Tình Trạng Sùng Đất Hại Cây Trồng Lan Rộng

Ghi nhận tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho thấy đã xuất hiện một loại sâu hại cây trồng, theo người dân địa phương gọi là sùng đất. Sùng đất ăn rễ và củ của hầu hết các loại cây trồng, gây thiệt hại lớn cho bà con trong khi người nông dân chưa có biện pháp khắc phục.
Gia đình ông Nguyễn Đình Tặng (thôn Liên Hòa) có khoảng 1 ha đất ven sông Tô Hạp. Năm 2011, ông đầu tư trồng mía tím. Sau khi xuống giống khoảng 2 tháng, cây mía lên xanh tốt thì bắt đầu xuất hiện những cây bị héo úa rồi chết khô vì bị sùng đất ăn hết rễ. Năm 2012, ông Tặng chuyển sang trồng bắp, đến khi bắp lên xanh tốt, trổ cờ, thì cũng bị sùng đất gây hại. Năm 2013 ông trồng khoai lang, bí đỏ nhưng cũng không được thu vì bị sùng đất ăn củ và trái.
Ông Nguyễn Đình Tặng cho hay: “Như đất của tôi cách đây 2 năm trồng mía tím thì cũng đầu tư vô khoảng trên chục triệu, cuối cùng thu chưa được ¼, chỉ được gần 2,5 triệu thôi. Sau khi trồng mía tím con sùng đất ăn thì tôi đã chuyển sang trồng bắp bỏ ra 7,5 triệu cuối cùng thu chưa được 3 triệu, rồi giờ chuyển sang trồng cây bí, khoai lang nó cũng ăn. Nhờ các nhà khoa học nghiên cứu con sùng đất này làm thế nào để cho nông dân không phải bỏ hoang đất”.
Hiện tượng sùng đất hại cây trồng đã xuất hiện rải rác ở một số khu vực tại Khánh Sơn từ nhiều năm trước, nhưng bắt đầu lây lan ra diện rộng trên địa bàn xã Sơn Bình khoảng hơn 2 năm trở lại đây, với mật độ khoảng hơn 100 con/m2 và thường sinh trưởng nhanh vào mùa khô.
Theo cơ quan chuyên môn, sùng đất là ấu trùng của bọ cánh cứng đẻ trứng dưới mặt đất tạo thành. Chúng thường ở những khu vực đất tơi xốp và ăn rễ non và củ của hầu hết loại cây trồng như mía, bắp, khoai, keo, chuối, kể cả những loại cây trồng có rễ cứng như tre hoặc xả…
Hiện nay, diện tích đất bị nhiễm sùng tại Sơn Bình đã lên đến gần 30 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Liên Hòa, Liên Bình, Cô Lắc, trong đó có hàng chục ha người dân phải bỏ hoang vì trồng cây gì cũng bị sâu hại, khiến không ít hộ lâm vào cảnh khó khăn.
Theo kinh nghiệm, một số bà con đã dùng hóa chất Pasudin hoặc viên long não để diệt, xua đuổi sùng đất nhưng không hiệu quả. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, để hạn chế tình trạng sùng đất phá hại cây trồng, người nông dân cần vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống.
Đối với những diện tích đã có cây trồng thì có thể đưa nước vào để giữ ẩm chân ruộng vì sùng đất không ưa môi trường nước. Bà con không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì sẽ không đạt hiệu quả cao và lâu dài.
Về các biện pháp diệt trừ sùng đất hiệu quả, ông Tô Thái Nê, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn cho biết: “Thứ nhất là biện pháp hóa học, có thể sử dụng các loại thuốc hóa học để rải hoặc phun để diệt trực tiếp con sùng đất.
Thứ hai là biện pháp thủ công truyền thống đơn giản là thu gom sâu non thông qua những lần cày bừa thì nó sẽ giảm mật độ đi. Một biện pháp nữa hiện nay người ta đang áp dụng ở một số nơi là dùng thuốc vi sinh Biophun để xử lý trước khi xuống giống. Ngoài ra thì chúng tôi cũng khuyến cáo thêm một biện pháp nữa là nông dân dùng bẫy và bả chua ngọt thu gom con trưởng thành thì rất hiệu quả”.
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn, hiện nay, hiện tượng sùng đất hại cây trồng cũng đã xuất hiện ở những diện tích dọc bờ sông Tô Hạp, thuộc địa phận các xã Sơn Hiệp, Sơn Lâm, Thành Sơn. Nhưng đến nay, các xã này chưa có số liệu thống kê cụ thể. Để hạn chế sự lây lan của sùng đất, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần sớm vào cuộc nghiên cứu và tìm ra biện pháp đặc trị, tránh thiệt hại về kinh tế cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Cá nác hoa là loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Cá nác hoa trước đây phân bố tự nhiên rất nhiều ở vùng bãi triều ven biển và vùng cửa sông, cửa lạch các tỉnh ven biển miền Bắc. Tuy nhiên hiện nay, do việc quây đầm, nuôi ngao, sử dụng thuốc diệt tạp bừa bãi nên loài hải sản này phân bố tự nhiên không còn đáng kể và có nguy cơ cạn kiệt.

Để kịp thời tái tạo và bổ sung nguồn lợi này, Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thuỷ sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau” đã được thực hiện gần 2 năm qua, nhưng để được kết quả như mục tiêu đề ra còn rất nhiều việc phải làm.

Trái với mong đợi của nhà nông, sau khi xịt thuốc dưỡng lúa hiệu “9 trong 1” do Công ty Hóa nông lúa vàng sản xuất, nhiều đồng lúa ở ấp Đòn Dong (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nguy cơ thất thu nặng… Chuyện xảy ra khoảng hơn nửa tháng nay.

Sau 10 năm vất vả làm ăn, trồng đủ loại cây mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Anh khăn gói vào Nam làm ăn và tìm hiểu những kinh nghiệm trồng cây TLRĐ ở tỉnh Tiền Giang. Năm 2009, anh trở về và đầu tư gần 150 triệu đồng làm đường, đưa các cột bê tông lên khu vườn, kéo điện, đường nước bắt đầu trồng thử nghiệm cây TLRĐ.

Có thể kể thêm câu chuyện tương tự với thịt gà nhập khẩu, cho dù sản phẩm gia cầm nhập khẩu ít được bàn tán hơn. Và vế còn lại là câu chuyện thịt heo, được dự báo sẽ diễn ra tương tự với thịt bò và thịt gà, khi mà châu Âu đang có những bước chuẩn bị tích cực để thâm nhập thị trường Việt Nam.