Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tiềm Năng Trồng Rong Nho Biển (Sea Grapes) Ở Việt Nam

Tiềm Năng Trồng Rong Nho Biển (Sea Grapes) Ở Việt Nam
Ngày đăng: 14/01/2014

Rong nho biển hay còn gọi là rong cầu lục bi nhỏ, rong guộc, có tên khoa học Caulerpa lentillifera, thuộc Bộ rong cầu lục Caulerpales, Ngành rong lục Chlorophyta, phân bố ở vùng biển ấm Thái Bình Dương như Philippines, Java, Micronesia, Bikini,…

Rong nho mọc trên nền đáy là bùn cát, cát bùn ở những vũng, vịnh kín sóng, nước trong. Tại Việt Nam, rong nho được tìm thấy ở mũi Chim Chim thuộc Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (2005), đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận (2006). Tuy nhiên kích thước của rong nho lại rất nhỏ, bằng 1/3 - 1/4 so với rong nho đang trồng hiện nay. Rong nho biển hiện đang trồng tại Việt Nam có nguồn gốc từ Philippines, sau được du nhập vào Nhật Bản.

Năm 2004, loài rong này được một kỹ sư địa chất Việt Nam tiếp nhận từ chuyên gia người Nhật để nghiên cứu, thử nghiệm cải tiến phương pháp trồng và nhân giống thành công tại xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa, cho ra đời một sản phẩm rong nho có chất lượng cao hơn Nhật Bản. Năm 2006, Viện Hải dương học Nha Trang triển khai đề tài khoa học trồng thử nghiệm đối tượng này bằng phương pháp sinh sản sinh dưỡng trong bể composit cho kết quả khá.

Rong nho là loài hẹp muối, độ mặn thấp dưới 25‰, rong nho ngừng phát triển và có biểu hiện chống chịu và nếu dưới 20‰, chúng sẽ chết, tốt nhất là trong điều kiện nước biển bình thường (33 – 34‰). Rong nho không chịu lạnh, khi nhiệt độ hạ thấp đến 20 độ C, chúng tăng trưởng chậm hoặc ngừng tăng trưởng, nhiệt độ thích hợp nhất cho sự tăng trưởng của rong nho trong khoảng 28-30 độ C.

Ngưỡng ánh sáng của rong nho cũng khá hẹp, cường độ ánh sáng thích hợp trong khoảng 10.000-20.000 lux. Tốc độ tăng trưởng khi trồng trong tự nhiên có thể đạt từ 2,5 - 3,19%/ngày. Sau 60 ngày trồng, rong nho tăng trưởng gấp 10-15 lần so với khối lượng ban đầu.

Ngoài đặc điểm mềm, giòn và ngon nên rất được ưa chuộng, sử dụng như một loại rau xanh có giá trị do có hàm lượng khá cao các vitamin A, C, các nguyên tố vi lượng và các axit béo không no rất cần thiết cho cơ thể con người, rong nho cũng là thực phẩm an toàn do có mức rất thấp hoặc không có các vi sinh vật gây bệnh đường ruột. Rong nho là nguồn cung cấp Iod, Ca, Fe và Vitamin A, C cho cơ thể con người.

Giá cả của chúng tại thị trường Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh từ 120.000 - 150.000 đồng/kg rong tươi, tại Nhật Bản trên dưới 60 USD/kg, còn ở Philippines và Việt Nam nhập vào Nhật khoảng 10 - 15 USD/kg.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người và sự khan hiếm của rong nho tự nhiên, hiện nay một số quốc gia như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Thái Lan,... đã nuôi trồng loài rong này với các hình thức trồng đáy, trồng trong lồng, trồng trong khay đất, căng trên dây trồng trong khung lưới hoặc khung nhựa có thiết kế các lỗ trống tại các ao đầm hoặc trên biển, nuôi trong các hồ bể có mái che,... Thời gian sau 1,5 - 2 tháng trồng có thể thu hoạch được.

Sau thời gian trồng chừng 2 tháng, phần thân lá rong nho được cắt rời ra có kích thước dài 5 – 10 cm, cho vào bể nước mặn sục khí lọc sạch chất bẩn. Sau đó, cho vào máy quay ly tâm làm ráo nước và chọn những cọng (chùm quả) đạt chất lượng để đóng gói. Số lượng nhiều và đều của các quả nho (ramuli) xác định giá trị của sản phẩm.

Rong nho thành phẩm có 2 loại là rong tươi (thời gian sử dụng từ 5 - 6 ngày) và rong muối (thời gian sử dụng từ 2 - 3 tháng). Rong tươi sau khi làm sạch cho vào nước muối bão hòa vài giờ, rong bị mất nước 60% (2,5 kg rong tươi còn lại 1 kg) và khi dùng chỉ cần ngâm qua nước ngọt 15 phút rong hút nước và nở ra như trạng thái ban đầu.

