Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thủ Phủ Gà Ta

Thủ Phủ Gà Ta
Ngày đăng: 16/10/2013

Không ngoa chút nào khi gọi ấp 7, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) là thủ phủ gà ta của Đồng Nai. Bởi trong một năm, ấp này cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu con gà ta.

 Ấp 7 (xã Bình Sơn) có khoảng 280 hộ dân thì có đến 200 hộ nuôi gà ta. Trong đó, gần 100 hộ nuôi với quy mô lớn, từ vài ngàn đến cả chục ngàn con/lứa. Đây là nơi cung cấp gà ta lớn nhất tỉnh và nghề này đã giúp nhiều người trong ấp trở nên khá giả.

* Nắm lấy cơ hội

Gần 10 năm trước, ấp 7 nổi tiếng với trái sầu riêng, nhưng sau đó sầu riêng bị sâu bệnh, giá cả bấp bênh nên nhiều hộ đành ngậm ngùi chia tay cây sầu riêng và thay bằng chôm chôm. Nhưng cây chôm chôm cũng không giúp cho đời sống của người dân trong ấp khá lên. 2 năm gần đây, con gà ta giúp nhiều hộ trong ấp “đổi đời” và ấp 7 trở nên nổi tiếng với nghề nuôi gà ta. Hàng ngày, người ra vào ấp 7 để mua bán gà ta khá nhộn nhịp. Gà được thương lái đưa về các lò giết mổ rồi phân phối cho các nhà hàng, các chợ trong và ngoài tỉnh. Nơi tiêu thụ gà ta Bình Sơn nhiều nhất vẫn là TP. Hồ Chí Minh.

Anh Trần Kiếm Thành, người nuôi gà ta với số lượng lớn nhất ấp 7, kể: “Tôi làm đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn nghèo, chỉ khi chuyển qua nuôi gà ta, kinh tế gia đình mới khá lên. Từ năm 2012 đến nay, tôi tăng đàn lên 10 ngàn con/lứa. Có dịp, gà hút hàng trúng giá, tôi lời 400-500 triệu đồng/lứa”. Theo anh Thành, 1 năm có thể nuôi được 3 lứa gà ta, giá thời điểm thấp nhất cũng đạt 70 ngàn đồng/kg. Vào những dịp khan hàng, giá lên đến 100 ngàn đồng/kg. Do đó, nhiều năm nuôi gà ta nhưng chưa khi nào anh Thành bị thua lỗ.

Thấy anh Thành nuôi gà ta có đầu ra ổn định, giá bán cao nên nhiều hộ trong ấp cũng đầu tư nuôi gà ta. Rồi nhà nọ rủ nhà kia, trên 70% hộ dân ấp 7 đều nuôi gà. “Tôi có vườn rộng 1hécta trồng chôm chôm nhưng lợi nhuận rất thấp, thấy trong ấp nhiều hộ nuôi gà ta cho lợi nhuận cao, tôi đã mua lưới quây vườn để nuôi. Mỗi lứa tôi nuôi khoảng 3 ngàn con, trừ chi phí vẫn lời cả trăm triệu đồng” - anh Phan Văn Điệp, ấp 7, nói.

* Coi trọng chất lượng

Ông Trần Anh Tùng, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp 7, cho hay: “Gà ta ở đây luôn được thương lái đặt mua với số lượng lớn và giá cao là nhờ chất lượng luôn đảm bảo. Tuy nhiều hộ cùng nuôi, song hầu hết đều cẩn thận từ khâu chọn giống đến quá trình chăm sóc và phòng dịch để gà có chất lượng ngon nhất”.

