Thương Hiệu Cá Thát Lát Hậu Giang

10 năm qua, kể từ khi Hậu Giang thành lập tỉnh mới, con thát lát cườm cũng nổi lên trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang.
Ngày 16-9-2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ công bố và trao nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ độc quyền cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hậu Giang.
Theo nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ, sản phẩm cá thát lát Hậu Giang phải được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thớ thịt có màu trắng trong tự nhiên, thịt dai, cơ thịt mịn, săn chắc.
Cá có thân hình dài, dẹp hai bên, càng mỏng về phía bụng và có màu trắng xám. Loại cá này có ít xương, thịt dai ngon, được chế biến thành nhiều món ngon, trong đó cá thát lát tẩm gia vị và chả cá thát lát là hai món ăn nổi tiếng được chế biến từ loại cá này.
Ông Lê Hoàng Sương, người từng ở Campuchia vào những năm 1980, cho biết: “Cá thát lát ở Hậu Giang còn gọi là cá thát lát cườm sống nhiều ở biển hồ Campuchia và sông Mê Công. Cá thát lát cườm sống ở Biển Hồ có thể nặng đến 30 - 50 kg/con.
Khi dân đánh cá ở biển Hồ bắt được thát lát cườm to vài chục kg, phải đến hai người khiêng mới nổi”. Do lưng con cá này cườm cong như chữ C và ở phần gần đuôi có nhiều chấm đen, từ 3 - 9 chấm nên người ta gọi là cá thát lát cườm.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Con cá thát lát cườm không phải có nguồn gốc từ Hậu Giang. Cá có nhiều trên sông Mê Công và các sông miền Hậu Giang. Đến năm 1998, ngành nông nghiệp có đề tài nghiên cứu về loại cá này. Sau năm 2001, Hậu Giang cho cá thát lát cườm sinh sản nhân tạo thành công.
Từ năm 2004 đến nay cá phát triển mạnh”. Hiện nay, nông dân Hậu Giang thả nuôi khoảng 20ha cá thát lát cườm, sản lượng khoảng 750 tấn. Từ năm 2005 tỉnh Hậu Giang đã tiến hành các thủ tục đăng ký thương hiệu “Cá thát lát Hậu Giang”. Từ năm 2010 đến nay, mỗi ngày đều có thương lái đến Hậu Giang, thu gom cá thát lát cườm và chuyển về TP Hồ Chí Minh chế biến xuất khẩu.
Tại Vị Thanh có vài cơ sở chế biến cá thát lát cung ứng cho hàng quán và thị trường trong và ngoài tỉnh; trong đó nổi tiếng nhất cá thát lát tẩm gia vị. Bà Nguyễn Thị Hà- còn gọi chị Lệ Hậu Giang, cho biết: “Từ năm 2004, Hậu Giang xuất hiện nhiều thát lát nuôi, còn gọi là thát lát cườm. Từ đó quán chúng tôi bắt đầu chế biến món cá thát lát tẩm gia vị.
Ban đầu bán ở quán, sau đó chế biến cung ứng cho TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh…Mỗi ngày chúng tôi cung ứng cá thát lát tẩm gia vị cho một đại lý ở Cần Thơ và một đại lý TP Hồ Chí Minh khoảng vài trăm kg. Quy trình chế biến cá thát lát tẩm gia vị cũng khá đơn giản.
Con cá mua về, đánh vẩy, mổ bụng lấy hết lòng ra, làm sạch dùng dao bén khứa xéo nhiều làn trên thân để gia vị ướp được thấm đều, sau đó cho vào hộp nhựa, dán kín, cho vào tủ đông lạnh, một tuần sau là cá có thể chiên ăn được.
Một hộp cá thát lát tẩm gia vị đông lạnh, loại 4 con thát lát/kg giá 170.000 - 200.000 đồng”. Với cách chế biến đặc biệt này, thịt thát lát nguyên con khi chiên da ngoài giòn, thịt trong dẻo và dai như chả cá và đặc biệt rất ít xương. Khi ăn, thịt thát lát chiên giòn, xương xếp dễ gỡ… Cá thát lát còn có thể chế biến thành chả cá...
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho rằng: “Để đạt được chứng nhận nhãn hiệu, Sở Khoa học và Công nghệ cũng như các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong tỉnh đã phối hợp và thực hiện hiệu quả. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, chế biến nông sản sẽ tăng tính cạnh tranh, nâng cao giá trị kinh tế và mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân.
Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần nhận rõ sự phát triển bền vững của sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận, thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu; xây dựng cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường, tạo điều kiện cho sản phẩm cá thát lát Hậu Giang không chỉ phát triển ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến các nước khác”.
Có thể bạn quan tâm
Sử dụng vắc-xin để tạo kháng thể giúp cho đàn gia cầm miễn nhiễm với virus cúm H5N1 là việc làm phổ biến được ngành thú y thực hiện hiệu quả trong những năm qua.

Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đến năm 2020, tồng đàn bò sữa của tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng lên 17.800 con, (tăng hơn 10.000 con so với hiện nay). Do đó tỉnh đang xúc tiến các phương pháp tăng số lượng đàn bò sữa, chủ yếu bằng 2 cách là tăng cơ học và sinh học.
Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ khi những vướng mắc, bất cập trong chính sách được giải quyết thì ngành chăn nuôi mới đủ sức đương đầu trước “sóng lớn” khi gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bến Tre vừa tổ chức hội nghị tổng kết dự án áp dụng “3 giảm, 3 tăng” và kỹ thuật SRI, nhằm nâng cao hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa tại xã An Bình Tây, huyện Ba Tri.
Ngày 11/9, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đi thực địa đánh giá bộ giống lúa chịu mặn trồng khảo nghiệm tại các xã An Hòa, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).