Thử Nghiệm Thành Công Biện Pháp Phòng Bệnh Tai Xanh Ở Bắc Giang

Theo thống kê, tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Giang những năm gần đây thường xuyên đạt 1,1 đến 1,2 triệu con. Toàn tỉnh có 430 trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô 20 nái và 100 lợn thịt trở lên. Cùng với sự phát triển chăn nuôi thì nguy cơ dịch bệnh cũng gia tăng.
Tai xanh là bệnh truyền nhiễm do virut gây nên, lợn sữa và lợn trưởng thành đều có thể nhiễm bệnh với biểu hiện đặc trưng là gây ra những rối loạn về sinh sản (sảy thai, đẻ non hay lợn con sinh ra yểu) và những rối loạn về hô hấp (ho, khó thở...). Bệnh gây tỷ lệ chết cao ở lợn con trước và trong giai đoạn cai sữa. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Dịch tễ (Chi cục Thú y) từ tháng 3 đến tháng 6/2010, toàn tỉnh có hơn 40 nghìn con lợn mắc bệnh, số bị chết và tiêu hủy là 15 nghìn con. Hằng năm, lợn chết vì bệnh tai xanh vẫn xảy ra rải rác.
Để bảo đảm chăn nuôi lợn phát triển bền vững và đạt được mục tiêu tăng tổng số đàn lợn lên 1,5 triệu con vào năm 2015, Chi cục Thú y đã phối hợp với Viện Thú y quốc gia nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ của bệnh tai xanh và đề xuất một số biện pháp phòng, chống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Qua quá trình điều tra, cán bộ chuyên môn đã xác định một số đặc tính sinh vật, hóa học, serotype, độc lực và khả năng mẫn cảm với kháng sinh của các chủng vi sinh vật kế phát phân lập được. Từ những chủng vi khuẩn xác định được làm kháng nguyên chế ra vắc-xin phòng, chống bệnh tai xanh ở lợn phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Nguồn vắc-xin này đã được thử nghiệm thành công tại hai mô hình ở huyện Việt Yên và huyện Tân Yên với quy mô chăn nuôi từ 80 - 200 con lợn (tỷ lệ miễn dịch với bệnh tai xanh từ 95% - 98%). Anh Hoàng Văn Long - chủ hộ chăn nuôi ở xã Tăng Tiến (Việt Yên) cho biết: "Với 200 con lợn móng cái, việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc-xin cho lợn luôn được gia đình quan tâm. Trước đây tôi thường phải mua vắc-xin tai xanh với giá cao bởi đây là loại vắc-xin ngoại nhập, khi lợn mắc bệnh bị chậm lớn lại phải tăng thức ăn, công chăm sóc... nên lãi thu được mỗi lứa không đáng kể.
Chính vì thế khi nhận được thông tin Chi cục Thú y tỉnh triển khai nghiên cứu về bệnh tai xanh và biện pháp phòng chống, tôi đã đồng ý cho thí điểm trên tất cả đàn lợn nhà mình. Sau 4 tháng tiêm vắc-xin trên đàn lợn, tỷ lệ miễn dịch với bệnh tai xanh đạt 100%". Theo Thạc sĩ Lê Văn Dương (Chi cục Thú y), đối với các hộ chăn nuôi thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại, cấu trúc chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và tiêm vắc-xin khép kín thì kết quả đạt cao.
Thành công trong nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ của bệnh tai xanh ở lợn và đề xuất một số giải pháp phòng, chống của Chi cục thú y là giải pháp giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, qua đó góp phần đảm bảo cho chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 26/5, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng cho biết, diện tích cà chua trong toàn tỉnh Lâm Đồng bị sâu xanh gây hại đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh có 471ha cà chua bị sâu xanh gây hại - tăng 71ha so với tuần trước, tỷ lệ hại từ 2,5% - 20%.

Bao đời nay, cây tỏi đã gắn liền với cuộc sống của bà con thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Dù còn nhiều khó khăn vất vả nhưng họ vẫn yêu nghề, giữ nghề và có một khát khao cháy bỏng là được mang sản phẩm chất lượng này tới người tiêu dùng trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.

Nhiều người dân ở các huyện Triệu Phong, Gio Linh và Cam Lộ (Quảng Trị) phản ánh về việc, trước đây họ ký kết hợp đồng với Công ty CP Tín Đạt Thành, có trụ sở tại TP Đông Hà trồng giống ngô Sugar 75 (người dân gọi là "ngô ngọt") sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Trong 30 năm trở lại đây, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cho ra đời nhiều giống lúa cao sản ngắn ngày có phẩm chất tốt, năng suất cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo kết quả điều tra bước đầu, tại 13 tỉnh ĐBSCL có trên 60 công ty đang tổ chức sản xuất, kinh doanh các giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL, góp phần thương mại hóa khâu giống, đưa giống lúa đến tay nông dân.