Thực hiện cánh đồng mẫu lớn trên tôm doanh nghiệp là chủ lực

Hiệu quả thấy rõ
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được đánh giá là mô hình ưu việt, sẽ làm hài hòa lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp. Bởi, mô hình này giúp tăng thu nhập cho nông dân do tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, còn doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu đảm bảo số lượng và chất lượng cùng nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, CĐML giúp tăng tính cộng đồng, khắc phục tình trạng chênh lệch giữa các hộ nông dân như đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật… tạo nên sự đồng đều về năng suất, chất lượng. Đồng thời, được cung ứng vật tư đầu vào với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng và bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp, bớt khâu trung gian.
Hiện nay, chi phí thức ăn trong nuôi tôm chiếm đến 60 - 70% giá thành, mà hiện giá thức ăn vẫn luôn tăng không giảm, trong khi nhiều đơn vị thao túng giá, khiến chi phí sản xuất mỗi ngày một cao. Với người nuôi nhỏ lẻ, mua số lượng ít nên rất khó để được giá ưu đãi tại các đại lý. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tổ chức lại được thì với mô hình lớn sẽ có sức mạnh trong việc mua vật tư đầu vào, như mua giống, thuê kỹ thuật, đồng thời tạo sức mạnh đàm phán giá cả với các đơn vị bán thức ăn. Bởi trong nuôi tôm, chỉ cần giảm được một phần đầu tư thì giá thành sản xuất sẽ hạ, sức cạnh tranh của sản phẩm sẽ tăng.
Rất cần sự gắn kết
Theo nhận định chung, hiện nay, trong liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học thì mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân là mắt xích quan trọng nhưng đang là khâu yếu nhất. Khi thực hiện CĐML, người nông dân và doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng nhau. Bởi thời gian qua, đã có nhiều trường hợp cả nông dân và doanh nghiệp “bẻ kèo” lẫn nhau, khiến tình hình mua bán tôm nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Khi tôm nhiều, xuống giá thì doanh nghiệp ép nông dân, ngược lại nông dân cũng ép doanh nghiệp khi tôm được giá, nguồn cung thiếu hụt. Chính sự lỏng lẻo này đã khiến mối liên kết trở nên bấp bênh.
Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp là người quyết định đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo ra thị trường, còn nông dân chỉ làm chủ được sản xuất. Chính vì vậy, muốn sản xuất hiệu quả, bền vững thì doanh nghiệp phải sát cánh cùng nông dân, tức là sản xuất phải gắn chặt với tiêu thụ.
Cùng đó, khó khăn chung của các địa phương khi tổ chức CĐML là thiếu cán bộ chuyên môn, do vậy, mọi công việc trong quá trình sản xuất hầu như đều do nông dân tự quản lý. Chưa kể, cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, chưa xây dựng được quy trình sản xuất chuẩn… Nhiều ý kiến đề xuất, Nhà nước nên đóng vai trò chủ đạo trong mô hình này, nhằm tập hợp những người nuôi nhỏ lẻ, những vùng nuôi tôm lại thành cánh đồng tôm lớn như với cây lúa, và có một doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn đứng bên cạnh.
Có thể bạn quan tâm

Gia đình ông Trần Văn Châu ở thôn Đức Hiệp, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) là một trong những hộ đầu tiên tại địa phương đưa giống bơ ghép về trồng tại rẫy cà phê của gia đình.

Liên kết sản xuất theo chuỗi, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nhạc trưởng và nông dân là đối tác cùng chia sẻ lợi ích, thì hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ phát huy hiệu quả ổn định và lâu dài.

Ông Đặng Đình Thông, xóm 1, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết, nhờ giống ngô mới mà 5 sào ngô gia đình ông thu được hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí giống, vật tư, công lao động còn lãi 12 triệu đồng.

UBND tỉnh vừa phê duyệt Quy hoạch sản xuất, chế biến và lưu thông muối tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đây là 1 trong 3 mô hình nằm trong dự án CRSD được thực hiện trên địa bàn huyện này nhằm góp phần tái tạo nguồn sò huyết đặc sản đã bị khai thác cạn kiệt ở đầm Ô Loan.