Tín Hiệu Lạc Quan Từ Chủ Trương Tạm Trữ Lúa Gạo

Ngày 1-3, ngày đầu tiên quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Thủ tướng Chính phủ trong vụ đông xuân 2014 - 2015 có hiệu lực. Cùng ngày tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã triển khai, phân bổ các chi tiêu mua lúa, gạo tạm trữ vụ đông xuân 2014 - 2015 cho các doanh nghiệp. Ngoài điều chỉnh “kỹ thuật” tăng giảm khoảng 25.000 tấn gạo cho một số doanh nghiệp, hầu hết các ý kiến đều phấn khởi ghi nhận, thời điểm triển khai thu mua tạm trữ năm nay là kịp thời. Song, việc tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL vẫn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro cho nông dân.
Chưa có lần nào triển khai “vui như lần này”!
Thực tế, từ trước Tết Nguyên đán, giá lúa đông xuân ở ĐBSCL có xu hướng giảm. Sau đó, đã tăng nhẹ ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn. Trong những ngày qua, hệ thống thương lái đã triển khai mua lúa hàng hóa của nông dân khá đông ở các địa phương, như: Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Theo đó, giá lúa được thương lái mua tại ruộng dao động từ mức 4.200 - 4.600 đồng/kg (tùy theo loại), tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán.
Hiện nay khu vực thu hoạch và thương lái mua lúa đông xuân nhộn nhịp nhất là dọc theo tuyến đường nối Cần Thơ - Vị Thanh (Hậu Giang) dài trên 40km. Có gần 100 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động liên tục. “Trước tết thương lái chỉ đặt cọc giá khoảng 4.000 đồng/kg, nhưng hiện nay thương lái tới mua lúa tươi loại thường tại ruộng giá khoảng 4.250 đồng/kg. Đây là giá lúa mà nông dân chấp nhận được”, lão nông Ngô Văn Khá, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, Hậu Giang cho biết.
Theo đó, thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014 - 2015. Thời hạn tạm trữ từ ngày 1-3 đến hết 15-4-2015, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo, thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ. Lãnh đạo các địa phương như: Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Long An, Cần Thơ… đánh giá cao khi năm nay việc triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo kịp thời - ngay thời điểm nông dân bước vào thu hoạch rộ.
Tại hội nghị triển khai, đại diện VFA đã phân bổ chỉ tiêu giao cho các doanh nghiệp mua tạm trữ ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Theo đó, cao nhất là An Giang với hơn 250.000 tấn, Cần Thơ hơn 175.000 tấn; thấp nhất là Cà Mau (2.400 tấn), Bạc Liêu (8.000 tấn)… Chỉ có một số địa phương như Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang xin điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu thu mua tạm trữ. Gần như các ý kiến xin tăng thêm này được ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch VFA điều chỉnh đáp ứng một phần tại hội nghị.
Đây là năm thứ 6, VFA triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo đông xuân tại ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhận định “ví von”: “Chưa lần nào việc triển khai thu mua tạm trữ vui như đợt này”! Quả thực đây là điều hiếm thấy tại một hội nghị triển khai thu mua tạm trữ mà các lãnh đạo địa phương ít “đỏ mặt” khi phát biểu. Đây cũng là lần đầu tiên mà một vị phó chủ tịch VFA đại diện cho ngành này tham gia triển khai phân bổ chỉ tiêu (vì hiện nay chưa có ai đảm nhận chức chủ tịch VFA)!?
Tạm trữ tốt phải sớm tìm thị trường xuất khẩu!
Có thể nói, việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ năm nay diễn ra khá “yên ắng”. Kết quả này, có phần nỗ lực bước đầu khá quy chuẩn của VFA. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch VFA, đã có công văn đề nghị thương nhân đăng ký số lượng mua tạm trữ gửi về cho VFA ngày 24-2.
VFA cũng đưa ra và thống nhất 4 tiêu chí để chọn thương nhân mua tạm trữ: có đăng ký, có thành tích mua vụ đông xuân trước, có năng lực xuất khẩu và tạm trữ, có tham gia vào cánh đồng lớn. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình cao khi VFA giao các chỉ tiêu khá “mát tay” cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất cánh đồng lớn. Vì đây là chuỗi liên kết khá hiệu quả và được nông dân nhiệt tình tham gia.
“Thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp can thiệp thị trường, ngăn ngừa giá lương thực giảm khi vào thu hoạch rộ, đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Vũ Văn Tám nhấn mạnh. Có lẽ đây là đầu tiên, khái niệm “giải pháp can thiệp thị trường” được đưa ra cho chủ trương mua tạm trữ lúa gạo. Vì trước đây, rất nhiều người xem đây là giải pháp tình thế, hay xem như “gói hỗ trợ cho nông dân hoặc doanh nghiệp”!? Hiện tại, sau khi ký được hợp đồng xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang Philippines, cùng với việc triển khai sớm thu mua tạm trữ, thị trường lúa gạo đã có chiều hướng tốt lên.
Nhưng theo ông Huỳnh Thế Năng, việc này không thể kèo dài. Vì cân đối nguồn gạo tồn và nguồn lúa, gạo mới từ vụ đông xuân khả năng đến hết quý 2-2015 khó giải quyết xong 5 triệu tấn gạo. Đây cũng là điều mà nhiều lãnh đạo địa phương vùng ĐBSCL lo lắng. Theo đó, việc thu mua tạm trữ lúa gạo phải thực hiện đồng bộ với tìm thị trường xuất khẩu gạo mới mang lại hiệu quả thiết thực, giảm áp lực lúa vụ trước đè lên vụ sau, gây ra ùn ứ cục bộ...
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, đến nay, diện tích nuôi tôm chân trắng đã vượt gần 2.780ha, chiếm hơn 60% cơ cấu nuôi trồng thủy sản.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt quy hoạch ngắn hạn vùng nuôi tôm chân trắng lót bạt ven biển tại 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành giai đoạn 2014-2018.

Từ đầu vụ đến nay, tỉnh Phú Yên khai thác trên 1.900 tấn cá ngừ đại dương, gần bằng 42% sản lượng của cả năm 2013. Đặc biệt, trong hai tuần qua, ngư dân Phú Yên trúng lớn cá ngừ đại dương với khoảng 70% tàu cá có lãi. Mỗi chuyến biển dài ngày, một tàu cá đánh bắt được bình quân từ 1,5 đến ba tấn cá ngừ, sau khi trừ chi phí, mỗi tàu thu lãi từ 100 đến 170 triệu đồng. Nhờ vậy mà mỗi thuyền viên đi biển trong khoảng thời gian một tháng cũng có thu nhập từ năm đến sáu triệu đồng.

Ngày 4/4, tại Vĩnh Long, hội thảo về “Ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long” được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long phối hợp với các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và các chuyên gia ở Malaysia tổ chức.

Anh Sơn là huyện có diện tích ngô lớn nhất tỉnh, với 3.200 ha được sản xuất 2 vụ chính trong năm và khoảng 1.000 ha ngô vụ 3, tổng sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 30.500 tấn ngô hạt. Với tiềm năng này, ngô Anh Sơn không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho địa bàn nội huyện mà còn xuất bán ra các địa phương khác, đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.