rất dễ xảy ra dịch bệnh trên diện rộng và không nên thả dày. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hộ nuôi đã thả tôm post dày làm dịch bệnh dễ phát sinh. Phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phong đã phối hợp với Chi cục Thủy sản, Trạm Khuyến ngư huyện và Công ty Hải Nam mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm VietGAP cho nhiều hộ nuôi, để việc sản xuất tôm thịt thời gian tới đạt hiệu quả, tránh tổn thất cho người nuôi tôm.
Có thể bạn quan tâm

Viện Sinh học Nhiệt đới (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) là đơn vị chuyển giao công nghệ cho đơn vị chức năng ở địa phương để triển khai dự án xây dựng mô hình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn tại Bình Thuận.

Trên địa bàn thị xã Bắc Kạn hiện có khoảng 30ha rừng mỡ bị sâu ong gây hại, tập trung ở các thôn Bản Rạo (xã Xuất Hóa); thôn Nà Ỏi, Bản Bung (xã Dương Quang); Nà Chom, Khau Pút (xã Nông Thượng) và gần đây nhất là ở tổ 18, phường Sông Cầu.

Tại Hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong thời kỳ suy thoái kinh tế” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch-Đầu tư) tổ chức vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã phân tích, nhận định, dù tỉnh có nhiều lợi thế nhưng cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

Hiện tại, không thiếu mô hình doanh nghiệp (DN) liên kết với nông dân trong sản xuất, bao tiêu nông sản. Nhưng trong thực tế, nhiều mô hình liên kết này thiếu tính bền vững. Nông dân sẵn sàng phá vỡ cam kết bán sản phẩm ra ngoài khi giá thị trường cao hơn, DN không thực hiện đúng các cam kết trong bao tiêu khi thị trường bất lợi.

Trong nuôi trồng thủy sản, nếu môi trường không được xử lý tốt sẽ bị ô nhiễm bởi lượng thức ăn dư thừa, xác chết, chất thải của các đối tượng nuôi…