Thu Nhập Ổn Định Từ Trồng Nén

Cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch, người dân các xã Đức Phong, Đức Minh (Mộ Đức - Quảng Ngãi) và Bình Hải, Bình Phú, Bình Hòa (Bình Sơn) lại bước vào vụ trồng nén. Năm nay do mưa lũ lớn nên giá củ nén tăng cao, giúp nông dân có thêm thu nhập.
Trên những cánh đồng đất cát ở xã Đức Phong, người dân đang tranh thủ thu hoạch nén, để rồi lại bắt đầu đợt trồng mới. Theo kinh nghiệm của người dân, nén thích hợp vùng đất cát, ít chua, thoát nước tốt, nhiều mùn và tơi xốp. Sau 10 - 15 ngày từ khi trồng, nông dân có thể bắt đầu thu hoạch từng đợt nén. Cứ như thế, đến gần Tết Nguyên đán, vụ nén kết thúc.
Chị Trần Thị Phương ở thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong, cho biết, năm nay, gia đình chị làm gần 1 sào nén, đây đã là lần thu hoạch thứ tư. Do mưa lũ lớn nên giá nén hiện tăng cao. Với 1 sào nén này, từ tháng 7 âm lịch đến Tết, chị thu về hơn 5 triệu đồng. “Đối với người nông dân, đây là số tiền đủ để trang trải các chi phí trong dịp Tết. Hơn nữa, vào mùa mưa, chúng tôi đâu biết làm gì, trồng cây nén để có thu nhập là lựa chọn tốt nhất”- chị Phương chia sẻ.
Ông Đinh Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong, thống kê: Hằng năm trong xã có gần 200 hộ dân trồng nén. Để tận dụng và tăng hiệu quả sử dụng đất, người trồng nén đã xen khoai môn, rau các loại xung quanh mép luống. Cây nén đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân nơi đây.
Vụ nén năm nay, huyện Bình Sơn trồng trên 100 ha, tập trung ở các xã Bình Hải, Bình Phú và Bình Hoà. Ông Trần Thơm ở xã Bình Phú, cho biết: "Để trồng 1ha nén, phải chuẩn bị 40 - 50kg củ nén giống. Gia đình tôi thường sử dụng giống địa phương. Mỗi năm, gia đình tôi cũng có thu nhập gần 30 triệu đồng từ cây nén".
Cây nén không chỉ được bán cho người tiêu dùng trong tỉnh, mà còn chuyển đến các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Theo chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong thì mỗi sáng, chị đem nén vào Trà Câu (Đức Phổ) giao cho tiểu thương. Sau đó, nén được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh để bán. Sở dĩ người tiêu dùng chuộng nén vì lá nén, củ nén nấu cháo, nấu canh cá vừa thơm, ngọt lại là phương thuốc có tác dụng giải cảm tốt.
Do vậy, người ta coi nén là một vị thuốc Nam dùng để trị ho, cảm cúm… “Trồng nén vốn đầu tư thấp, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau khác. Nhờ nhiều nơi tiêu thụ, nên những năm qua giá nén rất ổn định. Hiện nay, trồng nén là lựa chọn của nhiều nông dân ở Đức Phong khi mùa mưa đến”- chị Thanh nói.
Để có những vụ nén cho năng suất cao, theo ông Phạm Bá - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Người dân nên xử lý đất trước khi trồng 3 - 5 ngày, sử dụng Sincocin 0.56 SL, liều lượng 0,1lít/1.000m2 để phòng trừ tuyến trùng; kết hợp với Pounce 1.5G, liều lượng: 2- 3kg/1.000m2 rải thuốc lên liếp rồi đảo đều lớp đất mặt để diệt sâu xám. Nén được trồng hàng cách hàng 40cm, cây cách cây 2 - 4cm.
Nên rạch hàng sâu 5 - 10cm, bón lót toàn bộ phân chuồng hoai mục, phân lân, san bằng mặt luống, rạch hàng trồng và lấp đất phủ. Sau đó tiến hành phủ lên mặt luống bằng xác thực vật như rơm rạ, bã mía mục... dày 1,5cm. Cũng như hành, tỏi, nén không ưa phân tươi, cần coi trọng phân lân và kali. Bón nhiều đạm quá có hại vì làm bộ lá phát triển mạnh, giảm độ lớn của củ và khó bảo quản.
Có thể bạn quan tâm

Nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên đầm Nha Phu hiện đã cạn kiệt, nguyên nhân chủ yếu là do ngư dân sử dụng các phương tiện khai thác mang tính hủy diệt. Điều này đã khiến đời sống của không ít người dân ven biển bị ảnh hưởng.

Bệnh phân trắng, chậm lớn, tôm lớn không đồng đều… là những bệnh liên quan đến bệnh đường ruột của tôm nuôi mà hộ nuôi tôm đặc biệt quan tâm, bởi tỉ lệ tôm bệnh có liên quan đến đường ruột chiếm trên 60% diện tích nuôi.

“Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất và quy trình sử dụng chế phẩm xử lý môi trường, nuôi trồng thủy sản Neo-polymic phù hợp tại Quảng Trị” là đề tài hợp tác với các ngành và địa phương do Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam quản lý

Ngày 11-9, ông Đỗ Hữu Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho biết, từ đầu năm đến nay, do được mùa cá cơm nên công ty đã thu mua được gần 2.500 tấn cá. Đặc biệt, từ nửa cuối tháng 7 đến nay, công ty đã thu mua được hơn 1.500 tấn.

Sau gần 12 năm làm các sản phẩm shushi (từ mực, cá hồi) xuất sang Nhật, Công ty cổ phần Phát triển Thủy sản Huế (CT CPPT TSH) đã được Nhật Bản cấp giấy chứng nhận miễn kiểm khi làm thủ tục thông quan.