Thủy sản được mùa

Ông Trần Quang Việt (ngư dân xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang) cho biết: “Năm nay, ngư dân trúng đậm cá hố, bình quân mỗi ghe đánh bắt được khoảng 15 tấn.
Với giá bán khoảng 23.000 - 25.000 đồng/kg như hiện nay, gư dân có lãi khá cao”.
Theo ông Việt, mùa đánh bắt cá hố hàng năm thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng Chạp âm lịch, trong đó, tháng 7 và tháng 8 âm lịch là mùa cao điểm.
Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá hố khoảng 10 ngày, chi phí cho chuyến đi khoảng 150 triệu đồng.
Nhanh tay đưa nhu yếu phẩm lên tàu để chuẩn bị ra khơi khai thác, ông Nguyễn Thanh Lục (Vĩnh Lương) chia sẻ: “Vừa rồi, sau 12 ngày ra khơi, tàu chúng tôi đã khai thác được 11 tấn cá hố.
Sau khi trừ chi phí, chúng tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Chuyến trước đó, chúng tôi cũng khai thác được sản lượng cá tương đương”.
Những ngày cuối tháng 9, các tàu câu cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh cũng mang theo niềm vui trở về.
Ông Lê Tấn Hiệp (Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP.
Nha Trang) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tàu tôi đi được 4 chuyến biển.
Nhờ gặp trúng luồng cá ngừ đại dương nên cả 4 chuyến đều đạt sản lượng cao so với năm ngoái và có lãi khá.
Trung bình mỗi chuyến được 35 - 40 con, tính ra sản lượng đạt trên dưới 2 tấn/chuyến; mỗi bạn thuyền được chia 8 - 9 triệu đồng/chuyến.
Hiện nay đang vào cuối vụ khai thác cá ngừ đại dương nên tàu vào bờ bán cá xong là chuẩn bị nhu yếu phẩm để tiếp tục vươn khơi”.
Cũng chuẩn bị trở lại ngư trường, ông Hoàng Văn Toàn (phường Vĩnh Phước, TP.Nha Trang) cho hay: “Năm trước, nhiều tàu phải nằm bờ do thua lỗ nặng.
Năm nay, 10 tàu ra khơi khai thác thì có đến 7 - 8 tàu đạt sản lượng từ 25 đến 30 con.
Với sản lượng khai thác đạt khá cao, chủ tàu có lãi, bạn câu được chia tiền nhiều nên không lo thiếu lao động đi biển”.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban quản lý Cảng Hòn Rớ, thời gian gần đây, không chỉ tàu câu cá ngừ đại dương mà các tàu khai thác cá ngừ sọc dưa cũng trúng mùa.
Từ đầu năm đến nay, Cảng Hòn Rớ đã đón hơn 9.700 lượt tàu thuyền cập cảng, mang theo hơn 15.208 tấn thủy sản các loại, trong đó chủ yếu là cá ngừ đại dương và cá ngừ sọc dưa, đạt 89% kế hoạch năm 2015.
“Không chỉ khai thác đạt sản lượng cao, niềm vui của ngư dân còn được nhân lên khi giá cá ngừ đại dương đang đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Hiện giá cá thương lái thu mua tại cảng khoảng 110.000 đồng/kg (trước đây chỉ khoảng 90.000 đồng/kg).
Trong khi đó, giá xăng dầu gần đây giảm nên đa số tàu thuyền ra khơi đều có lãi khá”.
Thủy sản được mùa cũng giúp các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh bớt lo lắng về nguyên liệu.
Theo đại diện Công ty TNHH Hải sản Bền Vững (Khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm), hiện nay, công ty đang tích cực thu mua thủy sản nguyên liệu, nhất là cá ngừ đại dương để phục vụ cho kế hoạch phát triển thị trường mới như: Canada, Chile, Mexico...
Chỉ tính riêng tại Cảng Hòn Rớ, doanh nghiệp này đã thu mua hàng trăm tấn cá ngừ đại dương nguyên liệu, cơ bản đáp ứng cho hoạt động chế biến xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 9-2015, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, giá các loại thủy sản ổn định ở mức khá cao, cùng với việc tiếp tục giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ nên đã khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển.
Nhờ thế, sản lượng thủy sản khai thác được từ đầu năm đến nay hơn 76.300 tấn, đạt hơn 84% kế hoạch, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khai thác cá ngừ đại dương đạt hơn 3.519 tấn.
Có thể bạn quan tâm

Để đạt được mức tăng trưởng như trên thì chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng hơn 45% lên 758 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bán hàng đạt 629 tỷ đồng, tăng 40%.

Hiện mặt hàng cá tra đã xuất khẩu sang 150 quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ và EU chiếm gần 40%), giá trị xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD/năm, trong đó tỷ trọng xuất khẩu cá tra phi lê chiếm khoảng 90%.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, năm 2013, cả nước có gần 320 triệu con gia cầm, trong đó vùng có đàn gia cầm lớn nhất là ĐBSH với hơn 85 triệu con; tiếp đến là ĐBSCL 58,7 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm hiện nay chủ yếu theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và định hướng thị trường.

Mắc ca là loại cây công nghiệp mới bắt đầu phát triển vào giữa thế kỷ 20 tại Úc, Mỹ, sau đó mở rộng ra một số nước khác như Nam Phi, Guatemala, Nigeria, diện tích trồng trọt đến nay trên toàn thế giới mới đạt 80.000 ha (2014).

Cũng từ đây các cán bộ di truyền giống đã lai tạo chọn lọc thành công một giống lúa cao sản ngắn ngày, trồng được ba vụ trong năm trong tất cả các vùng sinh thái đồng bằng: hạt rất dài (> 7,5 mm), chất lượng cơm không thua kém các giống lúa mùa địa phương quang cảm ở thượng nguồn Mekong (Thái Lan, Campuchia).