Thực Hư Cua Biển Cà Mau Bán Siêu Rẻ

Nhiều thương lái thu mua cua biển ở Cà Mau khẳng định, không có chuyện cua biển Cà Mau “bò” ra các vỉa hè ở Hà Nội hay trên Sài Gòn với giá siêu rẻ.
Thời gian gần đây tại các vỉa hè ở Hà Nội hay TPHCM, nhiều nơi bày bán cua biển được quảng cáo là có nguồn gốc từ Cà Mau. Loại cua này được bán với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí không bằng một phần ba giá cua tại Cà Mau.
Trao đổi với PV, nhiều thương lái thu mua cua biển ở Cà Mau khẳng định, không có chuyện cua biển Cà Mau “bò” ra các vỉa hè ở Hà Nội hay trên Sài Gòn với giá siêu rẻ. “Thực chất loại cua biển có giá 50 – 80 ngàn đồng/kg được các thương lái thu gom vận chuyển về từ nhiều tỉnh khác nhau ở ĐBSCL, nơi bà con nông dân thường nuôi xen cua trong các đầm tôm, đất trồng lúa nên chất lượng không được thơm ngon”, thương lái Nguyễn Văn Lượm (huyện Cái Nước) nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Cà Mau, Năm Căn là địa phương có diện tích nuôi cua biển nổi tiếng chất lượng tốt, với hơn 25.600 ha. Đây cũng là đầu mối tập kết của hàng trăm thương lái trong và ngoài tỉnh, hàng ngày thu gom cua ở các vuông tôm vận chuyển đến bán cho các chủ vựa tại thị trấn Năm Căn.
Chỉ tính riêng tại địa phương này có gần 50 vựa thu mua cua, sản lượng bình quân 15 tấn/ngày trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Cua biển Năm Căn, nhất là mặt hàng cua gạch chiếm đến 70% sản lượng được vận chuyển sang tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc bằng đường hàng không; phần còn lại được tiêu thụ chủ yếu tại TP.HCM và một số thành phố lớn.
Được biết, vùng tập trung nuôi cua nhiều của tỉnh Cà Mau thuộc các huyện: Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn… Riêng huyện Cái Nước có diện tích đất nuôi tôm hơn 30 ngàn ha. Trong đó có 6 ngàn ha nuôi cua phổ biến và mang lại hiệu quả kinh tế. Tập trung nhiều ở xã Trần Thới, Đông Thới.
Hiện nay, cua biển Cà Mau không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.
Ông Huỳnh Thúc Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Năm Căn cho biết, để dần khẳng định thương hiệu của cua biển Năm Căn, ngành chức năng đã lập các thủ tục cần thiết đăng ký thương hiệu tập thể cho cua biển Năm Căn.
“Con cua biển Năm Căn từ lâu đã được người tiêu dùng trên thị trường biết đến với chất lượng thơm ngon. Mặt khác, hiện tại ở địa phương có rất nhiều vựa thu mua cua biển để tiêu thụ tại TP.HCM hay xuất sang Trung Quốc. Do đó chuyện bày bán cua biển ở các vỉa hè, rồi ghi nguồn gốc cua từ Cà Mau là mạo nhận”, ông Bình khẳng định.
"Cua biển Cà Mau bị giả mạo", đó là khẳng định của những người am hiểu con cua Cà Mau. “Một 1 kg cua gạch hiện nay ở Cà Mau có giá từ 250 – 270 ngàn đồng/kg (tùy loại), cua y các loại cũng có giá 120 – 180 ngàn đồng/kg, do đó không thể có chuyện thương lái mua giá đắt bán giá rẻ được”, chị Thắm – chủ vựa cua lớn ở Năm Căn phân tích.
Ông Ngô Văn Định, hộ dân có hơn 2 ha đất kết hợp nuôi tôm xen cua ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước chia sẻ: "Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được khoảng 20-25 triệu đồng tiền từ con cua. Nói về giá cả, nếu so với dịp tết thì có giảm. Tuy nhiên, tính mặt bằng giá trung bình mấy năm nay thì tương đối, không hề giảm.
Giá cua gạch hiện nay dao động khoảng 300-350 ngàn đồng/kg, cua y trung bình các loại từ 150-200 ngàn đồng/kg, cua bị loại ra giá rẻ nhất cũng được 70 ngàn đồng/kg".
Có thể bạn quan tâm

Lượng mưa năm 2015 bị thiếu hụt nghiêm trọng, những tác động của El Nino khiến sản xuất nông nghiệp năm 2016 đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn cao hơn bao giờ hết.

Từ đầu mùa mưa năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh nói chung và ở huyện Tuy Phước nói riêng ít xảy ra mưa lũ, là điều kiện thuận lợi để chuột phát sinh, phát triển gây hại các loại cây trồng. Bởi vậy, Tuy Phước đang ra sức diệt chuột trước khi bước vào vụ Ðông Xuân 2015-2016.

Tam Quan Bắc là 1 trong 6 xã biển của huyện Hoài Nhơn, là địa phương có đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ lớn nhất huyện, với 878 tàu cá tổng công suất 302.080 CV (chiếm gần 50% tổng công suất tàu thuyền hiện có trên địa bàn huyện).

Theo thông báo của Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong toàn quốc đã xuất hiện dịch cúm gia cầm (DCGC), dịch lở mồm long móng, dịch “tai xanh” trên đàn gia súc; nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng vào thời điểm cuối năm.

Nhờ nuôi dê, gia đình ông Hà Phước Khánh (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) có được nguồn thu hàng trăm triệu đồng sau mỗi năm. Đáng kể hơn, từ nguồn thu này, gia đình đã nuôi các con ăn học thành tài.