Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thu Nhập Cao Nhờ Rau An Toàn

Thu Nhập Cao Nhờ Rau An Toàn
Ngày đăng: 06/06/2014

Cái tên “Hà Độ” được nhiều người biết đến ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) bởi ông là người trồng rau an toàn (RAT) giỏi. Hiện gia đình ông trồng rau trên diện tích trên 1.500m2, mỗi năm trừ tất cả mọi chi phí vẫn còn thu nhập trên 180 triệu đồng.

Đến huyện Phú Giáo trong một ngày nắng nóng gay gắt, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật trạm Bảo vệ Thực vật huyện Phú Giáo Trương Thành Trung dẫn đường đến thăm mô hình trồng RAT tại gia đình ông Hoàng Thái Hà (Hà Độ), ở ấp Lễ Trang, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo.

Những luống cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách trong vườn nhà ông Hà xanh mướt trong nắng. Ông Hà cho biết, trước đây gia đình ông làm nghề thu mua gỗ cao su, song công việc rất vất vả, công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập bấp bênh.

Trong khi đó nhờ nghề trồng rau mà bố mẹ đã nuôi cả gia đình ông nên ông không mấy mặn mà với nghề thu mua gỗ nữa. Sau một thời gian ngắn cân nhắc, ông nhận thấy nghề trồng rau tuy vất vả nhưng đời sống ổn định, chi phí đầu tư không nhiều, ít rủi ro.

Theo ông Hà, với diện tích đất 1.500m2 của gia đình không đủ để trồng cao su, trong khi đó, khí hậu, đất đai và sự hiểu biết vốn có của gia đình sẽ rất thích hợp để ông phát triển nghề nghiệp mới của mình. Vì thế, năm 1998 ông quyết định chuyển hẳn sang nghề trồng rau.

Ông cho biết: “Điều kiện và khí hậu ở địa phương rất thích hợp với việc trồng rau ngắn ngày, bán cũng được giá nên tôi chuyển sang mô hình này”.

Lúc mới trồng, ông áp dụng theo kinh nghiệm trồng rau truyền thống của gia đình. Ông bắt đầu trồng các loại rau dền, mồng tơi, cà bắp… vừa làm vừa học, tìm tòi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên tham dự các lớp tập huấn về nông nghiệp, nhất là kiến thức trồng rau. Do có kinh nghiệm được truyền lại từ đời cha, nên ông Hà lĩnh hội và áp dụng kỹ thuật trong tập huấn khá nhanh.

Chính cái duyên, cái nghiệp và sự cần cù chịu khó trong nghề trồng rau đã đưa ông Hà đến một giai đoạn phát triển mới trong nghề nghiệp. Hiện ông là người cung cấp RAT có uy tín của địa bàn huyện Phú Giáo.

Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết, sự nguy hại của hóa chất bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc là rất lớn bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và của chính người trồng. Bởi vậy, 16 năm làm nghề trồng rau, ông luôn áp dụng đúng các yêu cầu phun xịt thuốc trừ sâu, cách ly thời gian thu hoạch đúng ngày theo chỉ dẫn nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

“Tuy nhiên, mỗi khi nghĩ đến cái “hậu” về sau, tôi gạt chuyện lợi nhuận sang một bên và chú ý tìm hiểu, nghiên cứu mô hình trồng RAT ở các tỉnh bạn”, ông Hà nói. Năm 1998, ông là người tiên phong trên địa bàn huyện mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng để thiết kế nhà lưới, hệ thống tưới phun, giúp giảm ngày công lao động và chủ động nguồn nước.

Nguồn giống rau được chọn từ các cơ sở có uy tín, rõ ràng, phân bón sử dụng hợp lý, cân đối giữa các loại phân hữu cơ đã ủ hoai, phân vi sinh và phân vô cơ rất an toàn cho con người và môi trường. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã thu về kết quả rất khả quan.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chỉ sau 6 tuần gieo trồng là có thể thu hoạch rau. Cứ tuần tự thu hoạch hết đợt này, gieo đợt khác. Liên tục và đều đặn mỗi ngày ông Hà xuất bán trung bình 100kg rau các loại, sau khi trừ chi phí, thu nhập trung bình của gia đình khoảng trên 500.000 đồng/ngày.

