Thủ tục rườm rà dân thiếu vốn mở rộng sản xuất

Hồng Vân là một xã thuần nông của huyện Thường Tín với diện tích đất nông nghiệp gần 190ha.
Trong những năm gần đây, Hồng Vân được biết đến là mảnh đất có nghề trồng sinh vật cảnh phát triển mạnh vào bậc nhất nhì thành phố với 2 làng được công nhận làng nghề sinh vật cảnh.
Xã cũng đã quy hoạch được 4 vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc thù đồng ruộng của địa phương.
Nhiều nông hộ ở Hà Nội đang rất thiếu vốn đầu tư sản xuất.
Nghề trồng cây cảnh tại xã Hồng Vân (Thường Tín).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Đăng - Chủ tịch UBND xã, nhiều hộ dân rất muốn đầu tư sản xuất lớn nhưng lại thiếu vốn.
"Các chính sách hỗ trợ của T.Ư, địa phương triển khai đến người nông dân còn chậm, thủ tục, quy trình vay vốn còn rườm rà, khó khăn" - ông Đăng chia sẻ.
Cũng giống như ở xã Hồng Vân, tình trạng thiếu vốn phát triển sản xuất cũng đang khó khăn chung của hầu hết các địa phương.
Tại huyện Chương Mỹ, việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án sản xuất sau dồn điền đổi thửa của các hộ gia đình, cá nhân hầu hết đều thông qua các ngân hàng thương mại.
Theo đánh giá của Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Lê Trọng Khuê, người dân tiếp cận nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn, thủ tục khắt khe, phức tạp.
Các hợp đồng tín dụng đều yêu cầu tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, các công trình đầu tư xây dựng trong khu chuyển đổi không được chấp nhận thẩm định là tài sản thế chấp dù nhiều công trình giá trị lên tới hàng tỷ đồng.
Có thể thấy, một thực tế hiện nay là nguồn vốn dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn.
Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định 41/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, song đa phần các HTX đều chưa tiếp cận được.
Báo cáo đánh giá hoạt động hỗ trợ nông dân vay vốn trong 9 tháng đầu năm 2015 của Hội Nông dân TP.Hà Nội cũng cho thấy, còn 17 đơn vị cơ sở Hội chưa được tiếp cận nguồn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, tập trung chủ yếu ở các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ...
Ngân hàng cần tích cực đưa vốn đến nông dân
"Ngân hàng Nhà nước nên đi kiểm tra các ngân hàng thương mại xem họ thực hiện cho vay như thế nào hay vẫn cứ tạo ra nhiều khó khăn.
Phía ngân hàng khi cho vay hiện chưa có lực lượng kỹ thuật thẩm định nên tính hiệu quả thấp”.Ông Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội
Hiện nay, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang đặt ra nhu cầu nguồn vốn không nhỏ để phát triển sản xuất.
Đại diện nhiều địa phương kiến nghị, thành phố cần tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn phát triển sản xuất từ Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Đồng thời, xem xét, đổi mới cơ chế chính sách tín dụng nông thôn trong việc huy động các nguồn vốn cho vay thông qua quỹ phát triển hay những hạng mục vay đặc thù, ưu tiên phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới tại các ngân hàng.
Trong đó đẩy mạnh, mở rộng cơ chế hỗ trợ lãi suất linh hoạt theo vùng, hộ nghèo và các cây con cần phát triển để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội cần có giải pháp tăng mức vốn và kéo dài thời hạn cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đi cùng với đó là giảm bớt thủ tục, tạo cơ chế thông thoáng cho nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Về vấn đề này, ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.Hà Nội cho biết, nông nghiệp, nông thôn là 1 trong 5 lĩnh vực được Nhà nước chỉ đạo phải có ưu đãi lãi suất.
Hiện lãi suất cho vay lĩnh vực này đang thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1 - 2%.
Tuy nhiên, trong quá trình vay vốn, người dân, doanh nghiệp đều gặp vướng về điều kiện cho vay, quan trọng nhất là phải có phương án kinh doanh khả thi hoặc tài sản đảm bảo.
Theo ông Trung, để thế chấp ở ngân hàng, luật dân sự yêu cầu có tài sản đảm bảo qua công chứng.
Do đó, thành phố có thể đưa ra những chính sách đặc thù để công nhận tài sản sở hữu của người dân một cách thuận lợi hơn.
Về phía các ngân hàng, cần tích cực chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng tìm cách tháo gỡ để đưa vốn đến với nông dân...
Có thể bạn quan tâm

Đã nhiều năm nay, nông dân huyện Yên Thành phát triển nghề nuôi vịt chạy đồng, theo các vụ lúa trong năm. Nghề này không những giảm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.

Trên cánh rừng hoang nghèo kiệt chỉ có lau lách và cỏ dại, cô lập với khu dân cư, trong gần 6 năm khởi nghiệp, Nguyễn Văn Hảo trở thành tỉ phú trẻ nhất xã Tam Dị, doanh thu đạt gần 2 tỉ đồng/năm.

“Thất bại không phải là vấn đề, quan trọng nhất là biết mình thất bại ở đâu. Trong nuôi tôm công nghiệp, ai thành công đều phải nếm trải nhiều lần thất bại mới rút ra được kinh nghiệm xương máu cho mình” – ông Trần Quang Hiên, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bộc bạch.

Nhờ vào sự linh hoạt và mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, ông Đinh Văn Sơn (xã Yên Thắng, Yên Mô) đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp có thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/năm.

Gần đây, hội viên nông dân Nguyễn Quốc Thắng, Chi hội Nông dân ấp Bình Lợi, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chủ động xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng quy mô lớn (thí điểm), khởi đầu cho phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi do Hội Nông dân xã phát động.