Tín Hiệu Khả Quan Từ Dự Án Nuôi Bò Úc

Tuyến đường 534 chạy qua địa phận Nghi Lộc (Nghệ An) trở nên tấp nập hơn từ ngày trại nuôi bò Úc ở cụm công nghiệp Đô Lăng thuộc xã Nghi Lâm đi vào hoạt động. Đây là trại nuôi bò thịt, nhập ngoại đầu tiên của khu vực phía Bắc, và là trại nuôi bò thứ 7 của công ty Kết Phát Thịnh có trụ sở ở tỉnh Long An (6 trại khác ở Long An và TP. Hồ Chí Minh)...
Qua nhiều “mai mối”, ông Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Nghi Lâm (xã Nghi Lâm - huyện Nghi Lộc) mới đồng ý dẫn chúng tôi vào thăm trại. Từ cổng trại vào nhà máy, từng dãy xe ô tô đang chờ nhận hàng.
Để vào khu vực chăn nuôi, chúng tôi phải qua khu cách ly sát trùng, mặc quần áo bảo hộ, đi ủng được sát trùng của trại. 3 khu trại chật kín bò, các máng thức ăn chế biến sẵn rải từng dãy đầy thức ăn.
Một nguyên tắc của công nhân làm việc ở đây là không bao giờ được để máng hết thức ăn, bò ăn được càng nhiều thì sản lượng thịt tạo ra càng lớn. Bò ở đây được ví như những “cỗ máy” biến thức ăn thô thành thịt.
Thời điểm chúng tôi đến, trại còn khoảng 1.500 con bò đang chờ xuất đi các tỉnh; còn những lúc cao điểm có hơn 4.000 con. Bò Úc của Công ty Kết Phát Thịnh được tiêu thụ chủ yếu từ Đà Nẵng trở ra, nhất là các thị trường Hà Nội, Hải Dương với số lượng khoảng 300 con/ngày đêm (thị trường Nghệ An mới dưới 20 con ngày/đêm). Đưa chúng tôi đi thăm từng dãy chuồng, anh quản lý trang trại đọc vanh vách đặc điểm, tính nết của từng giống bò.
Đặc biệt nhìn bò anh có thể đoán trọng lượng của từng con sai số chỉ tính bằng kg. Chỉ vào con bò màu lông xám bạc, anh quản lý cho biết: Đây là giống bò xi-bo-gút, con này có trọng lượng không dưới 450 kg, đây là con giống Zéc-man có nguồn gốc từ Đức, rồi bò Pháp, bò Tây Tạng, bò siêu nạc…
Tại trại bò Úc nuôi vỗ béo của Công ty Kết Phát Thịnh, kỷ lục sinh thịt là 1,4 kg hơi/ngày (ở Long An). Bò được nuôi theo kiểu “tân đáo”, nghĩa là bò sau khi nhập về qua hệ thống cách ly tiêu độc khử trùng được tiêm phòng dịch, nuôi phục hồi từ 15 - 20 ngày rồi xuất bán với giá 70 - 71.000 đồng/kg hơi (tùy giá nhập). Theo công thức cứ 2,7 kg hơi được 1 kg thịt, thì giá thành của bò Úc dưới 200.000 đồng/kg - thấp thua cả thịt bò ta.
Theo báo cáo của thú y vùng 3 của tỉnh, từ đầu năm nay, trại nuôi bò Úc ở Nghi Lâm đã nhập về 8 đợt với tổng số lượng 22.344 con bò. Đây là những con bò hoàn toàn sạch bệnh đã được thú y của Úc cấp giấy chứng nhận.
Khi về đến Việt Nam, để bảo đảm cho đàn bò không bị lây nhiễm bệnh, mọi biện pháp phòng ngừa được thực hiện một cách bài bản: Tàu chở bò cập cảng, tại khu tiếp nhận được tiêu độc khử trùng; phương tiện chở bò được đưa về trại để khử trùng bằng hóa chất.
Trong quá trình tiếp nhận, ngay cả lái xe cũng không được tiếp xúc với bò. Về đến trại, xe lại qua khu tiêu độc khử trùng một lần nữa để loại trừ mầm bệnh trên đường vận chuyển. Sau khi bò ổn định, thú y lại lấy mẫu xét nghiệm trước khi cấp giấy cho lưu hành.
Theo ông Dương Văn Tri - Phó Giám đốc thú y vùng 3, không chỉ bảo đảm an toàn trong khâu tiếp nhận, mọi hoạt động của con bò, của người liên quan đều được giám sát chặt chẽ qua hệ thống định vị vệ tinh nhờ bò được gắn chíp. Từ khi đưa bò về cho đến lúc giết mổ theo quy định của Hiệp hội chăn nuôi Úc, con vật phải được đối xử nhân đạo ngay cả khi giết mổ.
Bò giết mổ ở những địa điểm được quy định. Lúc giết mổ không được đánh đập hành hạ bò, mà sử dụng điện để gây sốc. Tại nơi giết mổ có ca-mê-ra giám sát, tín hiệu được truyền về Úc, mọi hành động được giám sát một cách chặt chẽ, nếu vi phạm hợp đồng lập tức bị hủy bỏ…
Vì vậy, sản phẩm thịt bò Úc được khẳng định là thứ thịt sạch. Sau khi giết thịt, con chíp gắn trên mỗi con bò để giám sát quá trình vận chuyển giết mổ được chuyển trả về Úc, nơi xuất phát của đàn bò.
Cũng theo ông Tri, ngoài sản phẩm sạch mà người tiêu dùng được thụ hưởng, nguồn lợi kinh tế mà bò Úc đem lại là đáng kể. Mỗi chuyến tàu chở bò về, nạp thuế nhập khẩu cho tỉnh Nghệ An khoảng từ 2 - 3 tỷ đồng. Thời gian nuôi “tân đáo” (gần 1 tháng) cần khoảng 600 tấn thức ăn, với giá 1.000 đồng/kg ngô cây, số tiền doanh nghiệp chi trả cho bà con trong vùng là 600 triệu đồng.
Tính ra mỗi năm trại nhập khoảng 12 chuyến bò Úc, số tiền thuế thu về cho tỉnh là hơn 30 tỷ đồng; cộng với số tiền cung ứng thức ăn hơn 7 tỷ đồng quả là số tiền không nhỏ. Ngoài ra, trại còn giải quyết việc làm cho hơn 110 lao động địa phương và các chủ phương tiện vận tải (mỗi chuyến tàu về cần ít nhất 200 chuyến xe tải chở bò về trang trại và cũng từng đó chuyến xe chở bò đi các địa phương từ Hà Nội đến Đà Nẵng).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết thêm, trại nuôi bò Úc ở xã Nghi Lâm là dự án được UBND huyện phê duyệt bởi QĐ số 207 ngày 24/1/2014, do ông Nguyễn Văn Sỹ ở xóm 2, xã Nghi Lâm làm chủ đầu tư; ông Sỹ liên kết với Công ty Kết Phát Thịnh để cùng nhau khai thác.
Mọi biện pháp bảo vệ môi trường đã được công ty thực hiện một cách nghiêm ngặt. Mặt khác, với hình thức nuôi “tân đáo” cách ly, trại bò chỉ là nơi trung chuyển, thời gian mỗi cá thể bò lưu lại trại chỉ 15-20 ngày; phía công ty cũng đã xử lý chất thải từ bò một cách triệt để: chất thải lỏng được thu gom xử lý bằng hệ thống hầm biogas, chất thải khác tập trung về khu riêng xử lý bằng hóa chất trước khi bán cho các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ; trước mỗi đợt tiếp nhận bò mới, trại được làm vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng...
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2015, ngành tiêu chủ trương không tăng số lượng mà củng cố nâng cao chất lượng, khuyến khích các DN đầu tư cho chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.

