Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tìm Lại Cam, Bưởi Hồng Lếch Cang

Tìm Lại Cam, Bưởi Hồng Lếch Cang
Ngày đăng: 26/01/2015

13 năm trước, vào thời điểm đầu năm 2002, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình trồng giống cam Vinh, cam Canh và bưởi Diễn tại cánh đồng bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên. 3 năm sau, những quả ngọt đầu tiên đến với người nông dân Hồng Lếch Cang. Cam, bưởi sai trĩu cành, khách hàng, thương lái tấp nập kéo đến mua. Nguồn lợi từ bán cam, bưởi mang lại niềm hi vọng lớn cho người dân nơi đây.

Sắc đỏ nhạt phai

Đến Hồng Lếch Cang những ngày đầu năm 2015, con đường bê tông sạch sẽ dài 2,5km mới hoàn thành nối dài qua cánh đồng mạ non mới gieo tới trung tâm bản. Nhà văn hóa của bản vừa xây xong với số tiền hơn 500 triệu đồng to, đẹp  khang trang còn thơm mùi gỗ mới... nhưng điều chúng tôi muốn tìm là những vườn cam rực đỏ năm nào lại như vẫn đang ẩn khuất nơi đâu?!
Ông Lò Văn Nhân, Trưởng bản Hồng Lếch Cang nhớ lại: Năm đó, khi mô hình được triển khai, các hộ trồng cam của bản được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Điện Biên hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Được trồng trên diện tích hơn 5ha trồng trên đất ruộng lúa cũ, được trồng, chăm sóc đúng phương pháp, lại hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cây cam Vinh, cam Canh lớn nhanh như thổi. Ngay từ vụ bói quả đầu tiên, dịp cuối năm 2004 người dân Hồng Lếch Cang đã trúng mùa lớn.
Sản lượng được tính bằng tấn cho mỗi héc ta, thu nhập mỗi vụ hơn 20 triệu đồng - một số tiền không nhỏ theo giá trị cách đây 10 năm và cao gấp 4 lần so với trồng lúa. Đặc biệt là giống cam canh  - loại cam vỏ có màu đỏ, vị ngọt dịu được ví như loại quả thượng hạng chỉ để tiến vua (tương truyền rằng do cam Canh có màu sắc đẹp, không chua làm vua đau bụng, cũng không ngọt quá khiến vua khé cổ nên được lựa chọn) rất hợp với nhu cầu mua làm quà tết, thờ cúng nên bán đắt như tôm tươi.
Những ngày ấy, cả bản Hồng Lếch Cang luôn sáng lên bởi sắc đỏ của cam Canh, vàng tươi của cam Vinh, bưởi Diễn và nụ cười mãn nguyện của người nông dân. Lãnh đạo của Trung ương, của tỉnh đến thăm, biểu dương cùng nhiều đoàn công tác các địa phương trong, ngoài tỉnh đến tham quan, học tập mô hình.
Thấy rõ hiệu quả từ các giống cam, bưởi ghép cành này, người dân tiếp tục chăm sóc, đầu tư công sức để phát triển mô hình kinh tế này. Thế nhưng trời không thuận lòng người.
Được năm thu hoạch đầu và năm thứ 2,  cam, bưởi Hồng Lếch Cang cho năng suất, chất lượng cao, đến năm thứ 3 thì bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa. Mỗi cây cam, bưởi quả bắt đầu ít đi, trái dần nhỏ lại, lá trên cành ngả sang màu vàng úa theo niềm hi vọng của người dân. Đến năm thứ 5 thì nhiều cây cam Canh, bưởi Diễn ở Hồng Lếch Cang không còn ra quả nữa.
Người dân bắt đầu kêu cứu tới các cơ quan chuyên môn, cán bộ của Sở, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện xuống khảo sát tình hình. Sau khi nghiên cứu đặc điểm sinh học, tuổi thọ của các giống cây ăn quả này, đơn vị chuyên môn đưa ra kết luận: Vòng đời cây chỉ có vậy, để tiếp tục canh tác loại cây này, chỉ còn cách trồng lại từ đầu. Nhìn lại quá trình chăm sóc 3 năm mới cho thu hoạch và cũng chỉ từng ấy năm được hái quả rồi phải làm lại từ đầu có vẻ như vượt quá lòng kiên nhẫn của người dân.
Hơn nữa, cây cam Canh trồng 3 năm có chiều cao hơn 2m, đường kính gốc 4 đến 5cm; bưởi Diễn cao hơn 4m, đường kính 7 đến 8cm thì việc đào, nhổ bỏ đi hàng ngàn gốc cũng là một công đoạn gian nan. Nhiều hộ dân đã bắt đầu nản và rục rịch chuyển đổi cơ cấu, quay về với ruộng lúa quen thuộc, sắc cam, bưởi tại Hồng Lếch Cang dần phai nhạt.
Vun vén hi vọng
Từ sự giới thiệu của trưởng bản Lò Văn Nhân, chúng tôi tìm đến nhà ông Lò Quang Vinh, ở đội 9, bản Hồng Lếch Cang, 1 trong 3 hộ hiếm hoi còn lại vẫn tiếp tục trồng cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn. Cách giao tiếp, cung cấp thông tin của ông Vinh khiến chúng tôi có cảm giác ông đã quen với việc tiếp xúc với giới truyền thông.
Sau câu chuyện ban đầu, thì ra trước đây vườn cam của gia đình ông đã từng được đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm, cùng không ít lần các phương tiện truyền thông đã đến tìm hiểu, đưa thông tin, hình ảnh…
Đưa chúng tôi ra thăm vườn cam, bưởi trên diện tích khoảng 1ha do ông  Vinh tự đầu tư tiền mua cây giống, phân bón và bỏ công chăm sóc. Ông giới thiệu: 4 dãy cam Vinh mới bước sang năm thứ 3 đã cho lứa quả bói đầu tiên, gia đình vừa thu hoạch vào tháng 12 vừa qua.
Kỹ thuật, kinh nghiệm đã được trang bị lại tự chủ về cây giống nên gia đình tôi thoải mái xen canh, trồng gối theo năm để tránh vấp phải sai lầm “no dồn, đói góp”, trồng, nhổ hàng loạt như trước đây. Năm nay, cam ra quả bói nên năng suất chưa cao nhưng cũng cho thu hoạch khoảng 2 tạ, với bán giá 30.000 đồng/kg tổng thu được khoảng 6 triệu đồng cũng là một điều khích lệ. Sang năm, nhất định số cam này sẽ cho năng suất cao hơn. Vườn bưởi Diễn cũng đã bắt đầu cho quả, tôi sẽ tập trung chăm sóc để mang lại hiệu quả.
Hái một quả bưởi Diễn, gọt, mời chúng tôi ông Vinh hướng dẫn: Giống bưởi này rất ngọt nhưng hái xuống ăn ngay thì vẫn có vị te (đắng), phải để mấy ngày ăn mới thơm, ngon… Nhìn cách ông hái, gọt quả bưởi, chúng tôi hiểu ông muốn nói gì và gửi gắm không ít hi vọng vào nó.


