Thực trạng quản lý các nông, lâm trường thất thoát đất nghiêm trọng

Tham gia đoàn giám sát chúng tôi thấy rất thấm thía về thực trạng hoạt động của các nông, lâm trường. Sau khi rà soát đánh giá thấy tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản của Nhà nước khá nghiêm trọng, kể cả với cơ quan chuyển đổi.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Sinh đã nói như vậy tại phiên giải trình trước Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014" ngày 27.8.
Đất không giao được cho ai
Tham gia giải trình trước Đoàn giám sát có đại diện Bộ NNPTNT, Bộ TNMT, Bộ Tài chính và một số cơ quan chức năng khác. Mở đầu phiên giải trình, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi: Tại sao có tình trạng 2,1 triệu ha đất lâm nghiệp lại do các UBND các xã quản lý, không giao cho dân, trong khi dân người thiếu đất sản xuất? Trả lời, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: Đây là những diện tích xa dân, đất xấu không có điều kiện sản xuất, bên cạnh đó nhiều diện tích đã quy hoạch là rừng phòng hộ hoặc đặc dụng. "Giao cho dân sản xuất thấy khả năng đem lại hiệu quả rất thấp, vì thế diện tích đất đó không giao được cho tổ chức nhà nước nào, cũng không giao được cho dân" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Là người tham gia đoàn giám sát, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết: Trước đây, một công ty chè ở Mộc Châu (Sơn La) giao khoán đất cho nông trường viên. Nhưng giờ nông trường chuyển đổi mô hình, nông trường viên phải thuê đất từ tư nhân. “Doanh nghiệp này không làm gì nhưng hàng năm thu 2,8 triệu đồng/ha từ người dân. Vậy câu chuyện đặt ra sau khi chuyển đổi nông, lâm trường, Nhà nước được gì, người dân được gì?”.
Trả lời vấn đề ĐB Sinh nêu ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khi các nông, lâm trường chuyển đổi chỉ cổ phần hoá tài sản trên đất còn đất đai vẫn do Nhà nước quản lý. Ai sở hữu tài sản trên đất vẫn phải thuê đất. Người dân nhận khoán thì người mua cổ phần có quyền nhất định tuỳ theo số cổ phần của họ. Bộ trưởng Phát cho biết thêm, các nông, lâm trường sau khi được sắp xếp, chuyển đổi, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số công ty nông, lâm nghiệp được nâng lên, thu nhập, đời sống của người lao động được cải thiện góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát cũng thừa nhận sau sắp xếp còn một số công ty nông, lâm nghiệp không khắc phục được tồn tại cũ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp hoặc tiếp tục thua lỗ. Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của nhiều doanh nghiệp chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới. Quản trị doanh nghiệp tuy có tiến bộ, nhưng chưa đồng bộ, việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, xúc tiến thương mại phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu còn hạn chế...
Khó khăn khi thu hồi đất bị lấn chiếm
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề, tình trạng sử dụng đất đai trái pháp luật ở các nông, lâm trường khá phổ biến, nhưng tại sao việc thu hồi đất sử dụng trái pháp luật lại thu hồi khó khăn thế?
"Bộ NNPTNT đã tổ chức bao nhiêu cuộc thanh tra về sử dụng đất của nông lâm trường, thu hồi được bao nhiêu diện tích đất đã sử dụng trái pháp luật" - ĐB Cương hỏi.
Bộ trưởng Phát chia sẻ, sau nhiều chủ trương chính sách của Nhà nước để đổi mới hiện nay việc sử dụng đất đai ở các nông trường đã được cải thiện. Tuy nhiên cũng có nhiều nông trường sử dụng đất còn kém hiệu quả.
“Riêng đối các lâm trường thì đúng là hiệu quả sử dụng đất kém, nhiều lâm trường quản lý rừng kém để xảy ra rừng bị phá, đất đai bị lấn chiếm, cho thuê cho mượn. Nhưng nói quá hỗn loạn thì tôi cảm nhận không phải như vậy”- ông Phát khẳng định và cho biết thêm: Hiệu quả sử dụng đất ở các nông, lâm trường có nâng lên mặc dù một số nông lâm trường hiệu quả sử dụng còn thấp, còn theo mong đợi thì chưa đạt.
“Những vi phạm trong sử dụng đất chúng ta có biết không? Xin báo cáo là chúng ta có biết và có xử lý, chứ không phải trong tình trạng không biết hoặc biết mà không xử lý. Có xử lý, làm có trách nhiệm nhưng giải quyết dứt điểm vẫn chưa được vì nó là quá trình lịch sử còn nhiều vấn đề" - Bộ trưởng Phát giải thích.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 24.4, Hội Làm vườn tỉnh Bình Định phối hợp với UBND xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) và xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trồng đậu phụng thâm canh xen mì vụ Đông Xuân với sự tham gia của hàng trăm hộ nông dân tại địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người trồng bí tại làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đều đến từ thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Họ phải thuê đất của người dân trong làng với giá từ 3 đến 8 triệu đồng/ha/vụ hoặc 3 triệu đồng/ha trong thời gian trên 2 năm. Hộ ít trồng 7 sào, hộ nhiều cũng trên 2 ha. Và việc trồng bí của họ cũng giống như 1 canh bạc, năm được, năm mất. Năm nay, ngoài một số ít hộ có lãi nhờ trồng sớm, còn lại đa số đều bị thua lỗ do bí vừa mất mùa, vừa mất giá.

Việc thực hiện Chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu ở các tỉnh đã có những kết quả đáng khích lệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông báo số 3020/TB-BNN-VP về Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại cây hồ tiêu.

Cuộc tọa đàm trực tiếp có chủ đề “Cà Mau tìm hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản”. Sáng 26/4, tại Cà Mau, Hệ thời sự chính trị tổng hợp (VOV1) và Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Cà Mau tìm hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản”.

Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh Tây Ninh hiện đạt khoảng hơn 27.900 ha, trong đó hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước là 27.000 ha, còn lại là sông suối, kênh rạch.