Thủy Lợi Nuôi Tôm

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khi đến thăm vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL ở tỉnh Sóc Trăng, hỏi “Người nuôi tôm cần gì ở Chính phủ?”. Tất cả những người nuôi tôm đều trả lời “thủy lợi”. Ông Nguyễn Hữu Chí, Phó chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nói cụ thể hơn, hệ thống thủy lợi quá khứ để lại chỉ phục vụ trồng lúa, chưa phục vụ nuôi tôm.
Thiếu hệ thống thủy lợi chuyên biệt phục vụ nuôi tôm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho vụ tôm đầu năm nay. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, có đến 78% diện tích tôm sú và 62,7% diện tích tôm thẻ chân trắng ở tỉnh này bị dịch hại. Huyện Trần Đề, nơi phát triển nuôi tôm công nghiệp mạnh mẽ, vụ nuôi năm nay mới thả giống được 2.548 ha công nghiệp thì bị dịch bệnh 1.507 ha (53%), nuôi quảng canh thả giống 1.102 ha bị thiệt hại 1.001 ha (91%). Ở đây Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh tập trung nhiều người nuôi công nghiệp diện tích lớn, nổi tiếng nhiều năm với nuôi kỹ thuật cao và luôn thắng lợi, năm nay cũng không chống đỡ nổi dịch bệnh, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Bởi khi hệ thống thủy lợi chung đường nước vô ra, chỉ một ao bị dịch bệnh dễ lây lan ra diện tích lớn.
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, cho rằng, phần lớn vốn cho thủy lợi chỉ tập trung vào xây dựng công trình mới, chưa chú trọng đến nâng cấp, đồng bộ hóa hệ thống. Điều này cũng thấy rõ ở vùng nuôi tôm công nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Huyện Trần Đề, Vĩnh Châu, hệ thống thủy lợi đã bị bồi lắng, xuống cấp, lại thiếu cống kiểm soát nguồn nước. Dự án khôi phục và nâng cấp đê cửa sông tả hữu huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, chiều dài 81,4 km, tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, đến nay vẫn dang dở 2 km đê, 8 cống, 25 bộng, 24 cầu giao thông và 34 km đường. Những khi triều cường, nước biển tràn vào gây thiệt hại lớn cho nuôi trồng thủy sản.
Lại còn rất nhiều dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản đang thiếu vốn, chưa thể triển khai. Dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ven biển tỉnh Sóc Trăng cần vốn 280 tỷ đồng, tất cả đã hoàn tất chỉ còn thiếu tiền để thực hiện. Giám đốc Sở NN%PTNT tỉnh Sóc Trăng Quách Văn Nam nói, hệ thống thủy lợi phải hoàn chỉnh để điều tiết nguồn nước mới đảm bảo nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế.
Cuối cùng lại là vấn đề đầu tư cho nông nghiệp. Rõ ràng, chỉ trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước, không đáp ứng được nhu cầu về hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm. Theo tiến sỹ Đặng Kim Sơn, cần phải tiếp tục đổi mới hàng loạt chính sách về đất đai, thương mại, tín dụng để các doanh nghiệp yên tâm đổ tiền đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm.
Có thể bạn quan tâm

Ở vụ lúa ĐX vừa qua Cty TNHH - TM Gạo Hoa Lúa (TP.HCM) đã chính thức ra mắt khách hàng hai sản phẩm gạo được sản xuất đúng tiêu chuẩn chất lượng cao GlobalGAP.

Cá tra một thời tạo nên sức tăng trưởng ngoạn mục cho ĐBSCL. Tuy nhiên, trong 5 năm qua hoạt động sản xuất (SX) và tiêu thụ cá tra vẫn chưa thoát được cảnh thăng trầm.

Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng; chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay Ngân hàng Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chi Chương trình 135…

Đây là hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế thường niên lớn nhất khu vực Tây nam Trung Quốc nhằm tạo điều kiện cho DN các nước trong khu vực có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận thị trường lớn tại Trung Quốc, qua đó thúc đẩy giao lưu, hợp tác trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Trong hệ thống Dự án thủy lợi Cầu Sập, những hộ dân có đất canh tác nằm ngoài tuyến đê ven sông Hàm Luông là vùng quy hoạch nuôi tôm biển, còn phần bên trong tuyến đê là vùng không quy hoạch nuôi.