Có thể bạn quan tâm

Trồng 15 Năm, Cưa Làm Củi ! Trồng 15 Năm, Cưa Làm Củi !

Năm 1997, Nông trường Lam Sơn (nay là Cty TNHH MTV Lam Sơn, gọi tắt là Cty Lam Sơn) đầu tư trồng hàng trăm ha cao su tại huyện miền núi Ngọc Lặc và Thọ Xuân (Thanh Hóa). Nay cây cao su đã 15 năm tuổi song lượng mủ chỉ lèo tèo thu vài ba cân/ha/ngày khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa Cty với hộ dân.

25/02/2012
Nuôi Cá Sấu, Nuôi Cá Sấu, "Lão Nông" Thành Tỷ Phú

Sau 4 năm bắt tay xây dựng mô hình nuôi cá sấu, “lão nông” Đỗ Việt Tiến mang trong mình dòng máu người lính đã trở thành tỷ phú và từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương, trở thành gương điển trong phát triển mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng (VAC) của tỉnh Vĩnh Phúc.

26/02/2012
Giá Cao Su Đạt 76 Triệu Đồng/tấn Giá Cao Su Đạt 76 Triệu Đồng/tấn

Hiệp hội Cao su VN vừa cho biết, giá cao su XK hiện đang ở mức cao đạt 3.700– 3.750 USD/tấn, tăng khoảng 500 USD so với đầu tháng 1/2012.

01/03/2012
Mẹo Vặt Nhà Nông: Cây Lựu Mẹo Vặt Nhà Nông: Cây Lựu

Cây lựu được trồng ở nhiều nước châu Á và châu Âu làm cây ăn quả, cây cảnh, cây thuốc. Theo Đông y, các bộ phận trên cây lựu như vỏ cây, hoa, quả..đều có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả.

02/03/2012
Đồng Muối Thảm Đồng Muối Thảm

Liên tiếp 3 năm qua người làm muối tỉnh Khánh Hoà bị mất mùa, mất giá thê thảm khiến cuộc sống của họ rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bước vào vụ sản xuất muối năm nay, tình hình cũng không mấy khả quan do thời tiết liên tục có mưa.

02/03/2012