Thực Hiện Đề Án Rau Chế Biến

Sau ba năm thực hiện chính sách phát triển vùng sản xuất rau chế biến (giai đoạn 2010-2012), tỉnh Bắc Giang đã hình thành hàng chục vùng gieo trồng tập trung quy mô lớn, đáp ứng một phần nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản. Nhờ đó, nhiều nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Lợi nhuận gấp 3 lần
Nhiều năm nay, cứ sau khi gặt lúa mùa sớm, chị Nguyễn Thị Hường, thôn Tân Châu, xã Ngọc Châu (Tân Yên) lại trồng kế ngay 4 sào dưa bao tử vụ đông. Gia đình chị được hỗ trợ một phần chi phí hạt giống, giàn cắm. Vào mùa thu hoạch, chị Hường không phải mang sản phẩm ra chợ bán mà chỉ cần đem đến điểm cân trong thôn. Năm ngoái, dưa được giá, bình quân 7 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi khoảng 5 triệu đồng/sào. Vụ này, 5 sào dưa bao tử của gia đình chị đang đâm tua cuốn leo giàn, hứa hẹn một vụ bội thu.
Khác với chị Hường, gia đình chị Nguyễn Thị Kiệm, thôn Đại Đồng 1, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) cùng với một số hộ trong thôn mượn ruộng của nông dân bỏ trống ở vụ đông để trồng khoai tây chế biến. Do trồng khoai thành vùng tập trung nên việc tưới nước, phòng trừ sâu bệnh tương đối thuận lợi. Cây khoai sinh trưởng, phát triển tốt, đều củ, vỏ nhẵn, năng suất cao. Mùa thu hoạch, xe ô tô đến tận đầu bờ cân khoai. Mỗi sào, người dân có lãi gần hai triệu đồng.
Chị Kiệm cho biết: "Qua hai vụ thành công, vụ này, gia đình tôi tiếp tục liên kết với một số hộ dự kiến ký hợp đồng với doanh nghiệp trồng 20 ha khoai tây Atlantic để tăng thu nhập”.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, ba năm qua, hàng nghìn nông dân trong tỉnh tham gia sản xuất rau chế biến cho thu nhập cao, bình quân đạt 90 triệu đồng/ha/vụ. Sản lượng đáp ứng được 60-70% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tiêu thụ nông sản.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Vifoco (TP Bắc Giang) cho biết: "Việc bảo đảm nguồn nguyên liệu tại chỗ giúp Công ty tiết kiệm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Vụ đông này đơn vị liên kết với nông dân huyện Lục Nam, Tân Yên sản xuất khoảng 600 ha cà chua, ớt, dứa phục vụ xuất khẩu”.
Liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - nông dân
Ngày 27-7-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định 57/2009/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển vùng rau chế biến. Theo đó, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha/vụ cho nông dân mua giống, phân bón; 20 triệu đồng/ha đối với vùng có quy mô từ 5 ha trở lên để xây dựng giao thông, kênh mương, trạm bơm phục vụ sản xuất… Tổng kinh phí hỗ trợ gần 13,4 tỷ đồng.
Ngoài chính sách của tỉnh, một số huyện Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng trích kinh phí hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu phân bổ vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để các huyện, thành phố căn cứ thực hiện, đồng thời kiểm tra, giải đáp kịp thời những vướng mắc; tổ chức 356 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau chế biến cho nông dân.
Kết quả, sau ba năm tổng diện tích gieo trồng gần 4,8 nghìn ha. Các sản phẩm chủ yếu là: Cà chua bi, dưa chuột bao tử, ngô ngọt, khoai tây. Giai đoạn 2010-2012, giá trị sản xuất rau chế biến toàn tỉnh đạt hơn 300 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3 nghìn lao động, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất hàng hóa tập trung.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách phát triển cây trồng này thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang nhận định: "Việc chậm thanh toán, ép phẩm cấp, ép giá, chậm điều chỉnh giá khi thu mua nông sản của doanh nghiệp đã khiến nhiều nông dân không mặn mà.
Có thời điểm khó mở rộng diện tích. Mặt khác, doanh nghiệp chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của huyện nên khi xảy ra tranh chấp thường khó giải quyết”. Ngoài ra, tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa các doanh nghiệp; nông dân tự ý bán sản phẩm ra thị trường, phá vỡ hợp đồng vẫn diễn ra. Một số vùng sản xuất gặp khó khăn về nước tưới nên chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng.
Thực tế này cho thấy, để sản xuất rau chế biến thành công yếu tố cốt lõi là giữ mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm quy hoạch và hỗ trợ vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; khuyến khích nông dân đưa cơ giới, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào canh tác; từng bước cải thiện hạ tầng thủy lợi, cung cấp đủ nước tưới cho cây trồng; tập huấn cho nông dân cách chăm sóc bảo đảm đúng kích cỡ, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.
“Hiện toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản với nhu cầu 45-50 nghìn tấn/năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vùng sản xuất rau chế biến”. - guồn: Sở Nông nghiệp và PTNT
Có thể bạn quan tâm

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay đã có khoảng 50 loài thủy sinh vật ngoại lai được nhập vào Việt Nam với mục đích nuôi thương phẩm và khoảng 190 loài cá cảnh được nhập để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí. Trong sô các loài cá cảnh được nhập có cá lau kính, hay còn gọi là cá tỳ bà hoặc cá dọn bể (Hypostomus punctatus).

Hiện nay, tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) tràn lan, không thể kiểm soát đã thật sự làm đau đầu ngành Nông nghiệp. Các nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh từ đối tượng “ngoại lai” này. Bởi, TTCT gây tác động xấu đến môi trường và tính đa dạng sinh học, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau: Tổng sản lượng thủy sản trong tháng 8 ước đạt 34.000 tấn, bằng 101% so cùng kỳ, trong đó, sản lượng tôm đạt trên 11.000 tấn.

Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ ngày 26/8 đến ngày 30/8/2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi trồng và phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản” cho 30 học viên là những cán bộ khuyến nông cấp huyện và cộng tác viên khuyến nông cơ sở.

Tuy chưa thu hoạch hết số cua hiện có nhưng những hộ thực hiện thí điểm mô hình nuôi cua mật độ cao tại xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) rất hồ hởi vì cua nuôi mau lớn, tỷ lệ hao hụt rất thấp, khả năng thu lời nhiều so với cách nuôi truyền thống…