Tôm Nuôi Trước Vụ Lại Chết Hàng Loạt

Tỉnh Quảng Nam đang đồng loạt thả nuôi tôm giống vụ 1 năm 2011. Tuy nhiên, vẫn có không ít hộ dân ở TP.Tam Kỳ và các huyện Núi Thành, Thăng Bình... bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, thả nuôi trước vụ dẫn đến tôm chết hàng loạt.
Đồng loạt thả tôm giống
Theo Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, từ ngày 10/3, các địa phương trên địa bàn huyện đều đồng loạt xuống giống thả nuôi tôm vụ 1 năm 2011. Vụ 1 năm nay, toàn huyện Núi Thành có 1.500 ha ao nuôi, tập trung nhiều nhất ở các xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Tiến, Tam Hòa. Hầu hết các diện tích đều được thả nuôi tôm thẻ chân trắng, với mật độ bình quân khoảng 70 con/m2. Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Tam Tiến cho biết: “Năm nay gia đình tôi thả nuôi 4 ha tôm thẻ chân trắng. Các ao nuôi đều được xử lý theo quy trình kỹ thuật của ngành chức năng, đảm bảo độ pH, mực nước và thời gian thả nuôi đúng lịch thời vụ của Sở NN&PTNT”.
Tranh thủ những ngày nắng ấm, các hộ nuôi tôm ven sông Trường Giang thuộc các xã Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) cũng đồng loạt thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 70 ha. Tại các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và TP.Tam Kỳ, người dân cũng đã thả nuôi tôm vụ 1 trên 200 ha mặt nước. Ông Nguyễn Văn Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, trước khi xuống giống vụ 1, các ao nuôi tôm trên địa bàn huyện đã được khử trùng, diệt tạp và xử lý triệt để. Dù điều kiện thả nuôi trong thời điểm hiện nay rất thuận lợi nhưng ngành NN&PTNT huyện vẫn khuyến cáo người nuôi cần theo dõi môi trường nước, kiểm tra chính xác độ pH, độ kiềm và khí độc trong ao nuôi để loại trừ các yếu tố gây bệnh cho tôm.
“Vượt rào” nên... trắng tay
Những khuyến cáo của các cơ quan chức năng ở Quảng Nam đối với người nuôi tôm vụ 1 năm 2011 là không thừa, bởi không ít diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trước thời vụ bị chết hàng loạt. Ông Võ Độ, thôn Bình An, xã Tam Hòa (Núi Thành) cho biết, sau Tết Nguyên đán, gia đình ông thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 5.000m2. Sau gần 2 tháng phát triển tốt thì tôm có dấu hiệu yếu dần và chết hàng loạt. “Chúng tôi đã dùng các biện pháp kỹ thuật như nạo vét, tẩy dọn đáy ao, bón vôi và phơi đáy... nhưng không hiểu sao tôm lại bị chết” - ông Độ nói.
Không riêng gì các hộ nông dân tại các xã Tam Hòa, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 (Núi Thành), nhiều hộ dân tại huyện Thăng Bình và TP.Tam Kỳ cũng điêu đứng vì thả nuôi trước vụ. Ông Lê Văn Thống, xã Bình Nam (Thăng Bình) cho biết, vào thời điểm này năm trước, nhiều hộ dân trong xã thả nuôi tôm thẻ chân trắng trúng lớn nên gia đình ông cũng “tranh thủ” thả nuôi trước vụ. Không ngờ tôm chết hàng loạt, thua lỗ trên 50 triệu đồng.
Trước tình hình trên, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam khuyến cáo: “Thời điểm này, vi khuẩn Vibrio - tác nhân gây ra một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi - vẫn còn xuất hiện với mật độ cao trong nước nên bên cạnh việc thông báo kết quả chương trình giám sát môi trường và bệnh tôm, chúng tôi cũng đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn ở địa phương phối hợp chặt chẽ, khống chế không cho bệnh lây lan. Đồng thời giám sát phát hiện nhanh chóng những dấu hiệu dịch bệnh mới trên tôm nuôi để khoanh vùng khống chế kịp thời”
Có thể bạn quan tâm

Để mở ra hướng đi mới cho sản xuất hàng hoá trong xây dựng nông thôn mới (NTM), giúp người dân nâng cao thu nhập, đảm bảo kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, xã Lê Lợi (Hoành Bồ - Quảng Ninh) đã triển khai một cách hiệu quả mô hình nuôi gà tập trung.

Do thời tiết nóng ẩm, nên nhiều trà lúa hè thu có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh đạo ôn và bệnh vi khuẩn. Thực tế tại Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đạo ôn đã xuất hiện. Nếu việc phòng trị không chủ động bệnh sẽ lan nhanh ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa.

Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ ba của Việt Nam sau tôm và cá tra, basa với 526 triệu đô-la Mỹ năm 2013 và tương lai sẽ trở thành mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản nếu có cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ ngư dân đầu tư, cải tạo trang thiết bị, công cụ đánh bắt nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Mặc dù có thể làm thành những món ăn hấp dẫn, nhưng cá lau kính – một loài sinh vật ngoại lai – đang là mối nguy cơ có thật đối với hệ sinh thái trong các thủy vực tự nhiên.

Các địa phương cần công khai chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi biết, hợp tác trong công tác phòng chống dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh.