Tôm hùm rớt giá

Với giá này, người nuôi không có lãi, thậm chí lỗ.
Anh Nguyễn Ngọc Huy, một người nuôi tôm hùm với sản lượng nhiều và có thâm niên ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết: Chưa năm nào tôm hùm bông thương phẩm lại rớt giá liên tục như năm nay. Nếu như cuối năm 2014, giá tôm hùm loại 1 ở mức từ 1,8-2 triệu đồng/kg, thì đầu năm 2015 còn 1,6-1,8 triệu đồng/kg, nay rớt xuống chỉ còn 1,33-1,38 triệu đồng/kg.
Đây là mức giá thấp nhất từ nhiều năm nay. Với giá này, sau khi thu hoạch người nuôi không có lãi mấy, thậm chí thua lỗ đối với những hộ đầu tư cao và nuôi bị hao hụt nhiều.
Theo anh Huy, 2 vụ tôm hùm gần đây người dân Bình Ba đều có lãi. Vì vậy, đầu vụ tuy giá tôm thấp nhưng bà con vẫn hy vọng cuối vụ giá cao sẽ xuất bán. Thế nhưng trái với quy luật, giá tôm không tăng lại tiếp tục giảm khiến người nuôi khó khăn.
“Mặc dù tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng hầu như bà con không xuất bán, bởi nếu bán giá này không có lãi mấy. Như gia đình tôi vụ tôm năm nay thả nuôi 80 lồng với 6.000 con.
Hiện tôm nuôi đã được 18 tháng, đạt trọng lượng trung bình từ 0,8-1kg/con. Nhưng do giá thấp không bán được nên mỗi ngày riêng tiền thức ăn cho tôm đã mất khoảng 15 triệu đồng”, anh Huy than vãn.
Còn anh Nguyễn Văn Tâm, cũng nuôi tôm hùm ở thôn này cho hay: “Với giá tôm như hiện nay nếu bán sẽ thất thu 300-400 ngàn đồng/kg so với những năm trước đó”.
Ông Nguyễn Thành Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình cho biết, toàn xã có khoảng 4.500 lồng nuôi tôm hùm, trong đó tôm hùm xanh chiếm khoảng 60%. Riêng tôm hùm xanh hiện bà con đã thu hoạch xong, bán với giá trên dưới 1 triệu đồng/kg, nên đa phần đều có lãi và đang thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên đối với tôm hùm bông thì toàn xã còn khoảng 400 lồng nuôi (mỗi lồng khoảng 60 con) đang chuẩn bị thu hoạch. Song giá tôm thấp như hiện nay nên người nuôi chưa xuất bán.
“Thời gian qua người dân chủ yếu nuôi tôm hùm xanh nhiều hơn vì nó dễ nuôi, đầu tư ít, rút ngắn thời gian thu hoạch và dễ tiêu thụ, đặc biệt là thị trường trong nước”, ông Vinh chia sẻ.
Tương tự, tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh hiện giá tôm hùm thương phẩm cũng đang giảm, chỉ còn 1,35 triệu đồng/kg (loại 1). Ông Nguyễn Thành Thênh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh cho biết: Do giá giảm nên hiện nay số tôm đang trong thời kỳ thu hoạch, người nuôi cũng chỉ xuất bán cầm chừng.
Được biết, tôm hùm bông có giá trị kinh tế rất cao, chủ yếu XK sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nên giá cả lúc lên lúc xuống.
Có thể bạn quan tâm

Theo ông Nguyễn Xuân Trương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hiện nay phong trào chăn nuôi ở xã đang phát triển mạnh về số hộ lẫn đàn vật nuôi, ngoài nuôi heo, gà... thì mô hình chăn nuôi dê đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Giun (trùn) quế có chứa trên 8% axit, khi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi giúp vật nuôi ăn khỏe, chóng lớn, ít bệnh tật, cho thịt thơm ngon hơn hẳn so với vật nuôi thông thường. Ngày càng có nhiều hãng sản xuất thức ăn công nghiệp quan tâm đưa bột trùn trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo sự khác biệt so với thức ăn thông thường, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Tận dụng lợi thế của một địa phương miền núi, với nhiều diện tích vườn cây ăn quả, đồi rừng, người dân xã Thành Kim (Thạch Thành - Thanh Hóa) đã phát triển nghề nuôi ong mật. Từ những hộ nuôi ban đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên xã đã khuyến khích các hộ có điều kiện nhân rộng đàn ong.

Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, trong 6 tháng của năm 2015, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhập khẩu gần 1,1 triệu tấn bắp. Để nhập khẩu lượng bắp trên, các doanh nghiệp phải chi ra gần 259 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước thì bắp nhập khẩu tăng gần 60% về lượng và 75% về giá.

Hàng chục triệu hộ chăn nuôi sẽ sống ra sao khi mà chỉ cần 10 doanh nghiệp nhập khẩu bò là đủ đáp ứng nhu cầu của hơn 90 triệu dân?