Tiềm năng và triển vọng cây thanh long ở Minh Thanh Cao Bằng

Vườn thanh long của ông Đinh Văn Cừ, xóm Vũ Ngược, xã Minh Thanh (Nguyên Bình).
Xã Minh Thanh nằm dọc theo trục quốc lộ 34, là xã cửa ngõ tiếp giáp với thị trấn Nguyên Bình nên các loại sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa có thuận lợi trong tiêu thụ.
Qua trao đổi với lãnh đạo xã và khảo sát thực tế với bà con được biết, toàn xã Minh Thanh hiện có 7 xóm trồng hơn 10 ha cây thanh long, chủ yếu tập trung ở xóm Vũ Ngược.
Trong 108 hộ canh tác loại cây trồng này có những hộ trồng tập trung trên 1.000 trụ đã và đang cho thu hoạch. Đặc điểm địa hình của xã chủ yếu là đất dốc thoải, núi đất xen đá vôi và những bãi bồi ven sông, rất phù hợp cho sinh trưởng của cây.
Nếu như đầu năm 2000 trong xã chỉ có 2 hộ trồng cây thanh long, đem lại thu nhập cao nhưng chưa được nhân rộng do người dân đang hoài nghi về đầu ra của sản phẩm như các các dự án cây trồng khác đã từng triển khai trước đây nhưng đã thất bại khiến bà con trồng rồi lại phải chặt đi.
Những năm gần đây, thấy được giá trị kinh tế từ cây thanh long, bà con trồng và mở rộng diện tích, tạo nên diện mạo mới cho vùng quê.
Thăm vườn thanh long vào mùa thu hoạch thật vui mắt, các trụ thanh long trĩu quả chín đỏ rực xen lẫn với những bông hoa trắng muốt như hoa quỳnh.
Theo bà con, nếu chăm bón tốt, năm thứ 2 cây đã cho quả và từ năm thứ 4 trở đi mỗi vụ có đến 5 lần trổ hoa, kết trái. Mỗi lứa từ lúc trổ hoa đến khi thu hoạch chỉ với thời gian từ 35 - 40 ngày.
Một trụ thanh long ở độ tuổi cho sản lượng cao nhất, 1 lứa ít nhất cũng có từ 30 - 40 trái/1 vụ. Lứa thứ 3 và thứ 4 là nhiều quả nhất.
Tại vườn thanh long của ông Đinh Văn Cừ, xóm Vũ Ngược trung bình có 40 bông hoa trên trụ, tức là sẽ có 40 quả của 1 lứa.
Làm phép tính đơn giản, mỗi trụ cho 100 quả mỗi năm, bình quân mỗi quả 300g thì người dân đã có từ 25 - 30kg quả thanh long. Tính giá trị kinh tế, 25kg bán với giá rẻ nhất là 20.000 đồng/kg cho thu nhập 500.000 đồng/trên 1 trụ thanh long.
Vào mùa thanh long chín, 2 bên quốc lộ 34, đoạn qua các xóm: Bó Ca, Vũ Ngược, Nà Khoang của xã xuất hiện hơn 20 điểm bà con đem quả thanh long ra bán cho khách bộ hành.
Quả thanh long ở đây không to bằng ở miền Nam nhưng vỏ lại mỏng hơn, có vị thơm đậm đà. Giá bán ngày thường khoảng 40.000 đồng/kg và lúc đầu vụ hoặc cuối vụ có thể đến 60.000 đồng/kg.
Nếu đem so sánh thanh long với các loại cây trồng khác như lúa thì giá trị kinh tế cao hơn chục lần. Bởi là 1kg thanh long bán tại thời điểm cuối vụ trung bình là 60.000 đồng có giá trị bằng 10kg thóc (1kg chỉ có giá trung bình 6.000 đồng).
Theo bà con, cây thanh long chỉ phát triển tốt và có chất lượng ở phạm vi hẹp của xã, bà con các xã lân cận cũng đang trồng và mở rộng diện tích nhưng quả lại không ngọt và thơm như ở Minh Thanh. Thêm nữa, vào mùa trái chín, các loại côn trùng cắn, chích làm hư quả nên sau mỗi cơn mưa đến cần phải dùng đèn soi bắt ốc sên, châu chấu hại quả, chưa nói đến việc chăm bón phải đúng kỹ thuật và thời vụ.
Năm 2015, sản lượng thanh long của xã Minh Thanh cao nhất nên việc tiêu thụ sản phẩm là nỗi lo cho bà con, tiềm năng từ vùng đất này đã được khẳng định, song triển vọng đang còn ở phía trước.
Bà con hiện vẫn phải tự đem sản phẩm ra Thành phố và các chợ phiên trong huyện để bán.
Cây thanh long ở xã Minh Thanh rất có tiềm năng và triển vọng, vì vậy, mong các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ địa phương và nhân dân có hướng đi đúng hướng, có quy hoạch tổng thể, phát triển đi đôi với xây dựng thương hiệu, tìm thị trường để thanh long có đầu ra bền vững, góp phần giúp bà con giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Trong 8 tháng đầu năm nay, do Thái Lan và một số nguồn cung khác vẫn chưa phục hồi bởi dịch bệnh EMS, cộng với việc các doanh nghiệp bị đơn không bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) theo kết quả cuối của POR7, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trở nên rất thuận lợi.

Nguồn phát sinh nước thải từ hoạt động SX, chăn nuôi của trang trại chủ yếu là do quá trình dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và bài tiết của động vật nuôi gồm phân, nước tiểu, nước vệ sinh chuồng trại, mỗi ngày có khoảng 100 m3 nước thải, trong những ngày có nhiệt độ cao nhất, sử dụng nước nhiều nhất.

Năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành mía đường, Cty CP Đường Bình Định (BISUCO) đã gặp phải nhiều trắc trở trong kinh doanh, dẫn tới nợ nần nông dân khoản tiền lớn.

Các loại gạo này hầu hết được đóng gói đẹp mắt, có thương hiệu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài gạo nội địa được trồng từ giống ngoại, thị trường còn có gạo nhập khẩu.

Giá mía tăng một phần do đầu vụ, mặt khác chữ đường vụ này đạt cao, dao động từ 10,5 đến 11 chữ đường, tăng gần 1 chữ đường so với vụ trước. Với giá mía hiện tại, những diện tích đạt năng suất 100 tấn/ha sẽ có lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng, còn năng suất từ 120-200 tấn/ha thì mức lợi nhuận có thể đạt từ 30-60 triệu đồng.