Thực phẩm tươi sống mùa thấp điểm

So với cách nay hơn 1 tháng, giá nhiều loại thịt gia cầm như: gà, vịt… hiện giảm bình quân khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tại nhiều chợ ở TP Cần Thơ, giá vịt xiêm làm sẵn phổ biến ở mức 85.000 - 90.000 đồng/kg; vịt ta làm sẵn 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Gà ta làm sẵn có giá 120.000 - 125.000 đồng/kg; đùi gà công nghiệp (đùi góc tư) giá 35.000 đồng/kg, đùi tỏi 40.000 - 45.000 đồng/kg; chân gà công nghiệp: 50.000 - 54.000 đồng/kg; cánh gà công nghiệp khoảng 80.000 đồng/kg. Giá thịt gia cầm giảm, nguồn cung tăng do thời gian qua người dân tại nhiều địa phương đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi.
Trong khi đó, sức tiêu thụ nhiều loại thịt gia cầm giảm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu các loại thịt gia cầm có giá rẻ, nhất là các loại gà công nghiệp cũng làm cho gia cầm trong nước giảm giá.
Sau một thời gian dài giá heo hơi ở mức cao, chăn nuôi heo có thu nhập hấp dẫn đã kích thích người dân nhiều địa phương đẩy mạnh tái đàn, phát triển chăn nuôi làm cho nguồn cung tăng mạnh so với trước, từ đó giá heo hơi giảm ít nhất từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm 2015.
Trước đà giảm của giá heo hơi, gần đây giá bán nhiều loại thịt heo trên thị trường cũng giảm nhẹ khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg. Tại nhiều chợ và siêu thị ở quận Ninh Kiều, giá thịt heo nạc 90.000 - 102.000 đồng/kg, sườn bẹ 110.000 - 124.000 đồng/kg, ba rọi và đùi 85.000 - 95.000 đồng/kg.
Các loại cá biển, cá đồng, lươn, ếch, tôm tép, mực… hiện giảm ít nhất từ 2.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại nhiều chợ ở nội ô TP Cần Thơ, giá cá lóc đồng loại 1 ở mức: 110.000 - 120.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 55.000 - 60.000 đồng/kg; ếch đồng 80.000 - 100.000 đồng/kg; cá bống kèo 100.000 đồng/kg; lươn loại 1 khoảng 180.000 đồng đồng/kg; cá rô phi, cá điêu hồng và ba sa 47.000 - 50.000 đồng/kg; cá rô và cá tra 30.000 - 35.000 đồng/kg; cá linh non khoảng 200.000 đồng/kg.
Các loại cá sòng, cá nục, cá ngừ có giá từ 30.000 - 45.000 đồng/kg; tép bạc và tôm thẻ chân trắng giá từ 80.000 - 130.000 đồng/kg; nhiều loại mực lá và mực ống có giá 150.000 - 170.000 đồng/kg…
Bước vào mùa mưa lũ, thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản tự nhiên, nguồn cung các loại thủy sản nước ngọt đã tăng hơn trước. Do lượng hàng về chợ nhiều, với sự đa dạng về chủng loại, giá nhiều loại thủy sản được dự đoán còn tiếp tục giảm.
Theo nhiều tiểu thương, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, với tình hình nguồn cung dồi dào và xu hướng tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày của nhiều người tiêu dùng, giá nhiều loại thực phẩm có khả năng còn tiếp tục giảm.
Hơn nữa, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm cũng tạo điều kiện cho giá nhiều loại thực phẩm tươi sống giảm theo chi phí vận chuyển giảm. Bà Nguyễn Thị Cúc, tiểu thương bán cá tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ, cho rằng: "Không chỉ lượng cá nuôi, gần đây các loại cá đánh bắt tự nhiên cũng về chợ ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn. Dự đoán giá nhiều loại thủy sản sẽ tiếp tục giảm".
Theo ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc Xí nghiệp chế biến thực phẩm 1, Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, hiện các trại chăn nuôi lớn có heo hơi đạt chất lượng tốt có giá trên 4 triệu đồng/tạ, chứ nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ có giá 3,7 - 3,8 triệu đồng/tạ. Khả năng giá các loại thịt heo trên thị trường sẽ tiếp tục giảm hoặc bình ổn chứ khó tăng trong thời gian tới do lượng heo hơi trong dân đang rất nhiều và đang đến lứa xuất chuồng.
Tuy nhiên, nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh thịt heo không thể tăng cường thu mua heo hơi trong dân do sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường không tăng. Lượng heo hơi do xí nghiệp này giết mổ cung ứng ra thị trường đang ở mức khoảng 380 - 400 con/ngày, chỉ tăng nhẹ so với trước.
Dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay chỉ nghỉ 1 ngày nên sức tiêu thụ các loại thực phẩm tươi sống khó tăng đột biến. Nhiều gia đình cũng đang tập trung tiền để lo cho con vào năm học mới nên tâm lý chung sẽ tiết kiệm chi tiêu hằng ngày để bù đắp các khoản chi này.
Bên cạnh đó, bước vào mùa lũ, nhiều hộ gia đình ở nông thôn tranh thủ thời gian nhàn rỗi để phát triển nuôi trồng và đánh bắt các loại thủy sản cải thiện bữa ăn cho gia đình. Điều này đã làm sức tiêu thụ nhiều loại thực phẩm tươi sống trên thị trường rơi vào giai đoạn thấp điểm, giá cả sẽ giảm, khó tăng trong những tháng tới đây.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay sản phẩm tôm chiếm 65% trên tổng số lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa. Nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm chân trắng nói riêng đã trở thành một hoạt động kinh tế quan trọng của tỉnh, đặc biệt là các vùng ven biển, nơi con tôm đang mang lại nguồn thu chủ yếu cho các hộ nuôi trồng.

Những năm gần đây, ngoài sản xuất vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và lúa mùa trong năm, nhiều nông dân tỉnh Kiên Giang còn tự phát gieo sạ vụ lúa Thu Đông (hay còn gọi là lúa vụ 3) để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, sản xuất lúa vụ 3 được đánh giá là lợi bất cập hại khi rủi ro rất cao.

Với hơn 40 loại rau, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ, sản lượng gần 600 nghìn tấn/năm, nhưng hiện vẫn thiếu hơn 350 nghìn tấn rau/năm so với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Để không phải nhập rau an toàn từ các địa phương khác đang trở thành mục tiêu phấn đấu của các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng rau ở Hà Nội hiện nay.

Hai anh Sa Lés và Da Cốp (ngụ xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành - An Giang) thành công với mô hình nuôi le le lấy thịt và cho sinh sản, theo kiểu bán hoang dã. Với diện tích khoảng 1.000m2, hai anh thả nuôi trên 700 con le le các loại (500 con le le sinh sản), thu lời gần trăm triệu đồng mỗi năm.

Các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm trong khuôn khổ chương trình cánh đồng mẫu lớn gồm: Công ty Tân Thành (Cần Thơ), Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty ADC.