Tìm Đầu Ra Cho Khoai Lang

Thời gian gần đây nông dân các tỉnh ĐBSCL tăng diện tích trồng khoai lang, đặc biệt là giống khoai lang tím Nhật để xuất sang Trung Quốc. Tìm thị trường xuất khẩu khoai lang ổn định, bền vững đang là vấn đề cấp bách đặt ra. Vấn đề này được nhiều đại biểu bàn thảo sôi nổi tại hội thảo “Mở rộng thị trường tiêu thụ khoai lang” - do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long tổ chức ngày 7-9.
Diện tích canh tác được mở rộng quá nhiều khiến giá khoai lang năm 2012 giảm mạnh, dân trồng khoai ĐBSCL thua lỗ.
Cũng lại sản xuất tự phát
Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ… là những địa phương có diện tích trồng khoai lang nhiều ở ĐBSCL; trong đó Vĩnh Long phát triển mạnh nhất.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Vĩnh Long, từ năm 2005 đến nay cây khoai lang được mở rộng liên tục từ huyện Bình Tân sang huyện Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn… đâu đâu cũng có người trồng khoai lang. Trước đây, mỗi năm nông dân chỉ trồng 1 vụ khoai, còn lại sẽ trồng lúa hoặc trồng cây khác; nay nhiều nơi áp dụng “độc canh” khoai lang suốt năm.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, cho biết, từ năm 2009 về trước toàn tỉnh chỉ có khoảng 5.000 - 5.100 ha khoai lang; vì thế tỉnh quy hoạch đến năm 2015 ổn định diện tích khoai 10.000 ha trở lại. Thế nhưng năm 2011, diện tích khoai lang bất ngờ tăng lên 8.500 ha và 8 tháng đầu năm 2012, diện tích khoai nhảy vọt lên hơn 9.800 ha, gần đạt kế hoạch của năm 2015.
Tại Cần Thơ, phong trào trồng khoai lang cũng phát triển rầm rộ. Dù không phải cây trồng chủ lực được ngành nông nghiệp khuyến cáo, nhưng do năm 2011 khoai lang “sốt giá”, nên nhiều hộ dân ở huyện Cờ Đỏ chạy đua mở rộng diện tích lên từ 600 - 700 ha. Tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp), người dân cũng tranh nhau trồng khoảng 800 ha khoai lang với hy vọng trúng mùa trúng giá...
Ông Nguyễn Hoàng Học, Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, nhớ lại, năm 2011 có lúc khoai lang tím Nhật được thương lái thu mua từ 1 triệu đồng/tạ trở lên để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Dân trồng khoai thắng lớn nên các nơi tăng diện tích liên tục. Lúc đó UBND tỉnh đã khuyến cáo và có công văn đề nghị các huyện tuyên truyền người dân cẩn trọng việc “chạy đua trồng khoai”, bởi đầu ra chưa ổn định, dễ gặp rủi ro… Dù vậy người dân vẫn cứ làm.
Đến khi sản lượng dư thừa thì từ tháng 5-2012 tới nay giá khoai lang rớt thảm hại, có lúc chỉ còn 160.000 - 170.000 đồng/tạ, nhưng thương lái hạn chế thu mua khiến người trồng khoai lỗ nặng.
Ngoài chuyện lỗ về giá, khoai còn bị dịch bệnh tấn công dữ dội gây thiệt hại nặng. Theo các nhà chuyên môn, đây là hậu quả của việc lạm dụng “độc canh” khoai lang liên tục, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu vừa làm tăng chi phí, phát sinh mầm bệnh và gây ô nhiễm môi trường…
Giải pháp phát triển bền vững
PGS.TS Lý Nguyễn Bình, Giám đốc Dự án MACBETH, Trường Đại học Cần Thơ, đánh giá, tiềm năng khoai lang Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL rất triển vọng. Khoai lang vùng này nổi tiếng nhiều năm, có ưu thế rõ rệt về năng suất lẫn chất lượng. Vấn đề là tìm giải pháp phát triển bền vững và giúp nông dân làm giàu từ khoai lang.
Ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long), trăn trở: “Cái khó nhất của khoai lang hiện nay là đầu ra phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Do đó, mỗi khi Trung Quốc đẩy mạnh ăn hàng thì giá tăng, ngược lại họ không thu mua thì chịu chết; bằng chứng năm nay thương lái Trung Quốc “bẻ chĩa” khiến người trồng khoai khốn đốn”.
Lường trước vấn đề này thời gian qua HTX khoai lang Tân Thành nỗ lực tìm thêm thị trường xuất khẩu khoai lang. Mới đây, HTX đã ký được hợp đồng xuất khẩu mỗi tháng 240 tấn khoai lang tím Nhật sang thị trường Malaysia, Indonesia và Hồng Công, với giá 7.500 đồng/kg. Đây được xem là hướng đi mới đầy triển vọng.
Theo TS Từ Văn Bình, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, qua thống kê cho thấy, khoai lang của Việt Nam chiếm khoảng 1,2% về sản lượng khoai lang trên thế giới; xuất khẩu chiếm 0,7% trên thế giới. Hiện các thị trường như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Canada, Anh, Malaysia, Indonesia, Singapore… có nhu cầu nhập khẩu khoai lang khá lớn. Vấn đề là các địa phương cần tập trung nhiều hơn cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm khoai lang, mở rộng thị trường…
Song song đó, cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu khoai lang để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay sang xuất khẩu chính ngạch, tăng giá trị và lợi nhuận.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, tỉnh đang quy hoạch vùng trồng khoai lang đến năm 2020 một cách hợp lý dựa trên nhu cầu thị trường tiêu thụ. Quan điểm chung của Vĩnh Long là không khuyến khích độc canh khoai lang liên tục, mà áp dụng luân canh, xây dựng lịch thời vụ phù hợp tránh việc thu hoạch quá nhiều cùng thời điểm sẽ dễ bị rớt giá. Chuyển dần từ sản xuất tự phát, cá thể, sang mô hình HTX để dễ quản lý, đầu tư, tiêu thụ…
Mặt khác, Vĩnh Long khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây nhà máy chế biến khoai lang, nhằm phát triển bền vững loại cây này. Yêu cầu các HTX và thương lái địa phương khi làm ăn với thương lái nước ngoài phải có hợp đồng, đảm bảo các yếu tố pháp lý, đề phòng rủi ro.
Tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT hỗ trợ việc dự báo thị trường tiêu thụ ở các nước, nhất là Trung Quốc để địa phương cân đối sản xuất. Hỗ trợ xúc tiến tìm những thị trường mới, tăng cường đầu tư kho chứa để tồn trữ, bảo quản khoai lang, giúp nông dân an tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Gần 3 năm qua nghề câu mực khơi xa ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) liên tiếp bị mất mùa, mất giá khiến nhiều ngư dân phải chuyển đổi sang nghề lưới vây. Thế nhưng mùa biển năm nay ngư dân trúng đậm mùa mực, giá thu mua lại tăng lên 30% nên ai nấy cũng phấn khởi.

