Thu nhập cao nhờ con ếch Thái

Nuôi ếch Thái Lan, gia đình anh Giáp Văn Bảo (SN 1984), thôn Ngọc Trai, xã Việt Lập (Tân Yên) có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ cung cấp giống và ếch thịt ra thị trường.
Tốt nghiệp ngành cơ khí tại một trường trung cấp, sau 3 năm xoay xở với nhiều công việc trong miền Nam nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, năm 2010, anh Bảo về quê vay hơn 20 triệu đồng cải tạo ao, mua lưới, cọc, dây thép làm lồng nuôi ếch Thái Lan thương phẩm.
Anh cho biết: “Giống và phòng bệnh là yếu tố quyết định đến sự thành công trong chăn nuôi. Vì vậy, tôi thường xuyên tìm hiểu quy trình kỹ thuật chăm sóc trên sách báo. Để không nuôi nhầm ếch Trung Quốc (giống ếch này chất lượng kém, hay mắc bệnh, khó tiêu thụ), tôi nhờ người quen giới thiệu tìm đến địa chỉ tin cậy ở Hưng Yên để mua 1 nghìn con giống giá 1,5 triệu đồng, lắp đặt hệ thống đường ống dẫn, thoát nước, giúp môi trường ao nuôi luôn bảo đảm”.
Sau 2,5 tháng, anh Bảo bán gần 2 tạ ếch thương phẩm với giá 50 nghìn đồng/kg, thu lãi hơn 4 triệu đồng. Hiệu quả bước đầu đã khích lệ anh mạnh dạn mở rộng quy mô. Đến nay, mỗi lứa gia đình nuôi từ 1 - 1,5 vạn con ếch thương phẩm, khi xuất bán đạt 2,5 - 3,5 tấn, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
“Để tiết kiệm chi phí đầu tư con giống lại có thêm thu nhập từ bán ếch con, năm ngoái, tôi đầu tư xây thêm 3 bể nuôi thả ếch sinh sản. Đến nay, 200 cặp ếch bố mẹ đã bắt đầu sinh sản, cung cấp ra thị trường hơn 20 vạn con giống, trong bể còn khoảng 60 vạn con nòng nọc, hơn một tháng nữa sẽ được bán” - anh Bảo cho biết thêm.
Theo anh Bảo, giống ếch Thái Lan thương phẩm có thể nuôi 4 - 5 lứa/năm. Sử dụng lồng lưới nuôi trên mặt ao kết hợp thả các loại cá ăn tạp như: rô phi đơn tính, cá chim để tận dụng thức ăn thừa của ếch, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
Anh dùng lưới nilon quây thành từng lồng rộng 4,5m2 mặt nước ao, cao 2m để tiện chăm sóc, kiểm tra khi cần thiết. Tấm lưới dưới cùng dùng loại mắt thưa để thức ăn thừa rơi xuống cho cá. Mùa mưa nước ao dâng cao làm ngập tấm lưới đáy nên người nuôi phải thường xuyên theo dõi nâng lồng lưới lên cao hoặc tháo bớt nước ao để ếch không bị ngập, phòng tránh bệnh phù đầu, mù mắt, ghẻ, xuất huyết…
Hiện nay, mô hình nuôi ếch Thái Lan thương phẩm của gia đình anh Bảo được nhiều nông dân trong xã đến học tập làm theo.
Có thể bạn quan tâm

Việt Nam sẽ đối mặt với việc bò Úc, gà Mỹ ồ ạt vào Việt Nam. Với 11.000 dòng thuế sẽ được cắt giảm để tiến về mức 0% khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều chuyên gia cảnh báo bên cạnh lợi thế nông nghiệp, Việt Nam sẽ đối mặt với bò Úc, gà Mỹ ồ ạt vào Việt Nam.

Trên địa bàn huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có rất nhiều hộ bắt ốc bươu vàng vựa lại làm thức ăn trong chăn nuôi. Bà con rào lưới lại trên bờ và đổ ốc vào để đến mùa khô không còn ốc ngoài đồng thì mới đem ốc này ra làm thức ăn cho gia cầm, lươn, cá…

Tuy nhiên ở nước ta, việc đầu tư phát triển nguồn con giống phục vụ cho chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Hiện cả nước có 195 cơ sở sản xuất giống lợn cụ kị (GGP) và ông bà (GP) với tổng đàn nái khoảng 73,5 ngàn con, trong đó có 10 cơ sở, 4,4 ngàn lợn nái cụ kị và ông bà thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT (chiếm 5,9% đàn GGP và GP của cả nước).

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai, tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh hiện nay trên 11,6 triệu con, tăng khoảng 1 triệu con so với cuối năm 2012. Trong đó, chăn nuôi theo hình thức trang trại chiếm hơn 88%, chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ gần 12%. Các công ty chăn nuôi nước ngoài và liên doanh chiếm gần 2/3 tổng đàn gà của tỉnh.

Hàng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò; chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các hội đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho trâu, bò đến tận người chăn nuôi. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để người chăn nuôi chủ động hơn.