Tôm Thẻ Chân Trắng Được Nuôi Ở Thành Phố

Đồng chí Đinh Xuân Bền, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên (Quảng Ninh), cho biết: Trước đây người dân chủ yếu nuôi trồng thuỷ sản tập trung ở khu vực bãi triều và những ruộng cấy lúa kém hiệu quả.
Do nuôi đại trà nên hiệu quả kinh tế không cao. Thời gian gần đây nhiều hộ dân đã tìm hiểu và mạnh dạn đưa giống tôm thẻ chân trắng vào nuôi đạt hiệu quả kinh tế rất cao.
Hiện nay phường Đại Yên có 50 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó có 45 hộ nuôi theo hình thức công nghiệp với tổng diện tích 20ha, sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 200 tấn.
Vừa đưa chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Nguyễn Văn Lương, khu Minh Khai đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường vừa giới thiệu: Hộ ông Lương là hộ phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp lớn nhất của địa phương và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình này mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các hộ dân, đồng thời mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân của Đại Yên.
Ông Nguyễn Văn Lương cho biết: Trước đây khu vực này tôi cấy lúa nhưng năng suất không cao, do vậy tôi làm đơn xin chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản, cụ thể là nuôi tôm thẻ chân trắng.
Để nuôi tôm đạt hiệu quả, ngoài việc tự đi đến các chủ đầm nuôi khác học hỏi kinh nghiệm; tham khảo qua sách, báo, tôi còn tích cực tham gia các cuộc hội thảo và tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp do địa phương và thành phố tổ chức.
Khi đã có kiến thức về nuôi tôm tôi quyết định đầu tư hệ thống ao đầm đảm bảo khoa học. Cụ thể là nạo vét toàn bộ ao cũ, tiến hành xây cuốn toàn bộ bê tông xung quanh ao nuôi, đầu tư hệ thống thoát nước, bể trữ nước, điện 3 pha.
Do nơi đây xa biển, nên độ mặn lợ chỉ dưới 0,02%, tôi phải tiến hành lấy nước từ sông vào cánh đồng Quỳnh Chum vì nước ở đây có độ mặn từ 0,05-0,07%. Sau khi đưa nước vào ao rồi tôi dùng guồng máy quạt nước từ 3-4 ngày để tăng độ ô xi, đồng thời kích các loại ấu trùng có trong nước nở sớm, xử lý các tạp chất. Khi kiểm tra thấy nước trong ao đảm bảo ổn định tôi mới tiến hành thả tôm giống.
Ông Lương chia sẻ thêm, giai đoạn đầu của quá trình gột, gây mầu tạo thức ăn cho tôm rồi mới tiến hành thả giống. Đây là giai đoạn phải thường xuyên kiểm tra tiến hành đo độ mặn của nước, trung bình một ngày khoảng 3-4 lần. Do điều kiện nơi đây không thuận lợi, nên tôm nuôi ở đây chỉ tiến hành được 2 vụ/năm.
Thời gian nuôi khoảng 90 ngày thì cho thu hoạch, trung bình khoảng 80-90 con/kg. Giá tôm trên thị trường hiện nay khoảng 120-140 nghìn đồng/kg. Năm nay gia đình tôi dự kiến thu hoạch được 9-10 tấn tôm, trừ chi phí cũng còn lãi hàng trăm triệu đồng, gấp nhiều lần so với cấy lúa và nuôi trồng các loại thuỷ sản khác.
Như vậy có thể thấy, nếu so với cấy lúa nuôi tôm cho hiệu quả cao gấp 3 lần. Việc chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đang là bước đi đúng hướng cho người dân Đại Yên.
Tuy nhiên, để phát triển nuôi trồng thuỷ sản lâu dài và bền vững, người dân Đại Yên đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư mở rộng mô hình. Mong rằng các cấp, ngành quan tâm hơn nữa để nguồn vốn vay kịp thời đến với người dân, đưa các mô hình nuôi trồng thuỷ sản phát huy hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Trong năm 2013, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) phát triển mô hình trồng cây thanh long tập trung chủ yếu ở 2 xã: Minh Thanh, Thái Học, với 39 hộ tham gia, trên diện tích 7,68 ha.

Sản lượng tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng đầu năm tăng so với cùng kì nhưng giá lại thấp hơn nhiều so với thế giới.

Ông Trần Văn Hùng, nông dân xã Thuận Thới, cho biết: “Tôi có ba công ruộng nhưng nhiều năm liền không khá lên nổi. Thấy nhiều người chuyển sang trồng cam sành trúng lớn, lợi nhuận thu được gấp 10 lần trồng lúa nên tôi cũng bỏ lúa chạy theo cam sành”. Theo ông Hùng, mấy năm gần đây vào vụ nghịch giá cam loại 1 có lúc được thương lái mua tại ruộng 30.000-33.000 đồng/kg, giá bèo cũng từ 25.000 đồng/kg nên người trồng cam lãi lớn

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh kinh tế của vùng ĐBSCL; song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề nuôi cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Sáng 26/4, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thả gần 60kg cá giống (tương đương khoảng 12.500 con) vào hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhằm tái tạo các loại cá giống nước ngọt tại địa phương, với các loại cá trê, lóc, chép, trắm cỏ, rô đồng…