Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thương Lái Trung Quốc Tranh Mua Tôm Nguyên Liệu

Thương Lái Trung Quốc Tranh Mua Tôm Nguyên Liệu
Ngày đăng: 16/12/2013

Tôm trong nước đang có giá cao do thương lái Trung Quốc tranh mua đẩy giá lên. Điều này khiến doanh nghiệp “kêu trời” vì tranh mua không nổi khiến thiếu nguồn tôm xuất khẩu.

Không ngăn được...

Giá tôm nguyên liệu đang ở mức cao ngất ngưởng 290.000 - 300.000 đồng/kg tôm sú loại 20 con/kg, loại 40 con/kg cũng ở mức 210.000 đồng/kg, tăng 10 - 15% so với tháng 11. Với mức giá này, lợi nhuận của người nuôi đã tăng từ 30 - 40 triệu đồng lên 50 - 60 triệu đồng/ha/vụ. Giá tôm tăng mạnh do nhu cầu tăng cao từ doanh nghiệp trong nước lẫn thương lái Trung Quốc qua tranh mua.

Anh Quách Sìu ở xã Trần Phát, huyện Đầm Dơi, Cà Mau cho biết mấy ngày nay thương lái Trung Quốc vào tận nhà anh lùng sục mua tôm. Mặc dù anh nói rằng đã ký hợp đồng cung ứng cho Công ty CP nhưng họ cứ kỳ kèo, lôi kéo, chấp nhận mua giá cao hơn 10%, thậm chí 15%.

Ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) cho biết tình trạng thương lái thu mua tôm nguyện liệu bất kể cỡ tôm và chất lượng để đưa sang Trung Quốc khiến doanh nghiệp trong nước thiếu nguồn nguyên liệu chế biến, mặc dù năm nay sản lượng tôm nuôi có tăng lên. “Chúng tôi cũng chấp nhận đẩy giá thu mua cao lên, nhưng cỡ nào cũng không tranh mua lại được vì giá họ luôn cao hơn 10 - 15% và mua bất kể size, chất lượng” - ông Kịch than.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tôm tăng giá mang lại lợi nhuận cho người nuôi nhưng lại đang làm loạn thị trường tôm nguyên liệu trong nước. Bởi với sự tranh mua dễ dãi của thương lái Trung Quốc khiến nhiều người dân bỏ lúa chuyển sang nuôi tôm ồ ạt. Nhiều hộ nghèo cũng vay tiền ngân hàng cả trăm triệu đồng để đào hồ nuôi tôm.

Bộ NNPTNT đã lên tiếng cảnh báo các địa phương nếu không có sự kiểm soát chặt sự tăng trưởng một cách bộc phát cũng như chất lượng tôm của các hộ nuôi mới, sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín tôm xuất khẩu và dễ xảy ra tình trạng dịch bệnh như năm ngoái.

“Thuận nước đẩy thuyền”

Đứng ở góc độ khác, nhiều chuyên gia lại cho rằng, không chỉ tôm mà nhiều loại thủy hải sản khác cũng đang được thương lái Trung Quốc đẩy mạnh thu mua. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc đang là thị trường có tốc độ tăng nhập khẩu thủy sản mạnh nhất từ Việt Nam, liên tục tăng với tỷ lệ 2 con số trong 2 - 3 năm gần đây.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết, năm nay, trung bình mỗi tháng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 45 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ, riêng mặt hàng tôm đã đạt tới gần 28 triệu USD/tháng, chiếm tới 68% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Trong quý III vừa rồi, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt giá trị gần 160 triệu USD, tăng tới 40% so với quý III/2012, trong đó giá trị xuất khẩu tôm là 109 triệu USD. Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, và dự kiến trong năm nay, giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 500 triệu USD.

“Đây là thống kê từ những lô hàng xuất khẩu có khai báo. Nếu tính cả những lô hàng xuất khẩu tiểu ngạch và không khai báo thì con số chắc chắn cao hơn nhiều. Điều đó chứng tỏ thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu thực sự đối với các loại thủy sản nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng tăng cao” - ông Hòe nhận định.

Chính vì thế, chúng ta không thể phủ nhận việc xuất khẩu tiểu ngạch hay hy vọng sẽ kiểm soát được việc thương lái gom hàng bán qua Trung Quốc, mà phải chuyển hướng phát triển tốt cả đường xuất khẩu chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

“Chúng ta phải rà soát, đánh giá lại thật kỹ nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường Trung Quốc. Từ đó đưa ra những dự báo chính xác cho các địa phương có kế hoạch nuôi trồng phù hợp với số lượng lớn. Nó cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp có những tính toán thích hợp hơn khi đưa thủy sản vào thị trường lớn, đầy tiềm năng này cũng như cân đối các thị trường khác” - ông Hòe phân tích.

Theo VASEP, nếu Việt Nam có thể giải quyết hài hòa, khơi thông, mở rộng đường cho xuất khẩu chính ngạch, kiểm soát tốt xuất khẩu tiểu ngạch thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc hoàn toàn có thể tiến tới con số 1 tỷ USD trong tương lai.


Có thể bạn quan tâm

Nông Đặc Sản Quảng Ninh Na Dai Đông Triều Nông Đặc Sản Quảng Ninh Na Dai Đông Triều

Với lợi thế là vùng đồi núi thấp, phù hợp với việc trồng và phát triển các loại cây ăn quả, trong những năm 1994 - 1995, thực hiện chủ trương của huyện Đông Triều về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nông dân 3 xã Việt Dân, Tân Việt, An Sinh đã quyết định phá bỏ những loại cây kém hiệu quả sang trồng na dai.

26/12/2013
Cá Tra Nguyên Liệu Có Xu Hướng Tăng Giá Cá Tra Nguyên Liệu Có Xu Hướng Tăng Giá

Ông Nguyễn Văn Đời, nông dân nuôi cá tra ở ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, sau thời gian dài nằm ở mức dưới giá thành sản xuất, tuần qua giá cá tra đã tăng thêm 1.000 đồng/kg giúp nông dân nuôi cá vượt qua ngưỡng thua lỗ, bắt đầu có lời.

05/12/2013
Nuôi Gà Lai Đông Tảo Theo Hướng Công Nghiệp Nuôi Gà Lai Đông Tảo Theo Hướng Công Nghiệp

Đối với gà thương phẩm, mỗi năm anh xuất chuồng 1 lứa, sản lượng trên 2 tấn, với giá bán 110.000- 120.000 đồng/kg. Đối với đàn gà đẻ, năng suất đạt trên 400 quả trứng/ngày.

26/12/2013
Vụ Tôm Trúng Mùa, Được Giá Vụ Tôm Trúng Mùa, Được Giá

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổng kết vụ tôm nước lợ năm 2013 các tỉnh thành phía Nam. Trên cơ bản, các chỉ tiêu xuất khẩu đạt và vượt kế hoạch, dự báo về đích ngoạn mục.

05/12/2013
Hiệu Quả Mô Hình 2 Lúa + 1 Bắp Hiệu Quả Mô Hình 2 Lúa + 1 Bắp

Đến xã Đức Phú (Tánh Linh - Bình Thuận) thời điểm này, nhìn ra cánh đồng lúa vừa thu hoạch, dưới những gốc rạ lởm chởm còn sót lại, nông dân đang tất bật xuống giống vụ bắp (ngô) lai đông xuân, người thì thọc lỗ, người thì bỏ hạt. Vài năm gần đây, nhờ luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ bắp nên đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.

26/12/2013