Giống gà ta được các hộ dân trong ấp 7 nuôi có năm loại, gồm: giống địa phương; giống Công Khanh, Minh Dư đặt mua từ tỉnh Bình Định; giống An Đô ở tỉnh Bình Dương và giống gà mía của Đà Lạt. Theo ông Lê Đình Phán, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Sơn, mỗi năm ấp 7 cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 1 triệu con gà ta. Hiện nuôi gà ta đã thành nghề chuyên của hơn 2/3 số hộ dân trong ấp 7 và là nguồn thu nhập chính của họ. Tới đây, xã sẽ tiến hành thành lập câu lạc bộ nuôi gà ta trong xã để các hộ cùng trao đổi kinh nghiệm, đảm bảo quy trình nuôi an toàn dịch bệnh để có đầu ra ổn định, lâu dài.

Dù không có quy định nào, nhưng các hộ nuôi gà ta trong ấp 7 đều có “luật bất thành văn” với nhau là chọn giống tại các cơ sở có uy tín, đảm bảo 100% là gà ta. Gà sau thời gian “úm” khoảng 20 ngày thì thả ra vườn rộng cho ăn cám trộn lẫn với lúa, bắp và khoảng hơn 100 ngày mới bắt đầu xuất bán. Đây là thời điểm gà ta ngon nhất, thịt vàng, thơm và dai.


Có thể bạn quan tâm

Kinh Phí Nhà Nước Cho KHCN Trong Nông Nghiệp Bị “Chia Năm Sẻ Bảy” Kinh Phí Nhà Nước Cho KHCN Trong Nông Nghiệp Bị “Chia Năm Sẻ Bảy”

Mặc dù tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giai đoạn 2008-2013 khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng có tới 32% chi cho lương và hoạt động bộ máy. Nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao…

08/12/2014
Mỗi Năm, Hồ Dầu Tiếng Và Sông Vàm Cỏ Cho 3.000 Tấn Thủy Sản Mỗi Năm, Hồ Dầu Tiếng Và Sông Vàm Cỏ Cho 3.000 Tấn Thủy Sản

Lượng khai thác ổn định là do hằng năm ngành Thủy sản thả bổ sung từ 800.000 đến 1 triệu con cá cho hồ Dầu Tiếng. Mặt khác, ngành thường xuyên thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra trên hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông, kịp thời xử lý vi phạm nên sản lượng khai thác ổn định.

22/07/2014
Hoa Trồng Không Biết Bán Cho Ai Hoa Trồng Không Biết Bán Cho Ai

Đầu năm 2014, được sự hỗ trợ của UBND huyện Lạc Dương về hệ thống tưới tiêu, một DN chuyên kinh doanh hoa tươi hỗ trợ về giống và kỹ thuật, đơn vị này còn hứa là sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân, còn người dân thì bỏ đất, phân và công chăm sóc. UBND xã Đạ Sar đã lựa chọn một số gia đình để thực hiện dự án này với mong muốn sẽ truyền đạt kỹ thuật canh tác hoa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho đồng bào DTTS.

22/07/2014
Doanh Số Thuỷ Sản Anh Tăng Dù Gặp Nhiều Khó Khăn Doanh Số Thuỷ Sản Anh Tăng Dù Gặp Nhiều Khó Khăn

Theo dữ liệu mới nhất của Nielsen Scantrack được Seafish công bố, tính từ ngày 21/6/2013 đến 21/6/2014, doanh thu từ thuỷ sản của Anh tăng 2,6%, lên mức 3,17 tỷ GBP (tức 5,1 tỷ USD). Dù khối lượng giảm 3,8% xuống còn 344.000 tấn, nhưng giá trung bình tăng 6,7% lên 14,74 USD/kg.

08/12/2014
Giá Gạo Thơm Xuất Khẩu Trở Lại Mức Trên 600 USD/tấn Giá Gạo Thơm Xuất Khẩu Trở Lại Mức Trên 600 USD/tấn

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại kho loại thường hiện ở mức 5.550 - 5.650 đ/kg, loại hạt dài 5750 - 5.850 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu làm gạo 5% tấm hiện ở mức 7.150 - 7.250 đ/kg. Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện khoảng 8.600 - 8.700 đ/kg, gạo 15% tấm 8.100 - 8.200 đ/kg và gạo 25% tấm 7.650 - 7.750 đ/kg.

22/07/2014