Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thương lái Trung Quốc dạy cách tận diệt giun đất

Thương lái Trung Quốc dạy cách tận diệt giun đất
Ngày đăng: 19/09/2015

Cương (phải) và Gan DeQiang đang “biểu diễn” cách bắt giun tại bản Ka Tăng chiều 16.9

Từ nguồn tin chiều 16.9 xuất hiện 2 người lạ mặt tại khu vực bản Ka Tăng (TT.Lao Bảo, sát Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo), tập trung người dân địa phương (là đồng bào dân tộc) để dạy cách... bắt giun, sáng qua (17.9), PV Thanh Niên đến hiện trường để tìm hiểu sự việc.

Hối lộ bất thành

K., một người dân trú TT.Lao Bảo, kể: “Họ đi 2 người, 1 người nói tiếng Trung, một người nói tiếng Việt, chọn khoảnh đất trong một nhà dân rồi mượn xô lấy nước, cho loại hóa chất gì đó vào khuấy đều rồi đổ xuống đất. Chừng 5 phút thì giun lớn giun nhỏ từ dưới đất chui lên hết”.

Còn ông Năm (bán tạp hóa, người cho mượn xô để trộn hóa chất) kể khi chứng kiến sự việc ông có hỏi: “tìm giun đất để làm gì?” thì cả hai người lạ không trả lời. Tuy vậy, theo ông Năm, trong lúc hướng dẫn cách bắt giun, người nói tiếng Việt có tiết lộ họ đến đây khảo sát trước, nếu thấy giun tốt sẽ “hợp đồng” để dân bản bắt bán cho họ.

Gói hóa chất mà cả 2 mang theo.

“Chưa biết dụng ý của mấy người này là gì nhưng tôi thấy hành tung của họ rất mờ ám. Chưa nói đến việc chúng ta đều biết nếu đất mà không có giun thì sẽ không xốp, trồng cây rất khó lên, dù bón nhiều phân đến mấy”, ông Hồ Văn Còi, Trưởng bản Ka Tăng nói.

Trong lúc PV Thanh Niên đang tìm hiểu vụ việc thì 2 người lạ lại xuất hiện tại Ka Tăng, gợi ý thuê một người dân địa phương dẫn đường đi tìm giun.

PV đã báo tin cho Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Năm phút sau, hai người lạ được lực lượng biên phòng đến mời về đồn làm việc. Khi lực lượng chức năng tiếp cận, cả 2 đã rút tiền hối lộ nhưng bất thành.

Một số gói hóa chất và gậy chích điện Cương và Gan DeQiang mang theo.

Du lịch... mua giun

Tại cơ quan chức năng, 2 người khai là Lê Văn Cương (25 tuổi, trú thôn Chàm Mới, xã Tiên Hưng, H.Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) và Gan DeQiang (40 tuổi, trú Quảng Tây, Trung Quốc, số hộ chiếu: E55182845). Lúc đầu, Cương và Gan DeQiang một mực nói chỉ là dân du lịch nhưng sau đó phải thừa nhận Gan DeQiang thuê Cương dẫn vào TT.Lao Bảo để thu mua giun đất.

Cương đang khuấy hóa chất

Cơ quan chức năng phát hiện tại khách sạn nơi cả 2 đang lưu trú nhiều gói hóa chất và nhiều bộ kích điện (tất cả bao bì đều ghi chữ Trung Quốc).

Gan DeQiang khai hóa chất là để đổ xuống đất còn bộ kích điện dùng để gí xuống đất thông qua một cái gậy cho giun chui lên.

Bước đầu, cả hai đến khảo sát, hướng dẫn cách bắt giun và hứa thu mua lại giun với mức giá 8.000 đồng/kg. Lý do thu mua giun, Gan DeQiang nói “để làm nguyên liệu chế biến một loại thuốc tăng trọng cho gia súc”.

Hóa chất được đổ xuống đất liền sủi bọt và giun bò lên

Thiếu tá Lê Văn Hồng, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cho biết với những thông tin, bằng chứng thu thập được, đồn đang hoàn thiện các thủ tục để xử phạt hành chính Gan DeQiang về hành vi “Người nước ngoài, nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”, phạt Cương về hành vi: “Không hướng dẫn người nước ngoài khai báo tạm trú theo quy định hoặc không thực hiện đúng các quy định khác của cơ quan có thẩm quyền”.

“Chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên và được trên chỉ đạo, ngày mai chúng tôi còn phải giám định trong các gói hóa chất là chất gì để xử phạt liên quan về lĩnh vực môi trường nữa”, thiếu tá Hồng nói và cho biết đến tối 17.9 đơn vị vẫn đang tạm giữ hành chính Cương và Gan DeQiang.

