Tổ Hợp Tác Trồng Rau An Toàn Ở Nam Đà

Được thành lập từ năm 2012, đến nay, Tổ hợp tác trồng rau an toàn ở xã Nam Đà (Krông Nô) đã tập hợp được 10 thành viên tham gia, cùng nhau sản xuất, với diện tích tổng cộng 1 ha.
Theo đó, hàng tháng, tổ thường nhóm họp để thông báo tình hình sản xuất rau trong thời gian qua, hướng trồng rau trong thời gian tới, rồi cùng bàn bạc, thảo luận tìm các loại giống rau thích hợp với thời tiết, mùa vụ.
Cùng với đó, tổ trưởng cũng lồng ghép giới thiệu cho các thành viên về những kiến thức khoa học kỹ thuật hay mô hình trồng rau mới để học tập.
Theo ông Đinh Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Đà thì Tổ hợp tác trồng rau an toàn là nơi để các hộ chuyên trồng rau ở địa bàn xã có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau.
Nếu như trước đây, việc trồng rau chỉ mang tính chất hộ gia đình, đơn lẻ, theo kiểu thích rau gì trồng rau nấy thì từ khi có tổ hợp tác lại khác. Mỗi dịp họp, các thành viên lại định hướng cho nhau hộ nào trồng rau gì để tránh trồng ồ ạt và khó tiêu thụ. Hơn nữa, vào tập thể thì khi có khó khăn nào đó, các hộ lại cùng nhau tháo gỡ.
Đơn cử như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Chung ở thôn Nam Sơn, năm 2010, đã bắt đầu nghề trồng rau với các loại như xà lách, rau thơm, cải… với diện tích 600m2.
Thế rồi, thông qua việc sinh hoạt trong tổ cũng như các đợt tập huấn khoa học kỹ thuật, đầu năm 2014, gia đình ông đã chủ động chuyển sang trồng rau trong nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho vườn rau. Với việc sử dụng nhà lưới này, vườn rau có thể hạn chế được côn trùng phá hoại và trồng được những loại rau trái vụ để nâng cao thu nhập.
Ông Chung cho biết: “Tham gia sinh hoạt trong tổ, chúng tôi luôn được chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để việc sản xuất rau luôn được suôn sẻ. Hơn nữa, chúng tôi còn có thể cùng nhau luân phiên thay đổi giống theo từng gia đình, từng mùa vụ để tránh tình trạng cùng trồng một loại rau dẫn đến khó tiêu thụ và tạo sự đa dạng trong sản xuất rau, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Tương tự, gia đình ông Lại Quốc Hoàng ở thôn Nam Thuận, qua sinh hoạt tổ, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 350m2 nhà lưới để trồng rau theo hướng an toàn, tăng hiệu quả. Ngoài ra, ông còn trồng thêm các loại hoa như ly, cát tường, cúc, đồng tiền…để bán vào các dịp lễ, tết.
Ông Hoàng cho biết: “Vào tổ hợp tác, chúng tôi có dịp cùng nhau giải đáp những thắc mắc liên quan đến trồng rau, nhất là chia sẻ kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh, hạn chế thấp nhất việc sử dụng hóa chất trong chăm sóc để không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người tiêu dùng”.
Điều đáng mừng, ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, các thành viên trong tổ còn đóng góp tiền để giúp đỡ những hộ khó khăn vay, đến nay, số vốn của tổ đã lên đến 20 triệu đồng. Đặc biệt, hiện nay, với sức tiêu thụ rau trên thị trường, tổ hợp tác không lo về “đầu ra” của sản phẩm, hễ hộ nào có rau đều có thương lái đến mua tận vườn để đưa đi tiêu thụ khắp nơi.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng như một số địa phương khác sản xuất rau ồ ạt, không có thị trường tiêu thụ, tổ hợp tác luôn khuyến cáo các thành viên không mở rộng diện tích mà chú trọng vào việc chăm sóc, quay vòng mùa nào thức ấy để luôn có thu nhập cao, sống được với nghề trồng rau.
Có thể bạn quan tâm

Đó là ông Trần Văn Tường (60 tuổi, ở thôn Vĩnh Thuận, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Sau hơn 2 năm “dám nghĩ dám làm”, mạnh dạn đưa con vịt trời từ đất Bắc về nuôi thử nghiệm đã thành công, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Với hàng chục nghìn ha rừng và vườn cây ăn quả, là lợi thế rất lớn để nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) phát triển. Hiện sản phẩm mật ong Tiên Yên cũng như các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như: Bánh gật gù, khau nhục, bánh chả… được nhiều người tiêu dùng biết đến, là cơ sở để triển khai có kết quả chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.

Những năm gần đây, mô hình nuôi gà thả vườn đã đem lại nguồn thu cho nhiều hộ chăn nuôi; Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao, việc chọn con giống tốt và cải tiến phương pháp chăn nuôi là rất quan trọng.

Đầu tư xây dựng 5 năm với tổng diện tích 99 ha, tuy chưa hoàn thiện nhưng trại chăn nuôi heo giống cấp 1 của Công ty TNHH chăn nuôi Lộc Phát 2 liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam ở ấp 7, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh - Bình Phước) xứng danh trại heo giống hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á hiện nay…

Chót cùng mảnh đất cực Nam Tổ quốc có bãi cát ven biển (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), trải dài từ ấp Khai Long qua Rạch Thọ, Rạch Tàu Đông đến Kinh Đào Tây. Nơi đây xuất hiện nguồn nghêu giống tự nhiên gần chục năm qua, giúp người nghèo địa phương có thêm sinh kế và thu nhập nhờ nghề cào nghêu bán giống.