Tổ Nuôi Cá Nước Ngọt Lạc Địa Phát Huy Hiệu Quả

Tổ nuôi cá nước ngọt Lạc Địa (xã Phú Lễ - Ba Tri - Bến Tre) là 1 trong 53 mô hình về liên kết sản xuất hoạt động có hiệu quả của nông dân huyện Ba Tri. Sau 3 năm hoạt động, nhiều tổ viên đã có nguồn thu nhập khá hơn.
Anh Lê Văn Nết - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Trước đây, vùng đất Lạc Địa là khu căn cứ cách mạng của huyện, có diện tích 120ha, xung quanh trâm bầu vây kín. Đến năm 2007, sau khi cải tạo đất, xã đã chọn những hộ nghèo, hộ khó khăn chí thú làm ăn, nhà không có đất canh tác vào Lạc địa canh tác.
Ban đầu, xã thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản nhưng do còn mới, chưa có kinh nghiệm nên hợp tác xã tan rã. Tuy nhiên, còn một số hộ rất tâm huyết với việc nuôi trồng, UBND xã đã phối hợp với Hội Nông dân thành lập Tổ nuôi cá nước ngọt có 15 thành viên với 15ha (trong đó, đất mặt nước là 7,5ha và đất trên bờ là 7,5ha).
Anh Bùi Văn Sĩ - Tổ trưởng Tổ nuôi cá nước ngọt chia sẻ: Hoàn cảnh anh em trong tổ rất khó khăn nhưng nhờ được hỗ trợ vay vốn, các thành viên bắt đầu cải tạo ao nuôi, mua cá giống về nuôi; chủ yếu là cá lóc, cá rô, cá phi, cá sặc rằn, cá tra. Riêng cá sặc rằn được các thành viên nuôi nhiều vì giá thành cao, thị trường rất ưa chuộng.
Bên cạnh đó, các thành viên còn được tham gia các lớp tập huấn chọn giống cá, phòng ngừa bệnh cho cá để thả cá từng đợt cho phù hợp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ viên duy trì họp hàng tháng để chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Nhờ vậy, sản lượng cá năm trước đều tăng hơn năm sau. Sau khi thu hoạch trừ chi phí, mỗi thành viên còn lãi hơn 60 triệu đồng. Nhờ tăng thu nhập, số hội viên nông dân nghèo của xã và trong khu Lạc Địa chỉ còn 6 hộ nghèo, do làm ăn thất thoát thua lỗ.
Là thành viên đầu tiên vào khu Lạc Địa, chú Nguyễn Văn Lạc đang thu hoạch cá bán cho thương lái, vừa cầm con cá trên tay, vừa nói: Con cá sặc rằn này ăn rất ngon, giá cao hơn các loại khác. Xưa thì thua lỗ nhiều do chưa có kinh nghiệm, giờ thì đã được tập huấn, học hỏi kinh nghiệm nên sản lượng mỗi năm thu hoạch cũng tăng lên. Năm nay tôi thu trên 3 tấn cá sặc rằn với diện tích 4.000m2.
Ngoài ra, các thành viên còn tận dụng đất trống trên bờ để trồng cỏ, nuôi bò, tăng thêm thu nhập. Mọi người còn rất phấn khởi vì nơi đây có thể trồng dừa, xoài trái rất sai. Chú Sĩ giới thiệu với chúng tôi, những cây mít trồng ở khu đất Lạc Địa này thì ăn rất ngọt và màu rất đẹp.
Tuy nhiên, người dân Lạc Địa cũng còn gặp khó khăn, đường sá chưa hoàn thiện, chưa có điện để phục vụ cho việc nuôi trồng; còn một số hội viên cần hỗ trợ vốn.
Ông Võ Văn Tám - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Đến nay, Hội Nông dân huyện đã xây dựng được 53 tổ liên kết sản xuất, với 859 thành viên. Trong đó, có 12 tổ liên kết sản xuất theo Nghị định với 427 thành viên, nhưng chỉ có một vài tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, còn lại thì các hộ dân chưa thật sự gắn kết các hoạt động sản xuất, và đầu ra luôn bị động. Các tổ liên kết chỉ mới gắn kết được 3 nhà còn nhà doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm vẫn còn bỏ ngõ.
Có thể bạn quan tâm

Chết nhanh là bệnh hại phổ biến và nguy hiểm nhất trên cây hồ tiêu. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa.
Mô hình 3 giảm 3 tăng (3G3T) trong sản xuất lúa giúp nông dân từng bước tiếp cận với những phương thức, kỹ thuật canh tác lúa đem hiệu quả kinh tế cao, hiện mô hình này giúp nông dân ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp nâng cao thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích lúa, ngô, đậu tương ở tỉnh Hà Giang bị giảm năng suất hoặc mất trắng. Nặng nhất là ở hai huyện phía tây của tỉnh là Hoàng Su Phì và Xín Mần có hàng trăm ha ngô đến kỳ cho thu hoạch người dân mới phát hiện ra bắp ngô chỉ có nõn chứ không có hạt hoặc có cũng rất ít.
Liên tục các vụ sản xuất lúa gần đây, nông dân ở xã Long Khánh A và Long Khánh B (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) “đau đầu” khi xuống giống xong, lúa không đâm chồi, chết cây giai đoạn mạ hoặc một số diện tích khác khi trổ chín bị rụt bông, không thu hoạch được.
Với đặc tính hạt màu vàng cam, dạng nửa đá, múp đầu, sâu cay, hạt to nặng, SSC 2095 hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của nông dân.