Thuế VAT Thức Ăn Chăn Nuôi Về 0% Lợi Đã Thấy Nhưng Chưa Hết Lo

Nếu thuế VAT mặt hàng TACN về 0% sẽ mang lại cho ngành chăn nuôi nói chung và người chăn nuôi nói riêng một tín hiệu lạc quan.
Trước thông tin Thủ tướng đã đồng ý việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp đang chịu thuế giá trị gia trăng (VAT) từ 5% xuống đối tượng không chịu thuế, người chăn nuôi nhiều nơi rất vui vì chắc chắn giá TACN sẽ giảm. Tuy nhiên, sau đó họ cũng phải đối mặt với không ít nỗi lo...
Giá TACN giảm, lợi nhuận sẽ tăng
Trên thực tế, những năm gần đây giá TACN liên tục tăng, có thời điểm tăng tới 30 – 35%, trong khi chi phí cho thức ăn chiếm tới 70% giá thành nên đã kéo theo giá đầu ra sản phẩm tăng cao, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn khiến người chăn nuôi thua lỗ hoặc hòa vốn, còn người tiêu dùng thì kêu trời. Chính vì thế, nếu thuế VAT mặt hàng TACN về 0% sẽ mang lại cho ngành chăn nuôi nói chung và người chăn nuôi nói riêng một tín hiệu lạc quan.
Chúng tôi về “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc là xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), khi được biết giá TACN có thể giảm 5%, người dân ở đây rất phấn khởi. Anh Nguyễn Văn Ba (đội 4) đang nuôi gần 300 con lợn thịt, vui vẻ: “Mỗi tháng gia đình tôi tiêu thụ cả chục tấn cám, chỉ cần giá giảm 3 – 4% thì chi phí chăn nuôi đã giảm rất nhiều.
Năm ngoái, giá TACN tăng tới 20 – 25%, theo đó giá lợn hơi phải đạt 52.000 – 53.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi, trong khi chúng tôi chỉ bán được 47.000 – 48.000 đồng/kg nên bị lỗ tới cả triệu đồng mỗi con. Năm nay, giá TACN giảm nhẹ, giá lợn hơi tăng nên chúng tôi đang lãi 1,2 – 1,5 triệu đồng/con lợn”.
Những năm gần đây, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) nổi tiếng với những “đại gia” trong nghề chăn nuôi gà, chỉ riêng xã Kim Long đã có hàng trăm hộ nuôi gà, lợn quy mô công nghiệp, do đó lượng tiêu thụ TACN rất lớn. Ông Đào Xuân Hải ở thôn Đồng Tâm cho biết, hiện gia đình ông đang nuôi 30.000 gà đẻ trứng và 10.000 gà hậu bị, mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn thức ăn.
Theo ông Hải: “Với 30.000 gà đẻ, mỗi ngày tôi thu khoảng 25.000 quả trứng, bán với giá 2.500 – 2.800 đồng/quả, thu về khoảng 65 triệu đồng. Trong đó chi phí thức ăn chiếm 70% (45,5 triệu đồng), nếu giảm 5% chi phí thức ăn, mỗi ngày tôi sẽ tiết kiệm được 3,2 triệu đồng, do đó lợi nhuận sẽ tăng thêm rất nhiều”.
Còn nhiều nỗi lo
Mặc dù vậy, nhiều người chăn nuôi đều cho rằng việc giảm thuế VAT TACN chỉ là bước khởi đầu cho việc sắp tới Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP), bởi khi đã là thành viên chính thức, nhiều sản phẩm thịt gia súc, gia cầm sẽ được đánh thuế 0%, như vậy sự cạnh tranh giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu là rất lớn.
Ông Đào Xuân Hải bày tỏ: “Ngoài khoản chi phí 70% cho thức ăn, người chăn nuôi còn phải chi trả tiền con giống, thuốc thú y, thuế thu nhập...
Do đó, nếu chỉ giảm giá thức ăn mà không giảm các dịch vụ khác thì khi gia nhập TTP, chăn nuôi trong nước sẽ rất khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Nếu chúng ta không có biện pháp hợp lý ngay từ bây giờ, rất có thể ngành chăn nuôi sẽ bị “nhấn chìm” trong TTP”.
Về vấn đề này, PGS - TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu khi gia nhập TTP, không còn cách nào khác là ngành chăn nuôi phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành chức năng, đặc biệt là ngành nông nghiệp, thú y, công thương, tài chính… “Muốn giá đầu ra giảm thì giá đầu vào phải giảm. Để chất lượng sản phẩm tăng cao thì chất lượng TACN, giống, quy trình chăn nuôi phải tốt, trong đó ngành thú y đóng một vai trò rất quan trọng” – ông Vang nói.
Có thể bạn quan tâm

Với gần 1.000 ha tiêu, trong đó 70% đã cho thu hoạch của xã dân tộc thiểu số biên giới Lộc An chiếm 1/4 diện tích tiêu Lộc Ninh và gần 10% diện tích của tỉnh Bình Phước. Hữu cơ hóa vườn để sản xuất tiêu sạch bền vững, những “vua” trồng tiêu ở Lộc An đã góp phần dẫn dắt giá cả tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Và mùa thu hoạch năm 2015, người trồng tiêu ở Lộc An vui hơn bởi giá bán luôn ở mức trên 200 ngàn đồng/kg (tiêu trên 500g/lít)...

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa phối hợp với Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới tổ chức “Diễn đàn Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới (ITGA) – Khu vực Châu Á”. Đại diện của 8 quốc gia trong khu vực châu Á đã có mặt và tham dự diễn đàn này.

Ngày 24.4, Hội Làm vườn tỉnh Bình Định phối hợp với UBND xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) và xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trồng đậu phụng thâm canh xen mì vụ Đông Xuân với sự tham gia của hàng trăm hộ nông dân tại địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người trồng bí tại làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đều đến từ thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Họ phải thuê đất của người dân trong làng với giá từ 3 đến 8 triệu đồng/ha/vụ hoặc 3 triệu đồng/ha trong thời gian trên 2 năm. Hộ ít trồng 7 sào, hộ nhiều cũng trên 2 ha. Và việc trồng bí của họ cũng giống như 1 canh bạc, năm được, năm mất. Năm nay, ngoài một số ít hộ có lãi nhờ trồng sớm, còn lại đa số đều bị thua lỗ do bí vừa mất mùa, vừa mất giá.

Việc thực hiện Chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu ở các tỉnh đã có những kết quả đáng khích lệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông báo số 3020/TB-BNN-VP về Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại cây hồ tiêu.