Tôm Thẻ Chân Trắng Lên Ngôi

Mấy năm gần đây, tại Việt Nam, nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) đang lấn át tôm sú và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong XK. Việc người dân dần chuyển sang nuôi TTCT phải chăng là xu hướng tất yếu.
Tôm thẻ đè tôm sú
Năm 2011, Việt Nam dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú với sản lượng 300 nghìn tấn. Ấn Độ và Indonesia xếp thứ 2 và 3 với sản lượng lần lượt là 187,9 nghìn tấn và 126,2 nghìn tấn. ĐBSCL là vùng nuôi tôm nước lợ chính, năm 2012, diện tích và sản lượng tôm sú nuôi 579.997 ha và đạt sản lượng 280.647 tấn. Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích với khoảng hơn 260.000 ha, năng suất bình quân 419 kg/ha.
Tôm sú tuy là mặt hàng có giá trị kinh tế cao nhưng nuôi tôm sú ngày càng gặp khó khăn, nhất là một vài năm trở lại đây nên nhiều người dân đã chuyển sang nuôi tôm TTCT.
Trà Vinh vốn là vùng đất của con tôm sú, nhưng theo báo cáo của ngành chức năng thì tính đến đầu tháng 6/2013, các hộ nuôi tôm ở các huyện như Châu Thành, Cầu Ngang… đã thả nuôi gần 590 triệu con TTCT giống với diện tích khoảng 1.190 ha. So với 2012, diện tích nuôi TTCT đã tăng khoảng 12 lần. Tại Sóc Trăng, hiện nay diện tích nuôi TTCT đã vượt lên 6.233 ha, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2012.
Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cả nước cũng XK tôm sú đạt 1,16 tỷ USD, chiếm 56,1% tổng giá trị XK tôm cả nước, TTCT đạt 676,6 triệu USD, chiếm 32,8%. Theo thống kê, năm 2012, diện tích nuôi TTCT ở ĐBSCL chiếm khoảng 15.727 ha và 77.830 tấn (tương đương với 41,2% diện tích nuôi và 42% sản lượng TTCT cả nước).
Bến Tre là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích với khoảng 4.165 ha, năng suất bình quân 4,8 tấn/ha. Nhiều địa phương ở miền Bắc, Bắc Trung bộ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh…, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên hầu hết là nuôi TTCT thâm canh trong ao đất, nuôi tôm trên cát trong ao lót bạt, năng suất bình quân từ 8 - 10 tấn/ha.
TTCT phù hợp với thời tiết ở miền Bắc hơn là tôm sú. Không chỉ các hộ dân mà DN nuôi tôm cũng chọn TTCT.
Hiện nay, các nhà sản xuất tôm châu Á đang tăng sản lượng tôm cỡ nhỏ hơn. Năm 2011, tôm cỡ 61 - 70 chiếm 7% tổng sản lượng tôm nuôi, nhưng năm 2012 đã tăng lên 15%. Trong khi đó, tôm cỡ 31 - 40 giảm xuống còn 15% tổng sản lượng năm 2012 so với 23% năm 2011.
Biến động này là do nhu cầu tôm cỡ nhỏ từ các thị trường lớn như Mỹ tăng, do đó việc chuyển sang nuôi TTCT ở nhiều quốc gia có thế mạnh về tôm sú phải chăng cũng là điều dễ hiểu. Trên thế giới, Trung Quốc là nước dẫn đầu về sản xuất TTCT với 1,326 triệu tấn; Thái Lan xếp thứ 2 với 511 nghìn tấn và Ecuador xếp thứ 3 với và 260 ngìn tấn.
Thay đổi theo xu hướng thị trường
Theo một nhà khoa học thủy sản thì tôm sú khó nuôi, đặc biệt là nuôi thâm canh mật độ cao, dễ bị bệnh. Bên cạnh đó, đầu ra cho tôm sú cỡ lớn cũng khó hơn do xu thế của thị trường ưa chuộng tôm cỡ nhỏ. Tôm sú bố mẹ chủ yếu là đánh bắt từ tự nhiên, chất lượng không đảm bảo.
Trong khi đó, tôm gia hóa thì chất lượng chưa kiểm soát được. Việc nuôi tôm sú hiệu quả và thích hợp với những hộ có diện tích lớn, nuôi với mật độ thưa, nuôi xen ghép, nuôi sinh thái…
Cùng với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết: Việc nhiều hộ nuôi chuyển sang nuôi tôm thẻ là xu hướng tất yếu, bởi nuôi tôm sú gần đây chết nhiều quá. Hơn nữa, thời gian nuôi TTCT ngắn, chỉ hơn hai tháng là có thể thu hoạch, với giá tại thời điểm này là có lãi rồi.
Xu hướng này không chỉ ở ĐBSCL nói riêng, ở Việt Nam nói chung mà còn ở các nước chuyên nuôi tôm sú như Ấn Độ cũng chuyển sang nuôi TTCT. Việc quản lý vần đề này không dễ bởi không thể nào buộc người dân nuôi đối tượng khó để bị thiệt hại. Nếu muốn người dân nuôi tôm sú, cơ quan chức năng phải làm mô hình nuôi thành công thì người dân sẽ theo.
Nhìn vấn đề với quan điểm thận trọng hơn, ông Sáu Ngoãn, một người nuôi tôm sú rất giỏi ở Bạc Liêu cho rằng, nuôi TTCT đòi hỏi phải có sự đầu tư cao hơn về thiết bị dụng cụ, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phải có vốn lớn. Thậm chí nuôi TTCT ở Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với Thái Lan và Trung Quốc, vì đây là những nước đi trước, có công nghệ kỹ thuật cao.
Trước xu thế chuyển đổi của người dân, nhiều DN sản xuất tôm giống đã chuyển hướng sang sản xuất và cung cấp giống TTCT. Theo đại diện của một DN sản xuất tôm giống lớn ở Bình Thuận thì trong 2 -3 năm trở lại đây, DN này đã tập trung đến 90% năng lực sang sản xuất TTCT giống.
Số lượng TTCT bố mẹ nhập về Việt Nam cùng số trại giống sản xuất TTCT tăng lên đã cho thấy sức hút của TTCT đối với nghề nuôi tôm hiện nay.
Theo VASEP, 5 tháng đầu năm 2013, giá trị XK tôm Việt Nam đạt hơn 863,5 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số thị trường nhập khẩu chính đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là có xu hướng tăng ở thị trường ASEAN.
Có thể bạn quan tâm

Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và gây bệnh…

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm, trong tháng 10, trên địa bàn huyện có 2 nơi phát hiện đàn bò có triệu chứng bệnh lở mồm long móng ở thị trấn Vũng Liêm và xã Hiếu Thành, nhưng đã được khống chế. Trên đàn gia cầm, tình hình dịch bệnh ổn định, có một số bệnh thông thường xảy ra ở một số nơi như bệnh Gumboro, bại liệt trên vịt,...; không có bệnh cúm trên đàn gia cầm.

Cấu trúc ngành chăn nuôi đang thay đổi nhanh, từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín quy mô lớn, liên kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm tại các hệ thống siêu thị và phân phối lớn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam còn phụ thuộc nhiều từ nhập khẩu con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong khi giá các yếu tố này ngày càng tăng cao…

Trong khi nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gặp khó khăn do thiếu vốn, dịch bệnh và thị trường bấp bênh thì mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Đào Văn Hiểu, ở xóm Rẫy, xã Đào Xá (Phú Bình) vẫn đứng vững nhờ biết liên kết với doanh nghiệp, áp dụng mô hình chăn nuôi lợn gia công theo kỹ thuật tiên tiến. Tuy mới xây dựng được hơn 2 năm nay, song mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Thông tin từ ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, đến nay, toàn huyện đã thu hoạch gần 6.000ha mía, chiếm hơn 71% diện tích toàn huyện. Hiện tại, các vùng mía thường bị ngập sâu ở các xã như: Hòa Mỹ, Phương Bình, Hòa An, Phụng Hiệp,… bà con thu hoạch mía cơ bản dứt điểm, chỉ còn lại ở những địa phương có nền đất cao, không bị đe dọa nước lũ.