Tín Dụng Cho Nông Nghiệp Linh Hoạt Cấp Vốn Vay

Linh hoạt cấp vốn vay theo từng giai đoạn của dự án là hình thức đang được các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai trong Chương trình Cho vay thí điểm theo chuỗi nông nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai từ đầu tháng 6/2014.
Việc cấp vốn sẽ theo từng khâu đoạn từ lúc xử lý ao, nuôi cá và thu hoạch
Bắt đầu giải ngân các hợp đồng vay
Theo Ngân hàng VietinBank chi nhánh Đồng Tháp, trong đợt ký kết hợp đồng tín dụng của Chương trình Cho vay thí điểm nông nghiệp, ngân hàng đã ký hợp đồng cho Công ty Hùng Cá vay 1.407 tỷ đồng, trong đó, cho vay ngắn hạn 1.127 tỷ đồng và trung hạn 280 tỷ đồng. Hiện tại, hợp đồng này dù chưa giải ngân nhưng VietinBank đã áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn là 7% trong các khoản vay gần đây của Hùng Cá.
Agribank chi nhánh An Giang cho biết, ngân hàng này đã bắt đầu giải ngân nguồn vốn cho Công ty CP rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) để thực hiện “mô hình từ sản xuất đến tiêu thụ rau màu” tại các huyện Châu Thành và Châu Phú (tỉnh An Giang).
Tổng vốn cho vay là 72 tỷ đồng, thời hạn vay 11 năm, lãi suất 7-10,5%. Hiện Antesco đang hoàn thiện nốt các thủ tục để triển khai Dự án xây dựng Nhà máy chế biến rau quả diện tích 20.000 m2 tại Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú) nên phần vốn cho dự án này chưa được giải ngân.
Tuy nhiên, Agribank chi nhánh An Giang đã bắt đầu cho công ty này vay vốn ngắn hạn để phát triển vùng nguyên liệu hơn 3.700 ha chuyên canh ngô, đậu tương cũng như phát triển liên kết với các hộ nông dân địa phương trồng thí điểm 10.000 - 20.000 ha rau màu tại các huyện Châu Thành và Châu Phú.
Ngoài ra, trong vòng 1-2 tuần tới, Agribank chi nhánh An Giang sẽ giải ngân hợp đồng tín dụng 243,7 tỷ đồng cho Công ty Thuận An vay để đầu tư Dự án liên kết sản xuất- xuất khẩu cá tra quy mô gần 40ha. Tất cả nguồn vốn này đều tập trung cho khâu nuôi cá. Riêng khâu chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) sẽ được Agribank cho vay theo một hạn mức tín dụng khác là 400 tỷ đồng.
Về phía DN, Công ty Hùng Cá cho biết, việc đề xuất vay vốn tín chấp, định giá đất ao nuôi theo giá thị trường của đơn vị này đã từng bước được các TCTD giải quyết. Cụ thể, theo hợp đồng cho vay 1.407 tỷ đồng, VietinBank chi nhánh Đồng Tháp sẽ cho Hùng Cá vay vốn với tỷ lệ tín chấp lên tới 90%, DN chỉ cần thế chấp 10% bằng tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, Antesco tỏ ra khá lạc quan vì Dự án “Mô hình từ sản xuất đến tiêu thụ rau màu” đã được chấp thuận cho vay. Với dự án này công ty sẽ liên kết với khoảng 10.000 hộ dân ở các địa phương. Một phần nguồn vốn vay từ Agribank sẽ được công ty phân phối đầu tư hỗ trợ chi phí đầu vào cho nông dân mua giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Sẽ cấp vốn theo từng giai đoạn cụ thể
Theo VietinBank chi nhánh Đồng Tháp, để kiểm soát dòng tiền một cách hiệu quả, hạn chế rủi ro cho cả DN và ngân hàng thì vẫn cần phải có một “mẫu số chung” cho việc định giá các tài sản bảo đảm bắt buộc và các tài sản bảo đảm bổ sung.
Cụ thể, hiện nay Công ty Hùng Cá chỉ phải thế chấp 10% tổng vốn vay bằng bất động sản, kho xưởng. Nhưng các tài sản khác như đất nông nghiệp, ao cá, lượng cá dưới ao… của công ty và các hộ dân liên kết cũng được dùng làm tài sản bảo đảm bổ sung.
Vì thế, tổng tài sản thế chấp có thể chiếm 20% tổng vốn vay. Tuy nhiên, việc định lượng giá trị các tài sản thế chấp bổ sung này rất khó khăn nếu không có những quy định cụ thể và những đơn vị chuyên trách thực hiện thì các ngân hàng không thể tự làm được.
“Hiện mới chỉ là thí điểm và Hùng Cá cũng là đơn vị làm ăn lâu năm với VietinBank, lại được chính quyền địa phương giới thiệu nên VietinBank yên tâm cho vay số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Về sau, nếu có nhân rộng ra thì cần phải có những nguyên tắc định giá cụ thể hơn mới có thể cho DN vay được”- đại diện VietinBank chi nhánh Đồng Tháp cho hay.
Ngân hàng Agribank chi nhánh An Giang sẽ ký kết hợp đồng nguyên tắc 3 bên với DN và các hộ dân trong chuỗi liên kết; sau đó sẽ bắt buộc các hộ dân tham gia chuỗi mở tài khoản tại Agribank. Việc cấp vốn sẽ được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp cho DN và nông hộ.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị, huyện Cẩm Khê đã đưa mô hình nuôi lươn không bùn vào nuôi ở 2 xã Sai Nga và Đồng Cam mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình của ông Nguyễn Quốc Khải ở khu Đồng Kệ xã Đồng Cam và chị Nguyễn Thị Thủy ở khu 5 xã Sai Nga, nuôi lươn trên bể xi măng lót bạt không bùn để cung ứng cho thị trường sản phẩm lươn sạch.

J02 là giống lúa thuần có nguồn gốc từ Nhật Bản do Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn, đã được đưa vào trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh khoảng 5- 6 năm nay.

Người dân ở miền núi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ đã bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao. Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án nâng mức chi trả DVMTR cho những khu vực có mức giá thấp.

Dù ngư trường đánh bắt rộng lớn với nhiều loại thủy hải sản phong phú, đa dạng, nhưng từ đầu tháng 2 cho đến cuối tháng 6 (âm lịch), ngư dân thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) lại chọn đánh bắt tôm hùm, mực nang... Chính hai loại đặc sản này đã mang lại thu nhập cao cho ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi...

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và có sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.