Thu nhập 500 triệu đồng từ 1,4 ha xoài

Bà Phượng luôn tự tay chăm sóc vườn xoài
Hưởng chế độ của anh trai là liệt sĩ, năm 2002, bà Đặng Thị Phượng được cấp 1,5 ha đất trong Khu kinh tế Bến Tre ở ấp Tân Lập, xã Tân Hiệp (Hớn Quản - Bình Phước).
Từ vùng sông nước lên, hành trang của ba mẹ con bà không có gì ngoài chút hiểu biết về cây ăn trái.
Bà và con trai lớn năm đó 18 tuổi ban ngày đi làm thuê, chiều về tranh thủ cuốc đất vườn nhà cho đến khi không còn nhìn thấy mặt đất mới nghỉ. Mảnh đất bà được cấp lúc đó toàn là cây le chằng chịt.
Bà không nhớ hai mẹ con đã làm bao nhiêu đêm để có đất sạch xuống giống cây xoài.
Khi cây đã lên xanh, bà vẫn đi làm thuê để có tiền mua phân bón. Bà nhận chăm sóc những vườn cây ăn trái để có thêm kiến thức.
Giống xoài tứ quý bà trồng ngoài vụ chính còn cho trái quanh năm nên nguồn thu cũng lai rai đủ trang trải chi phí trong gia đình. Tuổi thọ của xoài cao nên càng chăm sóc sau mỗi năm năng suất càng tăng. Trọng lượng một trái xoài khi già đạt hơn 1kg.
Bà nhớ năm đầu tiên thu được 60 triệu đồng, qua năm thứ hai tăng lên 120 triệu, đến vụ vừa qua thu hơn 500 triệu đồng. Sản phẩm của bà chủ yếu bán cho các thương lái ở Đồng Nai, Tây Ninh.
Là người được hội viên nông dân nể phục bởi tư duy làm kinh tế, bà Phượng cũng đã từng trồng xen canh quýt đường để tăng thu nhập trên cùng một diện tích.
Song số quýt đang ra trái bói bỗng vàng rũ do bà mua phải 4 tấn phân bón giả. Đau xót, nhưng bà đành chặt bỏ toàn bộ gốc quýt do không thể phục hồi. Bà nói vẫn còn may là chưa ảnh hưởng đến vườn xoài.
Để giữ được vườn xoài xanh mướt tăm tắp, chủ vườn chia sẻ kinh nghiệm “trồng cây gì phải hiểu rõ đặc tính của cây đó mới có thu nhập cao”.
Ngoài chu kỳ bón phân, dưỡng bông, dưỡng trái phù hợp, phòng trị bệnh cũng quan trọng không kém.
Thân xoài chủ yếu bị sâu đục thân phá hoại. Người trồng phải kiểm tra vườn thường xuyên để bắt sâu. Cắt tỉa cành gốc, tạo thông thoáng cũng như hạn chế tối đa mầm bệnh.
Ở tuổi 56, bà Phượng vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Hiện bà đang thuê hơn 2 ha đất cách nhà 20km để trồng bưởi da xanh.
Mê cây bưởi nhưng bà kiên quyết “thích cây khác thì tìm đất mới để trồng, không bao giờ bỏ cây xoài”.
Ước mơ của người nông dân này là sản phẩm bưởi da xanh sẽ được xuất bán ra nước ngoài. Nên ngay từ khâu xuống giống, bà tự tay làm để đạt quy trình gắt gao của thị trường mới.
Các con bà giờ đã lập gia đình, noi gương mẹ, con trai Đặng Văn Thành cũng là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, từng vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của.
Hằng năm, đều nhận được giấy khen của UBND huyện. Đây là món quà tinh thần tạo động lực cho người phụ nữ sản xuất giỏi tiếp tục vươn lên.
Có thể bạn quan tâm

Gần đây, nhiều tiểu thương bán cá lóc, cá rô, cá trê nuôi tại các chợ đầu mối “gắn mác” cá đồng để đẩy giá lên cao. Hành vi gian dối này khiến người mua chịu thiệt!
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT trong tháng 8, tôm sú giống nhập tỉnh Cà Mau 506,89 triệu con, tăng 73,47 triệu con so tháng trước, tôm không đạt chất lượng chiếm dưới 1%.

Tính đến nay, nông dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã thả nuôi trên 13.000 ha tôm, đạt trên 65% kế hoạch, trong đó tôm sú là 6.159 ha, đạt trên 61%, tôm thẻ chân trắng gần 7000 ha, đạt 60% kế hoạch. Nhìn chung diện tích ao nuôi phần lớn được nông dân cải tạo kỹ lưỡng, xử lý đảm bảo môi trường nước trước khi thả giống nhằm hạn chế rủi ro.

Ngày 27-8, tại xã Quỳnh Phú (Gia Bình - Bắc Ninh), Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản và thả cá giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Hiện nay, ngư dân xóm biển ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vào mùa thu hoạch ruốc với niềm phấn khởi vì năm nay bà con trúng ruốc và giá tăng cao hơn năm trước.