Tôm, Cá Nuôi Thắng Lớn

Người nuôi tôm biển, cá lóc ở Trà Vinh đang thắng lớn, nhiều hộ dân thu lợi nhuận trên một tỷ đồng.
Tôm lãi 1 tỷ đồng/hộ
Ông Trần Hải Quân, người nuôi tôm thẻ chân trắng ấp 3, xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) nói: "Vụ nuôi tôm biển năm nay khá thuận lợi cả về thời tiết lẫn dịch bệnh, tuy có lúc gặp bất lợi về giá cả, nhưng nhìn chung là thắng lợi.
Sau gần 2 tháng giá con tôm thẻ chân trắng giảm xuống dưới giá thành sản xuất thì nay đã tăng trở lại, đang đứng ở mức 112.000 đ/kg (loại 100 con/kg). Tôm sú loại 40 con/kg cũng đang có giá trên 180.000 đ/kg. Với mức giá này hộ dân nào nuôi không bị dịch bệnh thì đúng là 1 vốn 1 lãi".
Đi vòng các xã ven biển của tỉnh Trà Vinh, ai cũng cảm nhận được không khí chiến thắng của một vụ tôm nuôi. Không khí rộn ràng, phấn khởi bao trùm khắp các vuông tôm.
Ông Nguyễn Hữu Lợi, kỹ sư thủy sản chia sẻ, vụ nuôi tôm biển năm nay ở Trà Vinh có nhiều người thắng lớn nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân tuân thủ các biện pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi. Đến thời điểm này đã có khá nhiều hộ nuôi tôm biển thu lợi từ 1 tỷ đồng trở lên.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh), toàn xã có 2 hộ thu lợi nhuận từ 1 - 3 tỷ đồng, 5 hộ từ 500 - 700 triệu đồng, 16 hộ từ 300 - 500 triệu đồng...
Theo đánh giá của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, đến nay toàn tỉnh đã có trên 18.034 lượt hộ thả nuôi tôm sú trên diện tích 19.285 ha, sản lượng thu hoạch được gần 11.547 tấn tôm sú. Còn tôm thẻ chân trắng đã có 9.837 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 5.113 ha, sản lượng thu hoạch trên 21.400 tấn, đạt 148,6% so với kế hoạch năm...
Còn ở xã Hiệp Thạnh (Duyên Hải, Trà Vinh) - ông Nguyễn Văn Kiên, chủ tịch UBND xã cũng cho biết, vụ tôm năm nay toàn xã có 215 hộ nuôi tôm sú và 288 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, tổng diện tích thả nuôi 260 ha mặt nước. Kết quả đến nay đã thu hoạch được 475 tấn tôm, đạt gần 100% diện tích thả nuôi.
Qua khảo sát của địa phương đã có trên 400 hộ nuôi có lãi, trong đó có 5 hộ lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Nuôi cá lóc lãi 1 tỷ đồng/ha
Ông Nguyễn Văn Thanh, người nuôi cá lóc ở ấp Chợ (thị trần Trà Cú, Trà Vinh) cho biết, hơn 1 tháng trở lại đây, giá cá lóc đã tăng trở lại, hiện đứng ở mức 42.000 - 45.000 đ/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi lãi khoảng 15.000 đ/kg trở lên. Bình quân 1.000 m2 nước sau 5 tháng thả nuôi cá lóc bà con thu lãi trên 1,5 tỷ đồng/vụ.
Ông Ngô Văn Nghiêm, ấp Vàm Bến Tranh, xã Định An (huyện Trà Cú) đã nhiều năm nuôi cá lóc cho rằng, ngay mùa nước nổi mà cá lóc vẫn tăng giá là ngoài dự đoán của người nuôi. Đây là điều bất ngờ, sản lượng cá thương phẩm đáp ứng không đủ nhu cầu nên các thương lái thu mua luôn cá chưa đến lứa.
Đối với những ao cá lóc đạt chuẩn 2 con/kg thì các thương lái thu mua với giá 46.000 đ/kg. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày ông Nghiêm biết nuôi cá lóc thương phẩm đến nay.
Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN - PTNT Trà Cú, Trà Vinh, đến thời điểm này toàn huyện đã có 1.120 hộ dân thả nuôi cá lóc trên diện tích khoảng 160 ha, sản lượng đã thu hoạch trên 20.000 tấn, đạt trên 100% kế hoạch năm. Hầu hết các hộ nuôi cá lóc thu hoạch vào thời điểm này đều thắng lớn, bình quân 1 ha bà con thu về 1 - 1,5 tỷ/ha.
Giá cá lóc nguyên liệu tăng mạnh địa phương rất mừng nhưng vẫn luôn khuyến cáo nông dân nên tuân thủ mật độ nuôi, lịch thời vụ, môi trường nước... Không vì giá cao mà phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Vụ mùa năm 2011-2012, ở Cà Mau, dịch bệnh tôm chết gây thiệt hại nặng nề cho nuôi tôm công nghiệp. Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác nguyên nhân tôm chết và cũng chưa có giải pháp khắc phục tôm chết hiệu quả.

Công ty WWF chi nhánh TP.Cần Thơ phối hợp với UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vừa tổ chức lớp tập huấn nuôi tôm theo hướng an toàn, bền vững cho hơn 60 nông dân của hợp tác xã Quyết Thắng, tổ hợp tác Thuận Thành và tổ hợp tác Phát Tài ở xã Ngọc Tố.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự mang lại sinh khí cho vùng nông thôn Cà Mau. Sau 2 năm triển khai, Cà Mau đã xuất hiện những địa phương dẫn đầu trong việc hoàn thành các tiêu chí (trong bộ 19 tiêu chí) xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Vĩnh Xương, Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu (An Giang) tổ chức hội thảo “Sử dụng thức ăn công nghiệp trong mô hình nuôi lươn thương phẩm”. Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu, quy trình nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn phần lớn sử dụng thức ăn tươi sống, như: Ốc, cua, cá...

Hiện có một nghịch lý đang diễn ra là trong khi giá các loại thực phẩm từ thịt lợn, gà, trứng… xuất chuồng đều giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao. Nguyên nhân là các loại thực phẩm đã qua rất nhiều khâu trung gian mới có mặt trên thị trường.