Thực Hiện Chính Sách Bảo Hiểm Phát Triển Thủy Sản Từ 25/8

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư số 115 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Theo thông tư trên, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm thủy sản phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 800 tỷ đồng và tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất; đảm bảo biên khả năng thanh toán theo quy định pháp luật; có hệ thống quy trình khai thác, giám định, bồi thường bảo hiểm tai nạn thuyền viên; bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ (gọi tắt là bảo hiểm khai thác hải sản); có chương trình tái bảo hiểm để bảo vệ chương trình bảo hiểm khai thác hải sản; có tối thiểu 10 năm hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó tối thiểu 5 năm triển khai bảo hiểm khai thác hải sản; có tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác hải sản trong 5 năm gần nhất đạt tối thiểu 15 tỷ đồng; cam kết tuân thủ quy định của pháp luật và văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính; được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản về việc triển khai bảo hiểm khai thác hải sản.
Đối tượng được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm là chủ tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: Là thành viên của tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản; có Giấy chứng nhận đăng ký tàu, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật; có giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc đăng ký tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo quy định của pháp luật; đã thực hiện đăng ký thuyền viên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ danh bạ thuyền viên theo quy định pháp luật; có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về đối tượng được hỗ trợ.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên.
Cụ thể, hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức: 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400 CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.
Kinh phí hỗ trợ được đảm bảo từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, cụ thể, ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi; Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% kinh phí đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% còn lại; các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện.
Doanh nghiệp bảo hiểm được ngân sách nhà nước chi trả phí bảo hiểm khai thác hải sản (phần ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định) theo trình tự, thủ tục quy định tại thông tư này.
Việc thực hiện chính sách bảo hiểm phát triển thủy sản sẽ được bắt đầu từ 25/8/2014.
Có thể bạn quan tâm

Hội thảo “Mô hình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn (giổi xanh) năm thứ 2 được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh phối hợp xã Thanh Hưng và Thanh Chăn, huyện Điện Biên tổ chức ngày 2/10. Mô hình đầu tư từ nguồn vốn của TTKN Quốc gia, qui mô 28,5ha với 70 hộ tham gia (Thanh Chăn, 14,5ha, 35 hộ; Thanh Hưng 14ha với 35 hộ).

Gia đình ông Sinh có 2,6 hécta cà phê, trước đây, năng suất chỉ đạt hơn 2,5 tấn/hécta. Năm 2012, ông mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống, và năng suất cà phê đã tăng lên trên 3 tấn/hécta. Riêng niên vụ cà phê 2014, năng suất ước đạt trên 3,5 tấn/hécta.

Tận dụng nguồn nước dồi dào từ hồ Sông Mây xả ra, một số người dân ở ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) đã lập trại nuôi cá giống. Mỗi năm các trại cá giống ở đây cung cấp cho thị trường khoảng 400 tấn cá giống các loại.

Đây là mô hình đã được Tín Nghĩa tổ chức thành công ở một số tỉnh, thành, như: Đắk Lắk, Gia Lai…Tại Đồng Nai, mô hình này sẽ được thực hiện thí điểm tại các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ rồi tiếp tục mở rộng ra các địa phương khác.

Riêng diện tích tiêu tăng nhiều nhất là do 3-4 năm trở lại đây, giá tiêu trên thị trường rất cao, nông dân trồng tiêu lời nhiều. Đối với cây xoài trồng mới, đa số nông dân chọn trồng các giống xoài Thái ăn xanh, Cát Hòa Lộc dễ bán và có giá cao.