Thuế Tăng, Giá Cá Tra Nguyên Liệu Vẫn Ổn Định

Giá cá tra nguyên liệu được giữ ổn định, dù mức thuế cuối cùng của kỳ POR 10 đối với cá tra xuất khẩu vào Mỹ có tăng hơn so với kết quả sơ bộ được công bố trước đó vào tháng 7-2014. Trong ảnh là nông dân Cần Thơ đang cho cá tra ăn. Ảnh: Trung Chánh
Hiện giá cá tra nguyên liệu vẫn ổn định dù mức thuế chống bán phá giá cuối cùng đợt xem xét hành chính lần thứ 10 (POR 10 - giai đoạn từ 1-8-2012 đến 31-7-2013) đối với cá tra đông lạnh xuất khẩu vào Mỹ có xu hướng tăng cao hơn so với mức giá sơ bộ trước đó.
Trước đây, mỗi khi phía Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá cao hơn thì giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại biến động mạnh.
Nhưng theo thông tin từ bà con nuôi cá tra ở ĐBSCL, tính đến thời điểm này giá cá tra nguyên liệu vẫn được ổn định so với tuần rồi và được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua vào dao động khoảng 23.500 - 24.500 đồng/kg (tùy loại).
Còn theo thông tin từ Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), cá tra nguyên liệu hiện được các doanh nghiệp hội viên của đơn vị này mua vào có giá thấp nhất là 23.500/kg đối với loại thịt vàng và cao nhất là 24.500 đồng/kg đối với loại thịt trắng.
Dù thuế chống bán phá giá ở kỳ POR 10 có xu hướng tăng ở nhiều doanh nghiệp, nhưng giá nguyên liệu vẫn giữ ổn định, phần nào đã giúp nông dân yên tâm sản xuất hơn.
Cụ thể, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kỳ POR 10 có 23 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bị áp thuế chống bán phá giá là 0,97 đô la Mỹ/kg, tăng 0,39 đô la Mỹ/kg so với mức thuế sơ bộ được DOC công bố hồi tháng 7-2014. Có 4 doanh nghiệp không bị áp thuế chống bán phá giá, gồm Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang, Công ty cổ phần thủy sản Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Hòa Phát và Công ty cổ phần Tô Châu do những đơn vị này không xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong giai đoạn trên.
Riêng đối với Công ty TNHH thủy sản Biển Đông và Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn lần lượt bị áp thuế suất 0% và 0,03% ở kỳ POR 10, tương tự như kỳ POR 9 và sẽ được giữ không thay đổi cho đến năm 2017.
Đối với mức thuế chung toàn quốc cho các doanh nghiệp khác, được giữ nguyên so với kết quả sơ bộ được công bố hồi tháng 7-2014 là 2,39 đô la Mỹ/kg.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ mới bắt đầu nhen nhóm từ đầu năm 2010, nhưng mô hình nuôi cá sấu thịt đã giúp nhiều người dân xã Phú Điền, huyện Tân Phú (Long An) đổi đời…

Nghề nuôi lươn đã phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng các hộ nuôi ở An Giang cũng như miền Tây vẫn phải sử dụng con giống khai thác ngoài tự nhiên để nuôi. Từ tận dụng đất quanh nhà ở nông thôn mà nhiều hộ vốn dĩ rất nghèo cũng đã vươn lên làm giàu và những người có mức sống trung bình lại có thêm thu nhập. Điệp khúc “thả lươn vào nuôi là chết” đeo đẳng những hộ nuôi lươn khiến cho nhiều người bỏ cuộc...

Gần 20 năm trước, vùng Ðồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, Tiền Giang vốn nổi tiếng là vùng đất "khỉ ho, cò gáy" thiếu vắng bóng người, nơi hoang tàn dành cho cỏ năn, cỏ lác. Thế nhưng, từ khi cây khóm (dứa) xuất hiện và mở rộng diện tích đã làm thay đổi diện mạo vùng đất này, giúp đời sống người dân cải thiện, nhiều hộ vươn lên làm giàu nhanh chóng.

Thức ăn cho dông rất dễ tìm kiếm, chủ yếu là cây, rau muống, rau lang, cà chua, dưa hồng, dưa gang. Đến thời điểm gần thu hoạch dông, cần bổ sung các thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng.

VASEP dự báo nguyên liệu cá tra trong quý 3 sẽ thiếu hụt khoảng 30% so với nhu cầu chế biến do có nhiều diện tích nuôi cá đã giảm hoặc chậm thả nuôi lại trong sáu tháng đầu năm nay.