Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thủy Sản Lạng Sơn Đã Qua Những Trầm Lắng

Thủy Sản Lạng Sơn Đã Qua Những Trầm Lắng
Ngày đăng: 07/04/2014

Song hành với các chính sách hỗ trợ, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động bổ sung nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Từ thả cá hữu nghị với Trung Quốc trên sông Kỳ Cùng, đến thả cá bổ sung cho hồ thủy lợi.

Từ nuôi cá quảng canh, thông qua các hoạt động khuyến ngư đã xuất hiện những mô hình làm giàu từ nuôi trồng thủy sản. Những hoạt động khai thác, đánh bắt tận diệt đã dần chấm dứt... Thủy sản Lạng Sơn đang dần hồi phục sau những trầm lắng kéo dài đằng đẵng hơn 20 năm qua.

Năm vừa rồi gia đình ông Mông Xỉ Chao, thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc thu hoạch được tới hơn 1,5 tấn cá. Cá to nên chưa mang ra chợ huyện đã hết veo. Giá cả cũng khá, từ 80.000-100.000 đồng/kg. Tính ra đầu tư cả vụ cá hết khoảng 30 triệu đồng, nhưng khi thu hoạch, thu nhập tới cả trăm triệu đồng.

Lão nông Mông Xỉ Chao cười tươi rói: mấy năm trước được Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện đưa đi tham quan một số mô hình sản xuất, gia đình mình tâm đắc nhất với các mô hình nuôi trồng thủy sản.

Rồi thì tìm hiểu thêm qua sách báo, được tập huấn về thủy sản, gia đình ông Chao quyết định đầu tư vào mô hình, rồi mô hình cứ lớn dần và qua vụ thu hoạch vừa qua, toàn bộ vốn lẫn lời ông dồn tất để kè ao, mở rộng diện tích nuôi cá đến 1,5ha. Vậy là mô hình nuôi cá thương phẩm với quy mô lớn bắt đầu hình thành.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản giờ chẳng phải là hiếm. Từ những mô hình nuôi cá truyền thống như trắm, chép, mè, trôi... đến những mô hình nuôi cá “lạ” như cá tầm, cá hồi, rồi thì cả tôm càng xanh. Phương thức chăn nuôi cũng chuyển rõ rệt từ quảng canh sang nuôi trồng với quy mô lớn, có đầu tư bài bản và hướng an toàn dịch bệnh.

Không phải riêng Trung tâm Thủy sản mà vừa qua ngay cả Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vào cuộc xây dựng, hướng dẫn nhà nông triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn. Trong tổng số hơn 8.000ha mặt nước, trong đó trên 1.300ha có thể nuôi trồng đã cơ bản được tận dụng.

Từ thoái trào trong những thập niên cuối của thế kỷ trước, giờ đây Lạng Sơn đã sản xuất được gần 20 triệu cá giống mỗi năm. Từ đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng, sản lượng đạt hơn 1.300 tấn/năm.

Ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thủy sản, trước đây vốn là công nhân đội sản xuất thủy sản kể: giai đoạn 1960-1985, thủy sản Lạng Sơn được coi là mạnh nhất, nhì trong khu vực miền núi phía Bắc.

Công ty Thủy sản Lạng Sơn có trên 200 cán bộ, nhân viên hoạt động trong 11 trại cá giống, phạm vi phủ rộng khắp các huyện trong tỉnh. Thế nhưng sau quãng thời gian đó, do chuyển đổi cơ chế, những biến động đã khiến cho các trại cá tan rã, thủy sản Lạng Sơn bước vào thời kỳ thoái trào. Quãng trầm lắng ấy kéo dài đằng đẵng tới hơn 20 năm.

Đầu những năm 2000, thủy sản đã nhận được nhiều sự quan tâm thích đáng. Bước ngoặt trong năm 2005 là việc tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Thủy sản, những hoạt động sản xuất, khai thác dần được khôi phục.

Trước đó 1 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 43 về phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2004-2010, khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc khôi phục và phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau đó là hàng loạt các chính sách ra đời như chính sách trợ cước vận chuyển, trợ giá giống thủy sản. Trong vòng 3 năm triển khai, đã có hơn 3.500 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách, trên 4 triệu cá giống đến tay nhà nông.

Một mặt củng cố, mở rộng nuôi cá thương phẩm, mặt khác Lạng Sơn chú trọng bổ sung nguồn lợi thủy sản trong các hồ chứa thủy lợi và môi trường tự nhiên trên sông. Năm 2012, dự án thả cá xuống hồ thủy lợi giai đoạn 2012-2014 được phê duyệt, triển khai trên diện tích 481ha hồ chứa với tổng số hơn 4 triệu cá giống.

Ngoài ra, lồng ghép giữa các hoạt động hữu nghị Việt – Trung, hoạt động thả cá giống xuống sông Kỳ Cùng tại các khu vực chảy qua 2 nước cũng được tiến hành thường xuyên. Cũng từ cuối năm 2013, UBND tỉnh đã quyết định cấp kinh phí cho Trung tâm Thủy sản đầu tư đàn cá bố, mẹ để chủ động giống từ khâu đầu tiên, giảm bớt chi phí và nâng cao chất lượng giống.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lê Thị Thanh Nhàn khẳng định: hiện nay thủy sản được coi là một trong những ngành quan trọng có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của sản xuất nông nghiệp.

Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân đã đưa thủy sản Lạng Sơn thoát ra khỏi những trầm lắng trước đây, dần phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Gần 100% diện tích mía được bao tiêu Gần 100% diện tích mía được bao tiêu

Tính đến đầu tháng 8, các DN, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã ký hợp đồng bao tiêu gần 100% diện tích mía trong dân, với giá tương đương so với năm 2014.

13/08/2015
Sản xuất vụ mùa 2015 cần bố trí thời vụ hợp lý Sản xuất vụ mùa 2015 cần bố trí thời vụ hợp lý

Bước vào vụ mùa 2015, toàn tỉnh gieo trồng 58.230 ha, trong đó cây lương thực 44.650 ha, chủ yếu là lúa với 40.000 ha. Trong điều kiện khó khăn về thời tiết, tình hình sâu bệnh…việc chỉ đạo sản xuất đạt hiệu quả đang được ngành nông nghiệp tỉnh tập trung quyết liệt…

13/08/2015
Vụ chất tạo nạc công ty nào cũng thừa nhận... thiếu sót Vụ chất tạo nạc công ty nào cũng thừa nhận... thiếu sót

Ngày 12-8, thanh tra của Bộ NN&PTNT phối hợp với sở ngành tại Đồng Nai làm việc với Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Anco và Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.

13/08/2015
Cà phê Việt Nam mất mùa, xuất khẩu sụt giảm mạnh Cà phê Việt Nam mất mùa, xuất khẩu sụt giảm mạnh

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan, dự kiến 7 tháng đầu năm 2015 lượng cà phê xuất khẩu chỉ đạt 788.000 tấn với kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD, giảm 30,5% về lượng và giảm 27% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

13/08/2015
Nhật sẽ mở cửa cho xoài, thanh long và vải tươi của Việt Nam? Nhật sẽ mở cửa cho xoài, thanh long và vải tươi của Việt Nam?

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề nghị phía Nhật Bản sớm cho phép xuất khẩu xoài Việt Nam sang Nhật Bản vào tháng 9 tới nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời xem xét xúc tiến mở cửa thị trường đối với thanh long ruột đỏ và vải tươi của Việt Nam…

13/08/2015