Vào thời điểm này, bà con ngư dân Quảng Yên (Quảng Ninh) đang tích cực bám biển để khai thác vụ cá nam và khẩn trương thu hoạch tôm nuôi vụ xuân - hè để chuẩn bị thả nuôi vụ thu - đông. Phát huy lợi thế nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thuỷ sản toàn thị xã đạt 8.364 tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, sản lượng khai thác 6.071 tấn và sản lượng nuôi trồng 2.293 tấn.

Trước đó vào tháng 7-2013, dự án đã chọn 162 con bò cái giống lai Sind có trọng lượng từ 200kg trở lên của các hộ chăn nuôi ở hai huyện nói trên để gieo tinh nhân tạo giống bò nhập khẩu Red Angus. Kết quả, thụ thai gần 100% và năm hộ đợt đầu thu được 11 con bê lai Red Angus.

Câu chuyện tìm đầu ra cho hạt gạo đang chồng chất khó khăn. Mà nóng nhất là nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa Hè thu sớm trong buồn bã khi giá lúa rớt thê thảm. Đã đến lúc nhìn lại những cái lợi, cái hại của quá trình sản xuất lúa 3 vụ/năm.

Theo ông Tủi, nuôi bò theo quy trình VietGAP đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chí về con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại... và sẽ được cấp giấy chứng nhận khi đạt tiêu chuẩn. Được biết đàn bò sữa trên địa bàn hiện có khoảng 100.000 con, trong đó riêng Củ Chi chiếm hơn 65.000 con.