Thuyền Về Mỹ Á Cá Đầy Khoang

Những ngày qua, bến cá Mỹ Á, xã Phổ Quang (Đức Phổ - Quảng Ngãi) nhộn nhịp kẻ bán – người mua. Ngư dân rất phấn khởi vì trúng đậm hải sản sau mỗi chuyến đánh bắt.
Sau 6 ngày đánh bắt trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, tàu cá QNg – 98888 TS của anh Ngô Thanh Phong ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang thu được 5,1 tấn cá thu và cá ngừ. Anh cùng với bạn chài vội đưa tàu cá về cảng Mỹ Á bán cá với giá 27.000 – 90.000 đồng/kg, tùy theo từng loại cá.
Sau khi trừ chi phí, anh thu được hơn 36 triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia 6,5 triệu đồng. “Đây là chuyến biển đánh bắt được nhiều cá và thu nhập cao nhất trong năm. Ngư dân ai nấy đều phấn khởi vì có tiền mua sắm quần áo mới cho con và các thứ để đón tết” – anh Phong hồ hởi cho biết.
Không chỉ riêng tàu của anh Phong mà nhiều tàu cá hành nghề lưới cản xa bờ cũng trúng đậm cá nục và cá thu với sản lượng 5 - 6 tấn cá. Mỗi chủ tàu thu nhập hàng chục triệu đồng, ngư dân đi bạn được chia 6 – 7 triệu đồng sau 5 – 6 ngày đánh bắt trên biển. Với những tàu cá hành nghề lưới trũ gần bờ cũng trúng đậm cá cơm than. Sau vài giờ đánh bắt, tàu cá QNg – 98530 TS của ngư dân Nguyễn Xếch thu được hơn 2 tấn cá.
Với giá bán 17.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 16 triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia hơn 1,5 triệu đồng. “Năm nay cá cơm nhiều hơn các năm trước nên sau khi vào bến bán cá thì tụi tôi lại xuất bến ngay để kiếm tiền mua sắm Tết” – ông Xênh nói.
Đêm 9.1, tàu cá QNg – 44824 TS của ngư dân Nguyễn Mai ở thôn Hải Tân trúng mẻ cá khá lớn nên rách lưới. May mắn là anh Nguyễn Dương cùng với bạn chài đang đánh bắt gần đó đưa tàu đến phụ giúp kịp thời, nhưng chỉ thu được gần 3 tấn cá. “Do rách lưới nên thoát gần 1 tấn cá, mất đứt 14 – 16 triệu đồng. Nếu tôi và thuyền viên không đến kịp thì lượng cá thu được chẳng đáng là bao” - anh Dương cho biết.
Riêng với tàu cá QNg 46841 TS của anh Dương, sau khi thu được khoảng 1 tấn cá thì anh vội quay vào bến bán cho thương lái rồi tiếp tục ra biển đánh bắt nên sản lượng đạt khá cao. Nhiều bữa, anh cùng với bạn chài xuất bến 4 – 5 lượt, thu được trên 4 tấn cá với mức lãi trên 20 triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia 4 triệu đồng. “Thường vào dịp giáp Tết là thời điểm ngư dân gần bờ đánh bắt đạt sản lượng cao nhất trong năm. Nhờ khoản thu nhập khá nên ai cũng phấn khởi, ráng sức làm việc quên cả ăn uống” – anh Dương nói.
Theo nhiều ngư dân địa phương, năm nay lượng cá cơm nhiều hơn mọi năm nên hầu hết các tàu cá hành nghề lưới trũ gần bờ trúng đậm. Sau khi trúng cá, ngư dân vội đưa tàu vào bến để bán cá tươi với giá 15.000 – 17.000 đồng/kg. Cá cơm được thương lái thu mua để hấp rồi phơi khô hoặc ướp đá chuyển đến tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Những ngày này, làng chài Hải Tân nằm cạnh cửa biển Mỹ Á sôi động với tiếng nói cười, tất bật chuẩn bị đón Tết. Xuân như đến sớm với những chiếc tàu cá hối hả vào ra.
Có thể bạn quan tâm

Giá cả không ổn định, diện tích sản xuất bị thu hẹp khiến nhiều diêm dân ở các làng muối Tam Hòa, Tam Hiệp (Núi Thành) lo lắng.

Đến thời điểm này, huyện Núi Thành có 7 chiếc tàu câu mực khơi đạt doanh thu từ 2 tỷ đồng trở lên/chuyến biển. Tại xã Tam Giang đã có 6 chiếc tàu câu mực khơi cập bến sau hơn 60 ngày đêm bám biển; trong đó có 4 tàu của ông Lương Văn Tới, Phạm Ngọc (thôn Đông Mỹ);

Với khả năng kháng bệnh cao, đầu tư kinh phí ít, những năm qua nghề nuôi dê đã đem lại nguồn thu nhập cho người dân nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là đối với các xã vùng núi. Đặc biệt, thời gian qua xã Triệu Nguyên (huyện Đakrông, Quảng Trị) đã nhân rộng mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Nông dân Võ Thành Lập (ảnh), ngụ ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân được xem là người đầu tiên trồng cây măng cụt trên vùng đất Long Khánh. Từ 20 cây măng cụt đầu tiên ông mang từ tỉnh Sông Bé cũ về trồng vào năm 1973, đến nay khu vườn rộng 2hécta của ông đã có trên 600 cây măng cụt lớn nhỏ khác nhau.

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là yêu cầu không thể thiếu để ngành nông nghiệp có thể cạnh tranh khi bước vào sân chơi chung. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như: Nghị định 68 ưu đãi vốn cho doanh nghiệp, nông dân mua máy móc, thiết bị từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến nông sản; Nghị định 210 ưu đãi cho dự án ứng dụng công nghệ cao…