Tìm kiếm đầu ra cho nông sản bài học từ Cao Phong (Hòa Bình)

Nhưng năm nay, mía tiêu thụ chậm hẳn, đến tận cuối tháng 5 mà toàn huyện vẫn còn trên 900 ha chưa thu hoạch được. Diện tích đã thu hoạch phải chấp nhận bán với mức giá thấp hơn nhiều so với mọi năm. Tình cảnh này đã khiến nhiều hộ trồng mía nơi đây đứng ngồi không yên và một lần nữa, bài học về tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương lại được nhắc đến như một hồi chuông báo động.
Vườn mía nhà bà Bùi Thị Phượn (xóm Xương Đầu, xã Dũng Phong) đến cuối tháng 5 vừa qua mới thu hoạch được khoảng 1/3 diện tích. Trong số 1,5 ha mía vụ này, nhà bà mới bán được 5.000 m2 mía tím, còn lại 1 ha mía trắng chưa thu hoạch được vì chưa có người mua. Giá bán từ đầu vụ đến thời điểm đó lại quá thấp so với cùng kỳ năm trước nên bà Phượn không nỡ “bán tống, bán tháo” công sức lao động gần 1 năm trời trồng mía. Với diện tích mía tím đã bán, giá cũng thấp hơn nhiều so với mọi năm. Nửa ha mía tím mà chỉ bán được gần 25 triệu đồng - số tiền chưa đủ trả tiền mua giống, phân bón và thuê nhân công lao động.
Không riêng gia đình bà Bùi Thị Phượn, mấy chục hộ trồng mía tại xã Dũng Phong và hàng trăm hộ trồng mía tại huyện Cao Phong cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi vụ mía năm nay bước vào kỳ thu hoạch. Thống kê sơ bộ đến ngày 26/5, diện tích mía lưu vụ chưa bán được tại xã Dũng Phong 85,3 ha gồm 50,3 ha mía trắng và 35 ha mía tím. Tổng diện tích mía lưu vụ trong toàn huyện Cao Phong 901,3 ha gồm 700,7 ha mía trắng, 200,6 ha mía tím. Các xã có diện tích mía tồn nhiều nhất là: Thu Phong (176,5 ha), Bắc Phong (124,3 ha), Xuân Phong (118 ha), Yên Lập (115 ha), Tây Phong (96 ha)… Đến giữa tháng 6, sau nhiều nỗ lực gỡ khó đầu ra cho cây mía, toàn huyện Cao Phong vẫn tồn khoảng 330 ha mía chưa được tiêu thụ.
Cùng với tình trạng tiêu thụ chậm, giá mía Cao Phong năm nay cũng thấp hơn cùng kỳ năm trước với mức bình quân 1.000 – 1.500 đồng/cây mía tím, 2.000 – 3.000 đồng/cây mía trắng. Mía chất lượng tốt đã khó bán và phải chấp nhận bán với mức giá thấp. Mía lưu vụ thì còn khó bán hơn nhiều. Do đã quá kỳ thu hoạch và chịu ảnh hưởng bất lợi từ diễn biến thời tiết xấu, tỷ lệ mía chất lượng còn tốt chỉ chiếm bình quân khoảng 40% số mía cây trên vườn. Được biết, vừa qua, nhiều đợt nắng nóng kéo dài đã làm cho không ít diện tích mía, nhất là mía tím - ở Cao Phong bị khô héo ngọn hoặc vỏ bị cháy nắng, khi gặp giông lốc gây ra gẫy đổ, nứt nẻ, khi mưa xuống khiến mía bị đỏ lòng hoặc bị lên men rượu. Đây là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mía lưu vụ bị giảm sút đáng kể về cả chất lượng lẫn mẫu mã.
Xác nhận diễn biến căng thẳng trong tình hình tiêu thụ mía lưu vụ năm nay, Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong đưa ra một số nguyên nhân chính: thứ nhất, do người trồng mía chưa nhận thức rõ thị trường (cuối năm 2014 giá mía bình quân 4.000 – 5.000 đồng/cây) nên có tâm lý chờ giá mía tăng như cùng kỳ mới bán để có thu nhập cao. Thứ hai, do việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc toàn bộ vào tư thương, trong khi thời gian qua, tình hình vận chuyển hàng hóa có một số biến động (giá thành vận chuyển tăng, việc siết xe quá khổ, quá tải, việc xe tải không được vào thành phố…) dẫn đến tình trạng tư thương không mấy mặn mà với việc vận chuyển lượng mía nhiều như những năm trước, mía năm nay khó tiêu thụ ở các thị trường truyền thống như Hà Nội, Hải Phòng…
Thứ ba, sản xuất mía hiện nay vẫn còn manh mún, chưa quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung và tiêu thụ sản phẩm vẫn theo kiểu “cầu cần thì có cung” nên giá trị thu nhập bấp bênh. Thêm vào đó, việc chưa có sự liên kết trong trồng và tiêu thụ sản phẩm, chưa xây dựng được thương hiệu, khả năng quảng bá sản phẩm ra thị trường còn nhiều hạn chế, chưa có công nghệ bảo quản, chế biến để mía tím sử dụng được trong thời gian dài, việc nhiều hộ dân trồng mía theo kiểu “tận thu”, không chịu đầu tư, không chú trọng vào khâu chọn giống… cũng là những mắt xích yếu kém dẫn đến tình trạng bấp bênh trong tiêu thụ sản phẩm mía ở Cao Phong hiện nay.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho cây mía nói riêng và các loại nông sản nói chung, đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong nhìn nhận: Cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để thúc đẩy sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản địa phương. Trong đó, chú trọng hàng đầu là nhóm giải pháp về thị trường tiêu thụ.
Cụ thể, đối với cây mía – một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, huyện Cao Phong xác định cần xúc tiến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mía Cao Phong; đẩy mạnh thực hiện chính sách liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trên cơ sở bám sát quy hoạch sản xuất mía của từng vùng; có hình thức khuyến khích ưu đãi các tập thể, cá nhân có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người trồng mía; tăng cường quảng bá cho sản phẩm; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin thị trường nông sản cho người lao động bằng nhiều hình thức như tập huấn, thông tin trên các hệ thống truyền thông của xã, xóm, huyện, cuộc họp dân… Cùng với những giải pháp về thị trường tiêu thụ, việc triển khai quyết liệt các giải pháp về vốn và kỹ thuật sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người nông dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững của cây mía nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình tôm - lúa ở huyện Thới Bình (Cà Mau) một năm chia ra 2 vụ. Từ đầu năm đến khoảng tháng 7 âm lịch, các hộ dân sẽ lấy nguồn nước mặn để nuôi tôm. Sau đó đưa nước ngọt vào và tận dụng nguồn nước mưa để rửa mặn, làm vụ lúa kết hợp nuôi tôm từ cuối tháng 7 âm lịch đến cuối năm.

Chị Lê Thị Hân, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy, Hậu Giang) nuôi cá rô đầu vuông gần 10 năm cho biết: “Những năm trước đây, tôi nuôi 8 ao cá với diện tích trên 10.000 m2 mặt nước, thu hoạch gần 100 tấn, nhưng nay vì thua lỗ nên chỉ nuôi 2 ao, với sản lượng thu hoạch khoảng 30 tấn”.

Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có bước phát triển nhảy vọt, nhất là số lượng bò lai Sind. Từ năm 2009 trở về trước, tổng đàn bò của xã hàng năm chỉ ở mức trên dưới 300 con, chủ yếu là giống bò vàng, thấp bé, lượng thịt ít.

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, người dân tỉnh Quảng Bình đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa sang trồng các loại cây màu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, qua đó, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân.

Trước kia đàn bò ở đây chủ yếu là giống bò cỏ, nuôi chậm lớn nên xuất bán lãi không cao. Từ năm 1995 An Phú đẩy mạnh chương trình sind hóa đàn bò. Đến nay tổng đàn bò của xã trên 2.100 con, trong đó bò lai sind chiếm hơn 85%.