Tôm Rớt Giá Mạnh, Người Dân Không Nên Thu Hoạch Ồ Ạt

Những ngày qua, câu chuyện giá tôm đang trở thành vấn đề “nóng” đối với những hộ nuôi tôm công nghiệp (NTCN), bởi giá tôm “rớt” từ 156.000 đồng/kg nay chỉ còn 92.000-95.000 đồng/kg. Đó là vấn đề làm cho người nuôi tôm đứng ngồi không yên khi ao tôm đã vào cỡ thu hoạch, môi trường thì ngày càng ô nhiễm.
Mặc dù dự đoán được giá tôm thẻ chân trắng tăng cao trong thời gian qua là do đột biến của thị trường, nhiều hộ đoán được giá tôm sẽ giảm trở lại nhưng không ngờ giá tôm giảm mạnh như hiện nay. Càng khó khăn hơn cho những hộ có tôm đã đạt kích cỡ thu hoạch nhưng phải đối mặt với thời tiết nguy hiểm của những cơn mưa trái mùa, tôm chết buộc phải thu hoạch và chấp nhận thua lỗ.
Hoang mang về giá
Chị Trịnh Thị Yến, ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau), phân trần: “Ao tôm thẻ chân trắng bị bể ao, kêu lái đến 2 ngày mới bán được. Gần như lái tôm không cần mua và mua với giá 85.000 đồng/kg loại 103 con, lỗ trên 40 triệu đồng, nhưng buộc gia đình phải bán, thu lại được đồng nào hay đồng đó”.
Đây là khó khăn chung của người NTCN hiện nay. Ngoài thu mua với giá thấp, thương lái còn đưa ra mức giá “cào bằng” theo hình thức mua “đồng giá”. Nếu như trước đây, giá tôm thẻ chân trắng được phân theo kích cỡ thì nay thương lái mua với loại 50-100 con 1 giá 95.000 đồng/kg.
Giá đã thấp, tôm nuôi đã khó nhưng bán tôm còn khó hơn khi các loại tôm kích cỡ lớn thương lái gần như không muốn thu mua với lý do xí nghiệp “không ăn”. Với loại tôm kích cỡ 50 con/kg thì người dân bán trong thời điểm này càng lỗ.
Ông Đoàn Văn Chính, Phó Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết, qua tuyên truyền Thông báo số 54 của Sở NN&PTNT về tình hình, nguyên nhân biến động giảm mạnh giá tôm nguyên liệu, cho thấy đa số người dân rất lo ngại.
Nhiều câu hỏi người dân đặt ra, liệu giá tôm có tăng trở lại hoặc có giảm nữa hay không, hay ở mức giá như hiện nay… Trong khi đó, tôm nuôi đang ở giai đoạn thu hoạch, người nuôi tôm đều muốn bán, nhưng với giá tôm này, người dân tiếp tục nuôi cầm chừng và chờ cơ hội.
Cần bình tĩnh trước biến động thị trường
Theo thông tin từ Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (CASEP) thì tôm Cà Mau chủ yếu xuất vào thị trường Mỹ và Nhật. Đây là 2 nước chi phối giá tôm thế giới. Thời gian qua, tôm nuôi ở nhiều nước bị thiệt hại, sản lượng sụt giảm nặng nề, cung - cầu mất cân đối nghiêm trọng là nguyên nhân chính tạo ra cơn sốt tăng giá.
Hiện tại, do lo ngại giá tôm tiếp tục giảm, cộng với sự rủi ro về dịch bệnh nên có hiện tượng người nuôi tôm thu hoạch ồ ạt làm tăng đột biến sản lượng, cung vượt cầu.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký CASEP, cho biết, lượng tôm nguyên liệu được bán chủ yếu cho các doanh nghiệp CBTSXK có thực lực và thanh toán tiền ngay, làm cho những doanh nghiệp này thừa nguyên liệu. Ngược lại, những doanh nghiệp khác thì không có nguyên liệu chế biến do không có tiền mua đã tạo ra thừa ảo dẫn đến giảm giá.
Đây là vấn đề mà cả ngành chức năng và người nuôi tôm cần kiểm chứng và tìm giải pháp cho mình. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khuyến cáo: “Trước mắt, người dân không nên nôn nóng bán tháo, bán chạy đối với các ao tôm đang ở kích cỡ thu hoạch để tránh thiệt hại về giá. Trong thời gian tới, giá tôm tiếp tục giảm ở mức vừa phải, do tình hình nuôi tôm các nước như Thái Lan, Ấn Độ… đang dần phục hồi. Người dân không nên nôn nóng, cần thu hoạch tôm đúng tuổi, nên có định hướng chuyển sang nuôi tôm sú để cân bằng nguồn tôm nguyên liệu”.
Theo nhận định của CASEP, tôm nuôi của các nước: Thái Lan, Ấn Ðộ, Indonesia, Trung Quốc… đã phục hồi nhưng còn rất chậm, lượng tôm sẽ tăng nhẹ. Song, trong thời gian ngắn, với số lượng tôm nguyên liệu tăng lên cũng sẽ không làm thay đổi lớn tình hình ít nhất cho đến tháng 7/2014.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 7/8, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Tiền Giang tổ chức thả 80 ngàn con cá sặc rằn, 20 ngàn con cá rô và mè vinh trên diện tích 1 ha thuộc 7 hộ dân ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Trung. Đây là mô hình nuôi luân canh cá - lúa, đối tượng sặc rằn là chính được đưa vào nuôi thí điểm ở huyện Cái Bè.

Ngày 03/4/2013, tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương-Vũ Huy Hoàng đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn cho người trồng thanh long sử dụng bóng đèn Compact chống ẩm trên cây thanh long nhằm ứng phó với tình hình thiếu điện trầm trọng hiện nay.

Chỉ chọn nuôi ong ta, lấy chất lượng mật ong làm trọng và chủ động trong việc xây dựng và hình thành thương hiệu của riêng hội mình, “Hiệp hội nuôi ong ta” của các CCB xã Thái Hòa (Hàm Yên) khiến cho nhiều người trẻ giật mình trong cách làm ăn..

Trong khi các trang trại nuôi lợn nhà xuất hiện như "nấm mọc sau mưa" ở cả miền ngược lẫn miền xuôi thì tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), một số hộ dân lại đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi lợn rừng. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Đến xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị), hỏi anh Nguyễn Thọ Biền thì ai cũng biết, vậy nhưng gặp được anh lại không dễ, bởi anh luôn bận rộn với trang trại nuôi hơn 1.400 con vịt của mình. Đứng trước khu chuồng trại với hàng nghìn con vịt đẻ và 2 lò ấp trứng quy mô, anh Biền cho chúng tôi biết, cách đây gần chục năm, khi chưa có điều kiện chăn nuôi rộng rãi như hiện nay, gia đình anh đã tận dụng vườn ao của nhà để nuôi vịt đẻ. Nhận thấy việc chăn nuôi thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình anh đã mạnh dạn đề xuất với địa phương cho chuyển đổi đất trồng lúa kém năng suất sang mô hình trang trại để đầu tư nuôi vịt đẻ với số lượng lớn.