Cũng theo thiếu tá Hồng, đơn vị đã lập hồ sơ 2 người này, đồng thời sẽ gửi văn bản đến Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các đồn biên phòng tuyến biên giới để cảnh giác.

Phá hoại đất đa

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Ngô Xuân Lai, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN-PTNT), cho biết nếu bắt hết giun sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của đất và cây trồng.

Cụ thể, đất có 3 đặc tính: vật lý (độ xốp, tỷ lệ hạt cát và hạt sét, tính co giãn...), hóa học (các thành phần dinh dưỡng như đạm, kali, các chất vi lượng khác...) và sinh học (giun, vi sinh vật...), trong đó đặc tính sinh học quyết định rất lớn đến hai đặc tính còn lại.

“Mất cân đối bất kỳ loài nào trong đất đều gây ảnh hưởng đến chất lượng đất, đặc biệt là độ phì nhiêu và độ xốp của đất.

Giun ăn một số thức ăn có trong đất, thải ra phân, góp phần làm cho đất tơi xốp, cung cấp thêm một phần chất dinh dưỡng cho đất. Đất tơi xốp giúp cây dễ hút được các chất dinh dưỡng, phát triển bình thường.

Thực tế đã chứng minh, đất tốt là đất có nhiều giun và đất có nhiều giun sinh sống sẽ ngày càng phì nhiêu hơn.

Ở nhiều nơi, để cải tạo đất, người ta đã nuôi giun rồi thả vào đất để chúng sinh sôi, phát triển. Vì vậy, bắt hết giun sẽ làm cho đất nghèo đi, đất ngày càng bị chặt lại, cứng lại, ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ cây trồng.

Đây là việc làm gây hại, cần phải ngăn chặn”, ông Lai phân tích. Bùi Trần (ghi)


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Con “Mình Bạc Vây Vàng” Nuôi Con “Mình Bạc Vây Vàng”

Bãi biển Kim Sơn những ngày đầu năm 2015 khá trầm lắng. Vụ tôm năm trước, dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy “làm mưa làm gió” vùng thủy sản. Làm ăn thua lỗ, chủ ao, đầm sợ mầm bệnh vẫn luẩn quẩn trong nước nên chẳng mặn mà đầu tư thả tôm giống.

16/01/2015
Nghệ An Kiểm Soát Con Giống Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Nghệ An Kiểm Soát Con Giống Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Năm 2014, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Nghệ An được đánh giá thắng lợi với tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt: Sản lượng nuôi trồng đạt gần 45.500 tấn, diện tích NTTS đạt trên 23.600 tấn, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 1.950 tỷ đồng. để phát huy tiềm năng lợi thế hơn nữa, ngành xác định cần chú trọng hơn nữa khâu sản xuất, kiểm soát con giống.

16/01/2015
An Giang Kiểm Soát Giá Thức Ăn Chăn Nuôi Để Cạnh Tranh Công Bằng Hơn An Giang Kiểm Soát Giá Thức Ăn Chăn Nuôi Để Cạnh Tranh Công Bằng Hơn

Gia đình ông Nguyễn Thành Tâm (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) có 2 héc-ta ao nuôi cá tra. Bình quân mỗi vụ (thời gian nuôi 6 tháng), ông thu hoạch trên 80 tấn cá. Vậy mà đã hơn 10 năm nay, cuộc sống gia đình ông mỗi ngày một đi xuống, nợ nần chồng chất. Tiền mua thức ăn ở cửa hàng trong xã trên 170 triệu đồng, đến nay vẫn chưa thanh toán được.

16/01/2015
Huyện Vị Thủy (Hậu Giang) Giá Cá Lóc Giảm Mạnh Huyện Vị Thủy (Hậu Giang) Giá Cá Lóc Giảm Mạnh

Nếu như cách đây khoảng 2 tháng, giá cá lóc nuôi ở mức cao khiến người nuôi tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang) phấn khởi thì thời điểm hiện tại giá cá lóc thương phẩm được thu mua tại ao chỉ còn 25.000 - 28.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Còn giá bán tại các chợ từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000 đồng/kg so với trước đó.

16/01/2015
Coi Trọng Đầu Tư Chiều Sâu, Nâng Cao Chất Lượng Và Giá Trị Tôm Giống Bình Thuận Coi Trọng Đầu Tư Chiều Sâu, Nâng Cao Chất Lượng Và Giá Trị Tôm Giống Bình Thuận

Tôm giống Bình Thuận là sản phẩm lợi thế, trong thời gian qua tình hình sản xuất, tiêu thụ tôm giống tiếp tục có những chuyển biến tiến bộ. Sản lượng tôm giống tăng khá nhanh, năm 2013 đạt 17,5 tỷ post, năm 2014 tăng lên 28 tỷ post, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 28%/năm.

16/01/2015