Tổ nông dân nuôi bò ở Thống Hạ

Tổng số vốn Quỹ HTND nguồn T.Ư Hội NDVN giải ngân là 600 triệu đồng cho 12 hộ vay, mỗi hộ vay 50 triệu đồng, thời gian vay là 36 tháng, phí vay 0,7%/tháng.
Cùng liên kết nuôi bò
Ông Bùi Văn Tưởng – Phó Chủ tịch Hội ND xã Việt Thống cho biết: “Xã Việt Thống có 6,4km đê sông Cầu và nhiều bãi bồi ven sông nên rất thuận lợi cho chăn thả đại gia súc, đặc biệt là trâu bò.
Toàn xã có 1.480 hộ thì có tới hơn 500 hộ chăn nuôi bò sinh sản với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, nuôi tập trung đông nhất là ở thôn Thống Hạ.
Từ chăn nuôi bò, nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm”.
Hàng ngày các thành viên trong Tổ nông dân liên kết nuôi bò thôn Thống Hạ luân phiên nhau chăn bò cho cả tổ.
Cũng theo ông Tưởng, trước đây các hộ làm ăn nhỏ lẻ, tự phát ít khi tham khảo hay trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Với việc cho vay vốn Quỹ HTND thông qua dự án chăn nuôi bò sinh sản, các hộ vay vốn đã tập hợp nhau lại thành Tổ ND liên kết nuôi bò thôn Thống Hạ.
Ngoài trao đổi thông tin về giá cả, phòng dịch bệnh, hỗ trợ nhau nguyên liệu “đầu vào, đầu ra” các thành viên trong tổ còn luân phiên nhau chăn thả bò cho cả tổ.
“Thay vì hàng ngày mỗi hộ phải mất ít nhất 1 người đi chăn bò thì qua tổ liên kết, họ cử 2 thành viên trong tổ có trách nhiệm chăn đàn bò cho cả tổ, đỡ hẳn công chăn dắt. Ngoài ra, thành viên trong tổ còn tham gia gây quỹ để tương trợ lẫn nhau.
Thấy vào tổ liên kết có lợi ích thiết thực, ND tham gia ngày càng đông. Sau 1 năm thành lập, số lượng thành viên trong Tổ ND liên kết nuôi bò thôn Thống Hạ tăng lên tới 40 hộ” - ông Tưởng cho hay.
Của để dành
"Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp thuộc Hội ND tỉnh Bắc Ninh đạt hơn 24,2 tỷ đồng. Từ khi bắt đầu có Quỹ HTND (năm 1996) đến nay, Hội ND tỉnh Bắc Ninh chưa để xảy ra trường hợp nào gây xâm tiêu nguồn vốn”.
Ông Nguyễn Công Thao - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh
Là 1 trong 12 hộ dân thôn Thống Hạ vay vốn Quỹ HTND, ông Nguyễn Văn Bệ bộc bạch: “Thấy các hộ trong thôn nuôi bò cho thu nhập cao tôi cũng muốn nuôi theo nhưng lại không có nhiều vốn”.
May mắn, tháng 8.2014, ông Bệ được Quỹ HTND giải ngân cho vay 50 triệu đồng, phụ thêm 100 triệu đồng (vốn của nhà và vay mượn anh em), ông Bệ mua 3 cặp bò mẹ con về nuôi.
Ông Bệ rất tự tin vì trước đó ông đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thú y do Hội ND xã tổ chức.
Ngoài ra, tham gia tổ liên kết ông Bệ còn được các thành viên trong tổ truyền đạt cho nhiều kinh nghiệm hay. Sau hơn 1 năm, đến nay đàn bò của gia đình ông Bệ đã lên đến 10 con, trị giá khoảng gần 300 triệu đồng.
“Có nhiều thương lái đến hỏi mua bò, nhưng tôi chưa bán vì còn để nhân đàn. Coi như là của để dành…”.
Cùng thôn và cùng được Quỹ HTND cho vay 50 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hiển cho hay: “Được vay vốn, gia đình tôi đã mua thêm đôi bò cái về nuôi, nâng tổng số đàn bò lên 7 con và sửa sang lại chuồng trại…”.
Là người chăn nuôi bò đã nhiều năm, bà Hiển chia sẻ, khi mua bò nên chọn những con khung to, mồm rộng, lông mượt, sườn dạ kín thì sẽ dễ chăm và nuôi nhanh lớn.
Đồng thời, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, tiêm phòng đầy đủ...
Có thể bạn quan tâm

Giai đoạn 2012 - 2014, cùng với sự tự vươn lên của hội viên, Hội Nông dân huyện Quế Sơn đã phối hợp tổ chức 172 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 15.280 lượt hội viên; phối hợp mở 24 lớp dạy nghề nông nghiệp, thú y, sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

Các thương lái đến tận các làng cá thuộc phường Tân Mai, Tam Hiệp, Thống Nhất… để thu mua với giá 70.000-120.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng so với năm ngoái. Nhìn chung, đợt cá lăng lần này phát triển tốt và đạt năng suất cao, bình quân mỗi bè lãi từ 500 triệu đến vài tỉ đồng.

Vài năm trở lại đây nhiều hộ dân trên địa bàn TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã tranh thủ tận dụng diện tích mặt nước trên hồ thủy điện Đăk R’Tích để phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện giá cá diêu hồng và cá lăng nuôi chủ lực tại đây đang ở mức cao…

Với ưu điểm tốn ít vốn, khả năng thích nghi tốt, ít bệnh tật, ít tốn công chăm sóc và dễ mua, dễ bán, mô hình nuôi dê nhốt chuồng đang dần trở thành cứu cánh của những hộ nghèo không có đất hoặc ít đất sản xuất nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân vùng ven biển ổn định cuộc sống.

Tính đến trung tuần tháng 8-2014, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có bảy doanh nghiệp đầu tư kho thu mua và tạm trữ lúa, gạo với tổng công suất chứa 240.000 tấn kho. Song tiến độ triển khai thực hiện còn khá chậm.