Thu Nhập Gần 1 Tỷ Đồng Từ Nuôi Cá Tai Tượng An Toàn Sinh Học Ở Tiền Giang

Xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) được xem là “cái nôi” của nghề nuôi cá bởi địa phương có dòng sông Bảo Định chảy qua cung cấp nước ngọt quanh năm. Nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước mương, vườn sẵn có và đầu tư đào ao nuôi cá các loại, trong đó chủ lực là con cá tai tượng bởi ít tiêu tốn thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đỗ Hiếu Liêm, 68 tuổi, ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết là người tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ nuôi. Đây là mô hình mà ngành nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng, đồng thời có chủ trương nhân rộng ra những địa phương khác.
Là người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi cá, nên ông Đỗ Hiếu Liêm rất am hiểu và nắm vững kỹ thuật nuôi cá, đặc biệt là áp dụng nuôi theo mô hình an toàn sinh học. Từ quan niệm “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, trước đây, ông Liêm cũng từng nuôi các loại cá tra, trê lai kết hợp chăn nuôi lợn nhưng do giá cả bấp bênh nên gần đây ông bắt đầu chuyển sang nuôi cá tai tượng.
Để tăng hiệu quả sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, gần đây ông áp dụng mô hình nuôi cá tai tượng theo hướng an toàn sinh học. Ông Liêm cho biết, năm 2011, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, ông bắt tay đầu tư con giống thả nuôi cá tai tượng thương phẩm theo mô hình an toàn sinh học này.
Trên diện tích 3.000 m2 mặt nước, với 6 ao (mỗi ao từ 300 - 500m2 mặt nước) xen trong vườn, ông thả nuôi 20.000 con cá tai tượng giống, kết hợp với cá sặc rằn. Cá được nuôi theo hai giai đoạn: giai đoạn cá giống được ương nuôi trong ao nhỏ, sau khoảng 8 - 10 tháng để cá đạt trọng lượng khoảng 0,3 - 0,5 kg/con rồi tiếp tục san qua ao lớn nuôi đến đạt kích cỡ thương phẩm. Mật độ thả cá giống tai tượng từ 7 - 10 con/m2 (ghép thêm cá sặc rằn để giúp sạch môi trường nước).
Hiện, đàn cá đã đạt trọng lượng khoảng 1kg/con và chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch. Ông Liêm nhẩm tính, trung bình mỗi vụ nuôi, ông thu được hơn 20 tấn cá thương phẩm. Với giá bán từ 40.000-50.000 đồng/kg, mỗi vụ nuôi (khoảng 2 năm), cho thu nhập gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí ông còn lãi trên dưới 50%.
Ông Liêm chia sẻ, để nuôi theo mô hình an toàn sinh học, đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt theo qui trình từ khâu chọn lọc con giống, thức ăn, mật độ thả… mà cán bộ kỹ thuật khuyến nông đưa ra. Đồng thời phải có sổ sách ghi chép về liều lượng thức ăn trong ngày, các chế phẩm theo dõi xử lý ao…
Cá tai tượng sống vùng nước ngọt, ưa nhiệt độ từ 22-30 độ C, nhiệt độ có thể thấp (16 độ C) hoặc cao (tới 42 độ C) nó vẫn sống được, nhưng phát triển kém. Ngay cả vùng nước nhiễm mặn vừa phải, cũng có thể nuôi cá tai tượng, nhưng nó cũng phát triển không bình thường. Vì vậy, cố gắng chọn nơi có điều kiện thích hợp thì mới nên nuôi cá tai tượng.
Cá tai tượng ăn thức ăn chủ yếu là thực vật như lá cây, rau lang, rau muống, các loài thực vật thủy sinh, các phụ phẩm của nhà bếp và ăn cả phân gia súc, gia cầm. Ngoài ra, cá còn ăn lá cây mì (sắn) hoặc các loại quả (như đu đủ, chuối, mận...). Khi nuôi, có thể bổ sung thêm thức ăn tinh (như bột cá, đầu tôm, cá biển tươi, ốc, cua, cá, cám gạo, khô đậu tương...) - có thể cho ăn tươi hoặc nấu chín. Cho ăn bằng sàn và treo ở một số điểm cố định trong ao.
Theo ông Liêm nuôi cá an toàn sinh học có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống lồng ghép với chuồng trại trước đây là bảo vệ được nguồn nước không bị ô nhiễm và quản lý được dịch bệnh trên đàn cá nuôi và hơn hết là cung cấp sản phẩm “sạch” cho người tiêu dùng.
Hiện nay, ngoài nuôi cá, trên diện tích 17.000m2 đất vườn, để tăng thêm thu nhập, ông Liêm còn kết hợp trồng các loại cây ăn trái có giá trị như: nhãn tiêu da bò, bưởi da xanh, dừa dứa… Mô hình của ông Đỗ Hiếu Liêm đang được nhiều nông dân ở địa phương học hỏi, nhằm đa dạng hoá sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới làm giàu ở vùng đất thuần nông.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Lấp Vò (Đồng Tháp) lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp do thời tiết diễn biến bất thường, nguồn tôm giống bị thoái hóa.

Nhiều trang trại nuôi gà đẻ trứng tại các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, hiện giá trứng gà bán ra tại trại chỉ còn 18-19 ngàn đồng/chục, giảm 2-3 ngàn đồng/chục so với cuối tháng 8-2013. Giá trứng gà giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm lại so với gần 2 tuần trước. Năm nay, nhu cầu mua trứng để làm bánh trung thu không nhiều, nên giá trứng ít biến động.

Lãnh đạo UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vừa khảo sát và làm việc với 18 hộ dân ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam nhằm bàn biện pháp khắc phục vùng nuôi tôm bị thiệt hại.

Một số nơi trong tỉnh Bắc Giang, có việc chính quyền sở tại cho nông dân thầu hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm lưu vực, dòng kênh tiêu để nuôi thả cá. Việc làm này mang lợi ích cho số ít người nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiêu úng, gây thiệt hại lớn về sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Dù tỷ lệ thiệt hại đến tuần đầu tháng 9 vẫn còn ở mức 28,8%, nhưng vụ nuôi tôm nước lợ 2013 của tỉnh Sóc Trăng đã và đang diễn biến khá thuận lợi, khi phần lớn diện tích thu hoạch không chỉ đạt năng suất, mà giá bán cũng luôn ở mức cao. Dù vụ tôm 2013 chưa kết thúc nhưng nỗi lo cho vụ tôm 2014 đã hiện hữu, với không ít vấn đề đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền địa phương.