Tôm lại chết hàng loạt

Về vùng nuôi tôm xã Hòa Hiệp Nam, đến đâu chúng tôi cũng chỉ nghe nông dân thở dài khi nói chuyện tôm. Không khí vụ nuôi tôm đợt 2 không tất bật. Nhiều ao đìa bỏ trống, chỉ lác đác bóng chủ hồ...
Ông Lê Văn Chính, Tổ trưởng Tổ nuôi tôm cộng đồng số 2 cho biết: “Vụ thả nuôi năm nay cả 20 hộ trong tổ đều thua lỗ vì tôm từ 20 - 40 ngày bị chết hàng loạt. Người lỗ ít nhất cũng vài chục triệu đồng, nhiều lên đến hàng trăm triệu.
Bây giờ các đìa tôm vắng hẳn, ra đó chẳng gặp họ đâu, bởi về hết rồi. Sở dĩ tôi ở đây là do vừa thả nuôi tôm VietGAP cho dự án...”.
Ông Chính dẫn tôi đến các đìa nuôi bị thiệt hại xung quanh khu vực ao nuôi nhà ông chừng vài trăm mét. Tại đây, các trại đều không có người. Hồ nuôi bỏ trống, các máy sục khí oxy đều tháo dỡ.
Liên lạc qua điện thoại với ông Trần Văn Lộc, một trong những hộ bị thiệt hại thì được biết, mặc dù gia đình ông đã cải tạo ao kỹ lưỡng, mua con giống chất lượng, nhưng nuôi từ 20 - 40 ngày thì tôm bỏ ăn rồi chết, gia đình ông trở tay không kịp.
Do tôm nuôi bị chết liên tiếp 2 đợt nên mấy ngày qua ông chán nản không muốn ra đìa nữa.
Qua 2 đợt thả nuôi gia đình ông Lộc bị thua lỗ gần 70 triệu đồng. Vụ nuôi đợt 1 gia đình ông thả 20 vạn giống trên 8.000 m2, nuôi được hơn 30 ngày thì tôm chết, thiệt hại hơn 40 triệu đồng.
Còn đợt 2 từ ngày 12/3 (âm lịch) ông thả 15 vạn giống, với giá đầu 90 đ/con như diện tích trên, nuôi được 35 ngày thì tôm cũng biểu hiện bỏ ăn rồi chết chìm dưới đáy, vớt lên phát hiện gan bị hoại tử.
Tương tự, hộ anh Nguyễn Văn Khôi, người cùng thôn cũng thiệt hại hàng chục triệu đồng vì tôm chết hàng loạt.
Gặp chúng tôi, anh Khôi than vãn: “Thả tôm kiểu gì cũng chết, không biết do môi trường hay con giống. Năm trước tôi thả tôm nuôi mật độ dày nên thất bại. Vậy mà đợt này chỉ thả 10 vạn giống trên 7.000 m2 nhưng tôm vẫn chết. Hiện tôi không dám thả nuôi nữa”.
Thê thảm nhất là gia đình anh Trần Được thả nuôi 3 ao, cả vùng trên triều và dưới triều đều bị chết, tổng thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ao nuôi thiệt hại gần đây nhất khi ông thả 50 vạn giống. Nuôi được 2 tháng, nhưng do nhiều tôm chết và số còn lại chỉ cho thu hoạch được gần 2 tấn, kích cỡ 300 con/kg, bán với giá 40 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí ông lỗ 80 triệu đồng. Hiện gia đình ông đang cải tạo lại ao đìa, xoay vốn tiếp tục thả nuôi để gỡ gạc vốn.
Ông Ngô Tận, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam cho biết: Toàn xã có 430 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ đầu năm đến nay các hộ thả nuôi được 329 ha. Tuy nhiên qua 2 đợt thả nuôi tôm đều có biểu hiện chết; đặc biệt khoảng 1 tháng qua tôm nuôi có chiều hướng chết trên diện rộng.
Còn ông Phan Phú, cán bộ thú y xã Hòa Hiệp Nam cho rằng, việc hỗ trợ kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh cho người nuôi tôm là rất khó, bởi họ vẫn có tâm lý giấu dịch. Khi tôm chết hàng loạt thì mới tá hỏa.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân tôm chết do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Bà con nên thận trọng thả nuôi, cải tạo ao nuôi kỹ lưỡng, lựa chọn con giống và thức ăn đảm bảo; đồng thời duy trì mực nước trong ao từ 1,2 - 1,5m.
Có thể bạn quan tâm

Giống như mọi ngày, hôm nay, khi mặt trời vừa ló dạng, ông Bảy Khắc (Thái Văn Khắc, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thong thả tập kết thức ăn lên xuồng, bơi trên đầm cho tôm ăn. Vừa cho tôm ăn, ông đưa mắt nhìn những cánh quạt đang quay đều mà lòng đầy phấn khởi, hy vọng vụ tôm này sẽ thắng lợi như năm trước.

Trước yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không liên quan đến đánh bắt, khai thác hải sản nên vẫn khuyến khích bà con, doanh nghiệp đầu tư, còn tàu đánh bắt xa bờ thì phải phát triển đúng quy hoạch để bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2014, vùng ĐBSCL có hơn 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, trên 4.000 hộ ương dưỡng với diện tích hơn 2.250ha, sản lượng sản xuất được hơn 2,0 tỷ con cá giống. Ngoài ra, tính đến nay, tổng số cá tra bố mẹ chất lượng cao do viện II cung cấp cho các tỉnh đạt 105.423 con tuy nhiên tỷ lệ hao hụt khá cao lên đến 22%, một số địa phương tỷ lệ thất thoát cao như Vĩnh Long, An Giang.

“Gà “tiến vua”có đôi chân rất to, sần sùi, da đỏ hồng, dáng vẻ oai vệ, khi trưởng thành gà trống có thể nặng đến 4,5kg. Đây là giống gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thường được dùng để “tiến vua” ngày xưa” - ông Nguyễn Văn Bộ (ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết.

Như tin báo Kinh tế & Đô thị đã đưa, tình trạng sữa tươi sản xuất ra không tiêu thụ hết tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội và một số địa phương khác đã khiến cho người chăn nuôi lo lắng. Ngày 12/1, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT) đã có buổi làm việc với các hộ sản xuất và DN để tìm hướng tháo gỡ. Đến nay, tình hình thu mua sữa đã bước đầu đi vào ổn định.