Tín hiệu vui đầu vụ

Trúng mùa, được giá
Gặp chúng tôi khi đang xem máy cắt thu hoạch gần 3ha lúa của gia đình, ông Lê Văn Cận, nông dân ở ấp 13 có ruộng ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tươi cười cho biết: “Vụ này được lắm! Mỗi công cũng được gần 50 giạ lúa (mỗi giạ 20kg). Tính ra mỗi héc-ta được gần 10 tấn lúa, cao hơn vụ Hè thu năm rồi khoảng 200kg”. Bà Ba Nhỏ đang thu gom lúa ở mảnh ruộng bên cạnh, góp chuyện: “Do bà con khu vực này tranh thủ sạ sớm nên gặp thời tiết tốt, lại ít sâu bệnh, nhờ vậy mà nông dân ở đây phần nhiều trúng mùa, nhà nào cũng thu trên 45 giạ lúa/công”.
Song song với niềm vui trúng mùa, những hộ có lúa Hè thu cắt sớm còn cảm thấy phấn khởi khi bán lúa được giá, thu về nguồn lợi nhuận tương đối. Hiện thương lái mua lúa tươi (giống IR 50404) cắt máy tại ruộng có giá từ 4.100 - 4.200 đồng/kg, lúa hạt dài OM 5451 có giá từ 4.800 - 5.000 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với cùng kỳ. Với mức giá trên, sau khi trừ chi phí thì người nông dân có được nguồn lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/ha. Ông Lê Văn Cận, ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết thêm: “Vụ Hè thu năm nay, đa phần bà con nặng tiền mua xăng, dầu bơm nước cho lúa. Bởi, thời tiết nắng nóng và kéo dài hơn mọi năm nên khó giữ nước trong ruộng được lâu, phải thường xuyên bơm nước vào ruộng; riêng các chi phí về phân, thuốc bảo vệ thực vật thì nhẹ hơn mọi năm, từ đó bình quân chi phí vụ này từ 1,8 - 2 triệu đồng/công”.
Qua thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh, dự kiến trong tháng 5 này, toàn tỉnh có trên 10.000ha lúa Hè thu cho thu hoạch. Đây là diện tích hàng năm được nông dân tranh thủ gieo sạ sớm, nhằm đón đầu bán được giá cao đầu vụ.
Nhiều diện tích được thương lái đặt tiền cọc
Mặc dù còn khoảng nửa tháng nữa bà con ở các địa phương như: huyện Châu Thành A, Vị Thủy, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh mới bước vào thu hoạch rộ lúa Hè thu sớm, nhưng cách nay khoảng 10 ngày, nhiều thương lái đã tìm đến tận ruộng đặt cọc mua hết sản lượng lúa thu hoạch sớm đầu vụ này. Theo nhiều nông dân tại huyện Vị Thủy, toàn bộ diện tích lúa Hè thu thu hoạch trong tháng 5 này đã được thương lái đặt cọc với giá 4.100 - 4.200 đồng/kg đối với giống lúa IR 50404; riêng diện tích thu hoạch muộn hơn, qua tháng 6 thì thương lái mua giá 4.000 - 4.050 đồng/kg đối với giống IR 50404, lúa hạt dài như OM 2418, OM 5451… giá 4.800 - 5.000 đồng/kg. Nhưng nhiều nông dân hiện vẫn chưa chịu nhận tiền cọc, bà con hy vọng đến ngày thu hoạch giá sẽ cao hơn.
Ông Dương Văn Bé Tư, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thông tin: “Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 1ha lúa (giống IR 50404) và bán cho thương lái với giá 4.100 đồng/kg. Còn hơn 1ha còn lại (giống OM 54501), tuy lúa chỉ mới trổ đều nhưng thương lái đã đặt cọc trước với giá 5.000 đồng/kg (mỗi công đặt cọc 300.000 đồng). Thấy đây là giá có lợi nhuận nên gia đình đã nhận lời thương lái”.
Dù lúa Hè thu chỉ mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng với những tín hiệu lạc quan trên, hy vọng rằng bà con nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh sẽ hưởng được niềm vui trọn vẹn trong vụ này. Bởi, chỉ có số ít diện tích lúa Hè thu gieo sạ sớm “thoát” được áp lực khô hạn, sâu bệnh, mặn xâm nhập, lúa phát triển tốt và đạt năng suất cao; nhiều diện tích sạ muộn phải đối mặt với những rủi ro khi dịch hại đang tấn công khá nhiều nên phải tốn không ít chi phí đầu tư. Chính vì vậy, nếu giá lúa ổn định trên 4.000 đồng/kg thì người nông dân mới trút được nhiều gánh nặng…
Có thể bạn quan tâm

Đây là những quả trứng của những gà mái được nuôi chăn thả tự do trên đồng cỏ, ăn thức ăn hạt sản xuất tại địa phương và sử dụng năng lượng của mặt trời và gió thay cho năng lượng hoá thạch trong toàn bộ hoạt động sản xuất và kinh doanh của trại nuôi gà.

Trước bối cảnh cả 3 dịch bệnh nguy hiểm: LMLM, cúm gia cầm và tai xanh đồng loạt xuất hiện, việc TP HCM xây dựng thành công nhiều vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm làm “bức tường lửa” đang trở thành mô hình điểm cho các địa phương khác học làm theo.

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, gần 50 trại sản xuất tôm giống ở Cà Mau đã ngừng hoạt động, hàng trăm trại khác hoạt động cầm chừng, nhiều trại bị thua lỗ nặng.

Mô hình trồng dứa phủ nilon của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang dần mang lại hiệu quả và mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn đối với người trồng dứa nơi đây.

Những năm gần đây, chăn nuôi theo hình thức trang trại đã hình thành và phát triển mạnh. Toàn tỉnh Lào Cai, hiện có 167 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại, trong đó 81 trang trại nuôi lợn, 86 trang trại nuôi gia cầm. Các mô hình trang trại chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây cũng là hướng phát triển được chú trọng trong thời gian tới.