Thu Nhập Cao Nhờ Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Và Chăn Nuôi Giỏi

Đến thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh được nghe mọi người nhắc nhiều tới người phụ nữ đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập cao. Đó là chị Nguyễn Thị Chiên ở thôn Nà Tèn.
Trước kia, gia đình chị Chiên cũng thuộc diện khó khăn như nhiều hộ khác trong thôn. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào 4 sào lúa nước. Mặc dù là đất 2 vụ lúa nhưng gia đình dù có đầu tư thâm canh nhưng cũng chỉ đủ lượng gạo ăn trong năm chứ không giúp gia đình khá lên được. Từ năm 2005, do nguồn rau xanh trên thị trường thị trấn Yên Minh rất khan hiếm, rau xanh chủ yếu được lấy từ thị xã Hà Giang và huyện Quản Bạ nên giá cả rất đắt đỏ lại không được tươi ngon.
Trong khi đó ruộng đất trên địa bàn thị trấn lại nhiều, thời tiết lại khá phù hợp với sinh trưởng và phát triển của đa số các loại rau xanh. Từ suy nghĩ đó chị Chiên đã bàn với gia đình chuyển đổi hoàn toàn diện tích đất trồng lúa sang trồng rau quanh năm. Trồng rau tuy vất vả hơn so với trồng lúa vì cần nhiều công sức từ làm đất, chăm sóc, bón phân tới thu hái và tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù việc nhiều nhưng anh chị gánh vác hết việc đồng áng vì các con chị đứa lớn đi công tác, đứa nhỏ còn đang đi học phổ thông.
Không phụ công chăm sóc, ruộng rau nhà chị Chiên luôn xanh tốt quanh năm, mùa đông thì xu hào, bắp cải…mùa hè thì rau đay, đậu đỗ, rau bí, dưa chuột…Do rau được trồng trên địa bàn không phải vận chuyển đi xa nên luôn tươi ngon, không bị dập nát, héo úa vì vậy sản phẩm của gia đình chị làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường tại thị trấn quê nhà.
Vì vậy trên diện tích đất ruộng hơn 1000 m2, gia đình chị Chiên lúc nào cũng có nguồn thu. Chị cho biết “ Trồng rau xanh đòi hỏi phải bỏ nhiều công lao động từ làm đất, chăm sóc, thu hái đến khâu tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên mỗi đơn vị diện tích lại cho thu nhập cao gấp 5- 6 lần so với trồng lúa. Vì vậy mỗi năm gia đình tôi đã có nguồn thu hàng chục triệu đồng từ trồng rau đó là chưa kể phục vụ cho sinh hoạt của gia đình hàng ngày”. Bên cạnh đó để có nguồn phân bón, gia đình chị cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ban đầu do không có vốn nên gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng CSXH 30 triệu đồng để đầu tư làm chuồng trại và mua con giống. Từ đó trong chuồng nhà chị thường xuyên có 3 con lợn nái, hàng chục lợn thịt và 3 con trâu không chỉ giúp gia đình có nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm mà còn đáp ứng được nhu cầu phân bón cho cánh đồng rau xanh của gia đình.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá, hàng năm gia đình chị Chiên đã có thu nhập ( sau khi trừ mọi chi phí) từ 30- 35 triệu đồng. Nhờ vậy gia đình chị từ một hộ nghèo chuyển thành hộ khá của thị trấn Yên Minh, cũng nhờ có nguồn thu đó mà chị đã nuôi các con ăn học đầy đủ và xây nhà khang trang. Tấm gương chịu thương, chịu khó, ham học hỏi và đặc biệt là tư duy mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi hàng hoá để có nguồn thu nhập cao của chị Nguyễn thị Chiên thôn Nà Tèn- thị trấn Yên Minh ( Hà Giang) là một tấm gương tiêu biểu để mọi người dân học tập và làm theo.
Có thể bạn quan tâm

Thời tiết sau Tết Nguyên đán đã nắng ấm, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh Phú Yên đang thả giống. Thế nhưng, chất lượng con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến nhiều hộ nuôi tôm không yên tâm. Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương có nuôi tôm tăng cường quản lý vùng nuôi, kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch.

Tuy vậy, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh ta còn thiếu tính bền vững, tình trạng xả nước thải trực tiếp từ các ao hồ ra môi trường diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi chưa được quan tâm đúng mức, nên dịch bệnh đã phát sinh ở nhiều địa phương. Sản lượng thủy sản khai thác được khá lớn, nhưng chất lượng không cao, nên giá trị xuất khẩu còn thấp…

Cường độ âm thanh dẫn dụ chim yến không vượt quá 70 đề xi pen trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh từ 21 giờ đến 6 giờ sáng. Chủ cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện quy định về vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh. Đối với các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở nuôi chim yến sau thời điểm thông tư này có hiệu lực phải phù hợp với quy hoạch và được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện…

Năm 2010, từ đôi vịt trời vướng vào lưới đánh cá, anh Tô Quang Dần, thôn Đông Phú, xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã đem về nuôi và thuần hóa. Sau khoảng bảy tháng, vịt trời đẻ lứa trứng đầu tiên, anh Dần đem trứng cho gà ấp để nhân giống. Sau bốn tháng chăm sóc, lứa vịt trời đầu tiên được xuất bán với giá từ 220 đến 250 nghìn đồng/con. Trước hiệu quả kinh tế nhờ nuôi vịt trời đem lại, anh Dần đã tăng quy mô đàn.

Chăm sóc dâu đầy đủ; bón cân đối các loại phân đạm-lân-kali, đủ định lượng, đúng lúc và đúng cách. Hái dâu đúng kỹ thuật và theo yêu cầu tuổi tằm: tằm nhỏ (tuổi 1 đến tuổi 3) ăn lá dâu non, tằm lớn (tuổi 4 - tuổi 5) ăn lá dâu thành thục và lá già. Sát trùng nhà cửa và dụng cụ nuôi tằm bằng dung dịch foocmol 0,2% trước và sau mỗi lứa nuôi.