Tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định

Theo đánh giá tại cuộc họp, tình hình KT-XH từ đầu năm đến nay chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… tăng trưởng khá.
Hoạt động sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng trưởng khá.
Chế biến đá xuất khẩu tại một DN ở khu công nghiệp Phú Tài.
GRDP tăng 9,51% so với cùng kỳ
Báo cáo của Sở KH&ĐT cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển KT-XH của tỉnh đều có sự chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) đạt trên 10.478 tỉ đồng, tăng 9,51% so với cùng kỳ.
Trong đó, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản đạt 3.039 tỉ đồng, tăng 4,1% (riêng nông nghiệp tăng 1,7%); công nghiệp và xây dựng đạt 3.286,4 tỉ đồng, tăng 11% (riêng công nghiệp tăng 10,9%); dịch vụ đạt 4.153 tỉ đồng, tăng 12,5%.
Tỉ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 30,9%, công nghiệp - xây dựng gần 28,8%, dịch vụ trên 40,3% trong cơ cấu kinh tế. Các hoạt động văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Đáng ghi nhận là, tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2015 từng bước phục hồi và tăng trưởng khá. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ, riêng tháng 9 tăng 11,06% so với cùng kỳ và tăng 3,11% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng 8,6%.
Sản lượng một số sản phẩm tăng cao: Thức ăn chăn nuôi tăng 65,9%; quần áo, comple tăng 22,6%; dăm gỗ tăng 13,8%; gạch ốp lát tăng 16,6%; đá ốp lát tăng 58,3%; đá lát, đá khối tăng 105%; cấu kiện thép tăng 373%; tấm lợp bằng kim loại tăng 8,2%; đồ gỗ nội thất tăng 15,6%...
Theo ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, có được kết quả khả quan nói trên là nhờ phần lớn các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất và tích cực tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Nhiều DN chủ động thay đổi công nghệ, đẩy mạnh sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Hoạt động xuất khẩu sang các thị trường như: Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… ổn định. Công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, nhiều DN đã nhận được các đơn đặt hàng mới để sản xuất.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng của hạn hán xảy ra cục bộ tại một số địa phương trong tỉnh, nhưng nhờ xây dựng lịch thời vụ hợp lý, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng..., sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Vụ Đông Xuân 2014-2015 tỉnh ta tiếp tục được mùa lớn, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 68,6 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với cùng vụ năm trước.
Năng suất lúa bình quân vụ Hè Thu đạt 61,4 tạ/ha, tăng 2,3 tạ/ha. Hiện nay, toàn tỉnh đã gieo sạ được trên 15.566 ha lúa vụ Mùa, gần 3.000 ha bắp lai, gần 6.500 ha rau đậu các loại… Các loại cây trồng trong vụ Mùa đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Dồn sức cho 3 tháng cuối năm
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành chức năng đã tập trung phân tích những tồn tại, khó khăn cần khắc phục và đề ra các biện pháp phát triển KT-XH trong 3 tháng cuối năm. Theo đánh giá, GRDP của tỉnh trong 9 tháng đầu năm tuy tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỉ trọng ngành nông, lâm, thủy sản còn chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp tăng trưởng chưa thật bền vững, chất lượng nhiều sản phẩm hàng hóa chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp.
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng nhiệm vụ còn lại của 3 tháng cuối năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2015 và góp phần thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố dốc sức triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án phát triển KT-XH đã được tỉnh phê duyệt theo kế hoạch.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cần tập trung rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất của các DN để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ sản xuất. Tập trung theo dõi một số sản phẩm chủ yếu như: thủy sản, may mặc, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, dăm gỗ…
Tiếp tục đôn đốc và tạo điều kiện cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam sớm hoàn thành việc chọn địa điểm để lập dự án đầu tư nhà máy dệt nhuộm tại tỉnh. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tập trung huy động mọi nguồn vốn để đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh; hoàn thiện hạ tầng các khu cụm, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch lúa vụ Mùa và các loại cây trồng cạn trước khi mùa mưa lũ đến. Chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016, nhất là đủ giống có năng suất cao, chất lượng tốt. Triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nhằm tăng giá trị sản xuất.
Tiếp tục đôn đốc, giám sát tiến độ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo đến cuối năm toàn tỉnh có 28 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Các ngành, các cấp chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão khi mùa mưa lũ sắp đến…
Có thể bạn quan tâm

Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cho lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nhà nông ngày càng được các địa phương, trong đó có Hậu Giang quan tâm xúc tiến thực hiện mạnh mẽ hơn.

Mùa hè năm nay, nắng nóng liên tục trên diện rộng, nhiệt độ trung bình từ 37-40 độ C khiến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng 5-7% so với năm trước. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, các Cty, đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh đã chủ động duy trì việc cấp nước ổn định, đủ lượng nước và bảo đảm chất lượng nước theo quy định; dự phòng giải pháp ứng phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch cho khách hàng sử dụng nước.

Xác định rõ dự trữ hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu của nhân dân trên địa bàn trong mùa mưa bão năm 2015, Sở Công thương đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện phương án chuẩn bị hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường trong mùa mưa bão đến các đơn vị trực thuộc, UBND các huyện, thành phố và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Sau khi Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện đề án, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh ta đã bắt tay ngay vào chuẩn bị các bước xây dựng kế hoạch, đến nay sau hơn 1 năm triển khai thực hiện tuy còn nhiều khó khăn song cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

UBND huyện Yên Lập phối hợp với Công ty TNHH Cường Tân tổ chức tổng kết mô hình trình diễn sản xuất giống lúa lai CT 16 và TH 3-3 do Việt Nam sản xuất, áp dụng theo quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI).