Tìm giải pháp gỡ khó cho ngành sữa

Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sữa trên địa bàn TP là vấn đề “nóng”, được quan tâm tại Hội nghị bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sữa trên địa bàn TP diễn ra ngày 6/8.
Tăng trưởng khá nhưng chưa hết lo
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội), tính đến tháng 7/2015, tổng đàn bò toàn TP là 15.288 con/3.314 hộ. Trong đó, bò sinh sản là 9.757 con, chiếm 63,8% tổng đàn. Bò vắt sữa là 7.466 con, chiếm 76,5% tổng đàn bò sinh sản. Sản lượng sữa hiện đạt 111 tấn/ngày. Đến nay, chăn nuôi bò sữa vẫn được phát triển chủ yếu ở hai vùng trọng điểm là huyện Ba Vì (57,5% tổng đàn) và Gia Lâm (22,7% tổng đàn), còn lại 19,8% ở bốn huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Quốc Oai. Đàn bò sữa của Hà Nội phát triển tương đối ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Bình quân năng suất sữa đàn bò của Hà Nội tăng dần qua các năm, hiện đã đạt 4.600 – 4.800kg/chu kỳ 305 ngày.
Việc tiêu thụ sữa trên địa bàn TP được đánh giá là thuận tiện. Hiện, toàn TP có 45 trạm thu gom sữa tươi của 6 DN. Trong đó, Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) có 27 trạm thu gom 70,3% tổng sản lượng sữa toàn TP. Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) có 8 trạm thu gom 14,5%. Công ty CP Sữa Ba Vì có 5 trạm thu 7,2% tổng lượng sữa sản xuất trong ngày. Các Công ty CP Sữa Xuân Mai, Công ty CP Sữa Hà Nội (HaNoimilk), Công ty Sữa Cô gái Hà Lan (Dutch Lady) và một số điểm thu mua, chế biến phần sữa lẻ còn lại.
Tuy nhiên, ngành sữa Hà Nội cũng đang đứng trước nhiều thách thức như: biến động giá sữa, sự cạnh tranh của các hãng nước ngoài. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi bò sữa trên địa bàn TP vẫn khá nhỏ lẻ. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng phát triển tự phát làm ảnh hưởng tới công tác quản lý, thu gom và tiêu thụ sản phẩm sữa...
Gắn kết doanh nghiệp với hộ chăn nuôi
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành sữa, tại hội nghị, nhiều giải pháp, kiến nghị đã được đưa ra. Các hộ chăn nuôi bò sữa cho rằng, IDP – đơn vị hiện đang thu mua tới 70,3% tổng sản lượng sữa toàn TP, nên nghiên cứu lộ trình tăng giá thu mua sữa hiện nay. Cụ thể, giá thu mua mỗi kg sữa của IDP hiện là 12.000 đồng, thấp nhất trong số 6 DN thu mua sữa và thấp hơn tới 2.000 đồng so với giá thu mua của Vinamilk – đơn vị trả giá cao nhất cho 1kg sữa. Đồng thời, cần hỗ trợ cho vay đối với các trạm thu gom trong việc nâng cấp hệ thống bảo quản sữa, bởi chi phí xây dựng mỗi trạm thu gom sữa hiện rất lớn (từ 1,2 – 1,8 tỷ đồng/trạm), trong khi, hợp đồng thu mua cho nông hộ chỉ khoảng ba năm. Liên quan tới vấn đề này, ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội đề nghị, các DN thu mua sữa cần đảm bảo ký hợp đồng thu mua sữa ổn định, thanh toán nhanh gọn, đồng thời, có các chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với quy hoạch của TP.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho rằng, muốn vượt qua khó khăn, thách thức, ngành sữa Hà Nội cần thay đổi tư duy phát triển. Hai yếu tố quan trọng cần tập trung đầu tư, cải thiện trong thời gian tới là khâu tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Để thực hiện điều này, Sở NN&PTNT Hà Nội cần rà soát quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phấn đấu đưa khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh vào chăn nuôi bò sữa trên địa bàn toàn TP; tăng cường đưa những giống bò mới cho năng suất cao vào sản xuất. Ông Vân cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, Hà Nội cần có cơ chế hỗ trợ các DN kinh doanh sữa, bởi chỉ khi các DN hoạt động hiệu quả, người chăn nuôi mới được hưởng lợi và ngành sữa Hà Nội mới an toàn, bền vững.
“Sở Công Thương cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sữa bột của các công ty trên địa bàn (đặc biệt là các sản phẩm bán ra có gắn nhãn mác là sữa tươi 100%). Điều này sẽ góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm sữa nội”. (Ông Tăng Xuân Lưu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì)
Có thể bạn quan tâm

Theo các doanh nghiệp chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, năm nay, mặt hàng tôm chân trắng xuất khẩu khoảng hơn 35 nghìn tấn, chiếm hơn 70% sản lượng tôm đông lạnh xuất khẩu.

Nông dân huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) hiện đang thu hoạch vụ nuôi cá lóc thương phẩm trong niềm phấn khởi bởi cá lóc trúng mùa, trúng giá…

Từ đầu vụ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện Tuy An (Phú Yên) đã thả nuôi hơn 310ha tôm, đến nay đã có hơn 29,5ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Nguyên nhân ban đầu được xác định tôm chết chủ yếu là bị thân đỏ đốm trắng, hội chứng gan tụy… UBND huyện Tuy An đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã tăng cường phòng, chống dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng, dừng thả tôm ở khu vực bị bệnh, thực hiện các biện pháp cách ly, dập dịch…

Những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng nhiều mô hình mới và đã mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó mô hình nuôi cá chình của ông Phạm Văn Tân, làng Hà Lâm, xã Sơn Lang là một điển hình. Nhờ nuôi cá chình mà gia đình ông Tân đã xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả.

Từ năm 2011 trang trại nuôi lợn công nghiệp của anh Lại Văn Nhân (Cty TNHH Thái Việt) xã Giao Thịnh (Giao Thủy - Nam Định) đã áp dụng theo công nghệ Thái Lan. Ông Phạm Ngọc Vĩnh, trưởng quản lý trang trại cho biết, năm 2012, mặc dù giá lợn thương phẩm biến động nhưng Cty vẫn ổn định sản xuất, xuất bán được hơn 300 tấn thịt lợn thương phẩm và hơn 5.000 con giống lợn ngoại chất lượng cao. Trừ các chi phí sản xuất, Cty thu về hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Hiện tại, Cty đang chuẩn bị đàn lợn nái hậu bị với 2.800 con lợn giống Duroc.