Vượt qua khí hậu nắng nhiều, mưa ít, đầy gió quanh năm, rong nho biển đã dần thích nghi và bước đầu cho ra sản phẩm rong nho tươi tại Ninh Thuận. Năm 2012, Ninh Thuận tiến hành thử nghiệm trồng rong nho. Năm 2013, Ninh Thuận đã mở rộng diện tích 10 ha với 3 hộ trồng tập trung ven đầm Nại ở huyện Ninh Hải, trong ao chứa nước mặn sản xuất muối, ao nuôi thủy sản bỏ hoang, mỗi tháng sản xuất khoảng 5 - 7 tấn rong nho thương phẩm.

Rong nho có tiềm năng phát triển nuôi trồng ở nước ta, góp phần làm đa dạng sản phẩm rong biển trong nuôi trồng. Ngoài ra về khía cạnh môi trường, do rong có khả năng hấp thụ dinh dưỡng rất nhanh nên có thể được sử dụng trong các mô hình nuôi thủy sản bền vững, nâng cao chất lượng môi trường, gia tăng thu nhập cho cộng đồng.

Có thể triển khai các kiểu mô hình nuôi thích hợp tùy tình hình ở các địa phương. Các diện tích nuôi tôm bỏ hoang ở vùng thấp triều là tiềm năng rất lớn cho việc phát triển nuôi rong nho. Các đảo xa bờ và ven bờ hoàn toàn có thể nuôi loài rong này để giảm bớt nhu cầu rau xanh phải vận chuyển từ đất liền.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng đề án trồng rong nho làm rau tươi cho Bộ đội Hải quân ở các đảo Trường Sa. Rong nho cũng đã xuất hiện trong thực đơn ở một số nhà hàng sang trọng tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phan Rang-Tháp Chàm,... và trong nay mai sẽ trở thành loại thực phẩm phố biển trong các bữa ăn của người Việt.

Với giá trị kinh tế cao, khả năng thuần hóa phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam và khả năng đa dạng về hình thức nuôi, cây rong nho trong tương lai có xu hướng phát triển thành đối tượng nuôi mới, tham gia vào thị trường rong biển thế giới, mang lại giá trị xuất khẩu cao cho đất nước và cho cả tỉnh Ninh Thuận.


Có thể bạn quan tâm

Chi Cục Thủy Sản Hỗ Trợ Mỹ Lộc Phát Triển Mô Hình Nuôi Lươn Đồng Ở Vĩnh Long Chi Cục Thủy Sản Hỗ Trợ Mỹ Lộc Phát Triển Mô Hình Nuôi Lươn Đồng Ở Vĩnh Long

Trong khuôn khổ dự án “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo giai đoạn 2011 – 2013” thực hiện năm 2013, Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng phương pháp sinh sản bán nhân tạo và kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình - Vĩnh Long) với 40 hộ nông dân trong vùng triển khai dự án tham gia.

24/05/2013
Vụ Tôm Sú Nuôi 2013 Còn Nhiều Khó Khăn: Người Nuôi Tôm Tiếp Tục “Lao Đao” Ở Trà Vinh Vụ Tôm Sú Nuôi 2013 Còn Nhiều Khó Khăn: Người Nuôi Tôm Tiếp Tục “Lao Đao” Ở Trà Vinh

Trà Vinh là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn ở ĐBSCL. Từ thế mạnh này, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, 02 năm gần đây, tình hình tôm nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng ngay từ đầu vụ khiến cho một số hộ nuôi tôm phải “lâm nợ”. Mặc dù hiện nay lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo sát sao và có chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm bị thiệt hại, nhưng với tình hình thời tiết không thuận lợi, giá nhiên liệu tăng, người nuôi tôm thiếu vốn, việc đầu tư vụ nuôi mới càng khó khăn hơn.

24/05/2013
Vụ Lúa Hè Thu 2013 Tiếp Tục Khảo Nghiệm 20 Giống Lúa Chịu Mặn Ở Phú Yên Vụ Lúa Hè Thu 2013 Tiếp Tục Khảo Nghiệm 20 Giống Lúa Chịu Mặn Ở Phú Yên

Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, vụ hè thu 2013, chi cục phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây tiến hành gieo sạ khảo nghiệm 20 giống lúa chịu mặn trên diện tích 1.000m2 tại xã An Ninh Tây (Tuy An). Bộ giống do Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế tuyển chọn từ Viện lúa Quốc tế (RIRI) chuyển giao.

24/05/2013
Nuôi Cua Biển Nuôi Cua Biển

Nông dân vùng mặn ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đang đẩy mạnh nuôi tôm sú - cua kết hợp, nuôi cua trên ruộng muối cho thu nhập khá cao.

25/05/2013
Nâng Cao Đời Sống Nhờ Mô Hình Chuyển Đổi Nâng Cao Đời Sống Nhờ Mô Hình Chuyển Đổi

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

25/05/2013