Thua Lỗ Kéo Dài, Diện Tích Nuôi Cá Tra Ngày Càng Bị Thu Hẹp

Sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn với tình trạng thua lỗ kéo dài nên diện tích nuôi ngày càng bị thu hẹp.
Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) vừa cho biết, sản lượng thủy sản 9 tháng qua ước tính đạt 4.496 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 3335 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 475 nghìn tấn, tăng 6,4%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước tính đạt 2.353 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.764 nghìn tấn, tăng 0,3%; tôm đạt 362 nghìn tấn, tăng 8%, thủy sản nuôi trồng khác đạt 227 nghìn tấn, tăng 7%.
Trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn với tình trạng thua lỗ kéo dài nên diện tích nuôi ngày càng bị thu hẹp. Nguyên nhân một mặt do giá cá tra nguyên liệu giảm, giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng; mặt khác do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm.
Bên cạnh đó, cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị áp mức thuế chống phá giá với mức thuế nhập khẩu cao làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Một số địa phương có diện tích và sản lượng cá tra giảm nhiều là: An Giang giảm 13% về diện tích và giảm 8% về sản lượng; Cần Thơ giảm 5% về diện tích; Vĩnh Long giảm 2% về diện tích và giảm 11% về sản lượng; Bến Tre giảm 5% về diện tích và giảm 4% về sản lượng.
Sản xuất cá tra giảm chủ yếu ở khu vực hộ gia đình do hợp đồng với doanh nghiệp chế biến chỉ được ký kết khi cá đạt tiêu chuẩn nên thường xảy ra tình trạng giá cả không ổn định, lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ từng thời điểm. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp có tính ổn định hơn do chủ động được từng khâu trong quá trình thả nuôi, thu hoạch và tiêu thụ; đồng thời đầu tư theo hướng hiện đại với các tiêu chuẩn cao nhằm hướng đến cung cấp nguồn hàng bảo đảm an toàn, vệ sinh và chất lượng tốt trên thị trường trong nước và thế giới.
Nuôi tôm đạt sản lượng khá do các địa phương tuân thủ chặt chẽ lịch thả nuôi trong năm và chất lượng con giống được kiểm soát chặt chẽ. Cơ cấu tôm nuôi theo xu hướng phát triển mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú vì loại tôm này cho năng xuất và hiệu quả kinh tế cao hơn cũng như ít bị dịch bệnh hơn. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong kỳ ước tính đạt 49 nghìn ha, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 154,3 nghìn tấn, tăng 39,2%.
Hoạt động khai thác thủy sản trong năm có nhiều thuận lợi về thời tiết cũng như về sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương trong việc trang bị máy thông tin liên lạc và vay vốn ưu đãi, đóng mới tàu thuyền công suất lớn. Sản lượng thủy sản khai thác chín tháng năm nay ước tính đạt 2143 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 2004 nghìn tấn, tăng 3,5%. Riêng sản lượng cá ngừ đại dương 9 tháng ước tính đạt 13 nghìn tấn, giảm 5,7% do chất lượng cá không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu làm giá cá giảm mạnh nên nhiều ngư dân chuyển sang nghề lưới cản và khai thác cá ngừ sọc dưa nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày đầu xuân mới Quý Tỵ, giá các mặt hàng hải sản tươi sống tại huyện đảo Lý Sơn bất ngờ tăng vọt vì lượng cung không đủ cầu.

Do mưa lớn những ngày qua, lượng nước rút chậm nên công tác khắc phục khoảng 3.000 ha lúa, hoa màu bị ngập nước do mưa của tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp nhiều khó khăn.

Giữa Bộ NN-PTNT và Cục Hàng không (Bộ GT-VT) hiện đang có hai cách nói khác nhau về con cá tầm lưu thông ùn ùn trên thị trường. Trong khi Bộ NN-PTNT khẳng định, cá tầm nuôi ở trong nước chỉ đủ tiêu thụ tại xung quanh khu vực nuôi, cá nuôi ở miền Trung, Tây Nguyên còn nhiều hơn miền Bắc thì cá từ ngoài Bắc lại đang “chở bằng máy bay” ồ ạt vào miền Nam tiêu thụ, rõ ràng là cá tầm lậu. Song Cục Hàng không lại có nhận định khác.

Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Thực hiện công tác dập dịch chổi rồng trên nhãn, tính đến nay, người dân các địa phương trong huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) tiếp tục cắt tỉa, phun thuốc đặc trị nhãn bệnh chổi rồng và đã có 330ha/550ha nhãn bị bệnh chổi rồng phục hồi.