Cái được lớn nhất chính là sự ủng hộ, lòng tin đối với người tiêu dùng tại địa bàn đã được ông gầy dựng vững chắc. Ông chia sẻ, hiện tại nhu cầu sử dụng RAT trên thị trường là rất lớn, cung không đủ cầu.

Xét về hiệu quả kinh tế, ông Hà cho rằng, tuy nguồn vốn đầu tư ban đầu để thực hiện mô hình RAT có thể khá lớn so với trồng một số loại rau khác, nhưng về lâu dài có thể nói là “siêu” lợi nhuận và nguồn thu nhập rất ổn định. Ông Hà nhẩm tính, với giá bán các loại rau ăn lá theo giá thị trường như hiện nay, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 180 triệu đồng.

Sau hơn 16 năm chuyển hướng sang mô hình trồng RAT, nhờ cách thức làm ăn chân chính, uy tín và trách nhiệm với môi trường sống mà kinh tế gia đình ông Hà khá hẳn lên.

Ông đang ấp ủ kế hoạch trồng rau sạch trong thời gian sắp tới. Không chỉ làm giàu cho chính mình, ông Hà còn là người trồng RAT giỏi, nông dân tiêu biểu của xã Vĩnh Hòa, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân có nhu cầu học hỏi, theo nghề trồng rau.


Có thể bạn quan tâm

Sẽ Truy Xuất Nước Xuất Khẩu Sẽ Truy Xuất Nước Xuất Khẩu

Tại Hội thảo “Tìm giải pháp quản lý chất lượng tôm giống” do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức mới đây, các đại biểu đều ủng hộ phương án phải kiểm tra chất lượng tôm giống bố mẹ từ nước ngoài.

15/11/2013
Chuẩn Bị Tốt Cho Vụ Tôm Nước Lợ 2014 Chuẩn Bị Tốt Cho Vụ Tôm Nước Lợ 2014

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, năm 2013, tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ được các địa phương kiểm soát khá tốt, giá tôm nguyên liệu tăng nên người nuôi yên tâm thả giống, mở rộng diện tích canh tác. Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi năm 2014, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất và phổ biến lịch thời vụ nuôi, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm nước lợ.

15/11/2013
Vụ Tôm Nước Lợ Năm 2013 Cơ Bản Được Mùa Vụ Tôm Nước Lợ Năm 2013 Cơ Bản Được Mùa

Theo Tổng Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013, mặc dù vẫn còn xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi, nhưng về cơ bản vụ nuôi tôm năm nay được mùa ở Việt Nam.

15/11/2013
Nuôi Cá Chẽm Nước Ngọt Tại 2 Huyện Đông Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) Nuôi Cá Chẽm Nước Ngọt Tại 2 Huyện Đông Hòa, Sông Hinh (Phú Yên)

Chiều 12/11, Hội đồng KH-CN tỉnh Phú Yên xét duyệt Dự án Nông thôn miền núi: “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chẽm (Lates calcarifer) trong thủy vực nước ngọt quy mô nông hộ tại 2 huyện Đông Hòa, Sông Hinh thuộc tỉnh Phú Yên” do kỹ sư Phạm Trường Giang, Nghiên cứu viên Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III) làm chủ nhiệm.

15/11/2013
Được Mùa Cá Ruộng Được Mùa Cá Ruộng

Hiện nay, nông dân xã Trường Long A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), bắt đầu dọn đồng chuẩn bị bơm nước sạ lúa Đông xuân. Đây cũng là lúc bà con thu hoạch vụ cá nuôi trên ruộng với niềm phấn khởi được mùa, được giá.

15/11/2013