Tại nhiều chợ và điểm bán trái cây ở TP Cần Thơ, vú sữa Lò Rèn loại ngon giá bán lẻ đang ở mức 12.000 - 15.000 đồng/kg; vú sữa Cà Na 10.000 - 12.000 đồng/kg. Giá vú sữa Lò Rèn được nhà vườn bán buôn cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 10.000 - 11.000 đồng/kg; vú sữa Cà Na có giá khoảng 8.000 đồng/kg.

Ngày 2-2, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) Lê Văn Thanh cho biết, Tết Nguyên đán 2015 các nhà vườn trong xã cung cấp cho thị trường trên 1,5 triệu trái bưởi (tương đương 1.500 tấn) mang thương hiệu bưởi Tân Triều (ảnh). Trong đó, bưởi da xanh chỉ khoảng 50 tấn, còn lại đa số là bưởi đường lá cam.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết: Huyện đang tập trung các giải pháp thực hiện, trong đó tập huấn cho người dân cách phòng trị sâu bệnh, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, phân bón đúng trên cây ăn trái. Hướng dẫn người dân cách phòng trị bệnh đạo ôn, rầy nâu trên cây lúa và sản xuất theo phương pháp “4 đúng” an toàn trên rau màu.

Sôi động nhất là những loại trái cây được ưa chuộng dùng chưng trên mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên. Cùng với sự “nóng” lên của thị trường tết, trong các vườn, không khí thu hoạch, trái cây tết cũng nhộn nhịp, hối hả.