Thu Nhập Cao Nhờ Biển

Năm 2014, ngư dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn vì Biển Đông “dậy sóng” cũng như giá cả lên xuống thất thường, song tàu câu mực ĐNa 90567 của ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) lại làm ăn hiệu quả, đem lại thu nhập cao.
Anh là một trong 2 cá nhân xuất sắc của thành phố Đà Nẵng được tặng danh hiệu “Chất lượng thủy sản vàng Việt Nam năm 2014”.
Ngày đầu tuần tháng 1, sau chuyến đi biển cuối năm gặp trục trặc về máy móc, tàu câu mực lớn nhất Đà Nẵng ĐNa 90567 được ngư dân Trần Văn Mười cho lên đà bảo dưỡng. Phút rảnh rỗi, Trần Văn Mười tâm sự: “Tuy năm nay mất mùa mực, song giá mực cao hơn năm ngoái khoảng 25.000 đồng/kg, nên thu nhập cũng khá cao so với các nghề khác.
4 chuyến biển năm 2014, tàu cho doanh thu 10 tỷ đồng. Trừ chi phí cho các chuyến đi, tàu lãi 1,2 tỷ đồng; các lao động có thu nhập khoảng 110 triệu đồng”. Tuy nhiên, so với những năm trước thì doanh thu đạt thấp hơn khoảng 2 tỷ đồng. Bởi năm 2014, tàu Trung Quốc liên tục gây khó, thường xuyên xua đuổi, đâm va tàu của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt tại vùng biển thuộc chủ quyền của mình.
Tàu câu mực của Trần Văn Mười có công suất 950CV, thuộc loại tàu câu mực lớn và hiện đại nhất thành phố Đà Nẵng (hiện Đà Nẵng có 4 chiếc) đóng mới từ năm 2011. Trong các năm từ 2011 đến 2013, tàu ĐNa 90567 cho thu nhập mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng, các lao động có thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng, cuộc sống ai nấy khấm khá.
Thuyền viên Trương Công Tám (45 tuổi, quê xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau 3 năm theo tàu câu mực của ngư dân Trần Văn Mười, giờ đây cuộc sống ổn định, nhà cửa được xây mới khang trang. “Dù mỗi chuyến biển xa nhà dài ngày, nhớ vợ nhớ con, nhưng đổi lại cho thu nhập cao hơn những ngành nghề khác trên biển. Chính nhờ sự ổn định đó nên anh em quyết tâm bám tàu, bám biển”, anh Tám chia sẻ.
Thuyền viên Nguyễn Văn Sơn (25 tuổi, quê xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cũng theo tàu câu mực anh Mười từ năm 2011. Sau ba năm, Sơn đã cưới vợ, có con và xây dựng được ngôi nhà khang trang tại xã Bình Minh. “45 lao động đi trên tàu đều có cuộc sống ổn định. Năm 2014, tôi vinh dự được nhận giải thưởng “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam” của Hội Nghề cá Việt Nam trao tặng. Đây không chỉ là thành tích của bản thân mình, mà còn do sự miệt mài lao động của các thuyền viên”, anh Trần Văn Mười chia sẻ.
Tuy nhiên, để làm ăn hiệu quả hơn nữa, bảo đảm an toàn trên biển và hiện diện thường xuyên trên vùng biển Việt Nam, góp phần làm “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền, hiện anh Trần Văn Mười đã thay mới máy cho tàu 90567 có công suất 1.200CV. Với công suất này, hiện tại tàu câu mực của Trần Văn Mười thuộc loại tàu câu mực lớn nhất miền Trung. “Tôi đang cho tàu lên đà để bảo dưỡng. Đến ngày mồng 6 Tết Ất Mùi sẽ cho tàu ra khơi chuyến biển đầu năm với hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn”, anh Trần Văn Mười cho biết.
Đánh giá về ông Trần Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Đỗ Tám cho biết, đây là một ngư dân tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng. Với việc mạnh dạn đầu tư, biết tính toán làm ăn nên tàu câu mực của anh Mười luôn đem lại kinh tế cao không chỉ cho anh mà còn cho các lao động. Những năm qua, tàu câu mực của anh đóng góp tích cực cho ngành thủy sản thành phố, cũng như tham gia tích cực trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Có thể bạn quan tâm

Giá thu mua lợn hơi đã tăng thêm 2.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng, nhưng người chăn nuôi hiện vẫn phải chịu lỗ từ 500.000 - 600.000 đồng/tạ thịt.

Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tổng kinh phí đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để xây dựng các tiêu chí NTM trên địa bàn 7/7 xã của TP Cà Mau trên 154 tỷ đồng.

“Thấy những sản phẩm thải ra từ trại gà phải vứt đi nghĩ cũng uổng phí”, anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương) mang niềm trăn trở đi tìm một mô hình chăn nuôi kết hợp “đặng làm sao tận dụng được nguồn thức ăn phong phú từ trại gà”!

Gặp chúng tôi, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thanh Nưa, ông Vi Văn Nhọt phấn khởi khoe về mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng của Chi hội người cao tuổi Hạ Thanh. Tuy là tự phát nhưng được duy trì và phát triển hiệu quả là nhờ tinh thần lao động hăng say, ý thức trách nhiệm, lòng kiên trì không ngại vất vả của tất cả các hội viên trong chi hội. Điều đó mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho người dân Hạ Thanh và là tấm gương trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Sau 10 năm lên Điện Biên lập nghiệp, nhờ mô hình chăn nuôi, đến nay gia đình anh Phan Văn Chung ở đội 4, khu Pom Lót, xã Sam Mứn huyện Điện Biên đã có cơ ngơi khang trang. Gia đình anh đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá trong vùng.